Trong quá khứ hay hiện tại, Tập đoàn Tân Hoàng Minh của Chủ tịch Đỗ Anh Dũng luôn khiến dư luận nhiều phen "ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa" trước hàng loạt động thái của mình.
Ngày 10/12/2021, TP. HCM đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Trong số các lô đất được mang ra đấu giá có lô đất 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 (nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có diện tích lớn nhất là 10.059,7 m2.
Sau 70 lần trả giá của các đơn vị tham gia phiên đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - Công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá lô đất với giá 24.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sau đó đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. 7 ngày sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP. HCM.
Đáng nói, kết quả trúng đấu giá đất nêu trên là chưa từng có trong lịch sử đấu giá đất tại Việt Nam - vượt xa cả giá đất những khu vực đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Sau khi “thâu tóm” quyền sở hữu lô đất 3-12, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh từng chia sẻ, Tân Hoàng Minh sẽ xây một tòa nhà có tên D' Billionaire - Tòa nhà tỷ phú dành cho giới nhà giàu và siêu giàu với mức giá hàng triệu USD/căn hộ.
Thế nhưng, khi “cú sốc” hậu đấu giá trong dư luận còn chưa kịp lắng xuống thì đến ngày 10/1/2022, ông Đỗ Anh Dũng bất ngờ viết “tâm thư” gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quý lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và TP. HCM xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12.
Ông Dũng chia sẻ, đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay bản thân ông trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
“Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm phát triển quỹ đất TP. HCM và Trung tâm đấu giá của TP. HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, ông Dũng viết trong tâm thư.
Như vậy, Tân Hoàng Minh đã chính thức xác nhận “rút” khỏi lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm dù trước đó, ngày 17/12/2021 (tức sau 1 tuần làm việc kể từ ngày đấu giá thành công ngày 10/12), 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng của TP. HCM.
Nhìn lại lịch sử của tập đoàn này, trước đó vào năm 2016, Tân Hoàng Minh cũng từng đấu giá thành công đôi choé Tứ Linh giá 6 tỷ đồng trước khi bất ngờ từ chối mua.
Trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần “nâng lên” không “đặt xuống” giữa hai đại gia bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải, cuối cùng người thắng cuộc là Chủ tịch Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 6/6/2016, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng đã phản hồi với Lạc Việt - bên đấu giá về việc từ chối mua tài sản nói trên.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.
Kết quả, ông Dũng chỉ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp choé Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề.
Trước đó nữa, hồi tháng 6/2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM và trúng với giá đấu cao nhất 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp này đã gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP. HCM với lý do phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.
Vụ việc dùng dằng một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý và đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên.
Tuy nhiên, do quá thời gian quy định nên ngoài số tiền trúng đấu giá, tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.
Cách đây hơn chục năm, khu “đất kim cương” 22 - 24 Hàng Bài, đối diện Tràng Tiền Plaza với diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang. Các căn hộ ở đây sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn, giá bán dao động từ 7 - 35 tỷ đồng.
Khu đất dự án này có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2 - mức giá kỷ lục thời điểm đó.
Được giao đất từ năm 2011 nhưng cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án song cuối cùng lại sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.
Nói về sức khỏe của tập đoàn này, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12/2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 80 đợt phát hành riêng lẻ trong nước với tổng giá trị huy động 65.757 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành có khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,4% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.
Với riêng ngành bất động sản, phần lớn nguồn vốn huy động được đến từ nhóm có liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị 9.420 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất là CTCP Đầu Tư Sun Valley với giá trị 3.560 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 4 năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty này được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện đạt 650 tỷ đồng.
Xếp sau về giá trị huy động là CTCP Bách Hưng Vương với 2.980 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành riêng lẻ theo kỳ hạn 1 năm. Công ty này được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện là 536 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Wealth Power cũng phát hành thành công 2.880 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 12 tháng. Công ty này được thành lập năm 2017 và hiện có vốn điều lệ 530 tỷ đồng.
Theo VMBA, đây là những công ty đều có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Hơn nữa, báo cáo phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 đơn vị trên đều khá "kiệm lời" khi không cung cấp các thông tin cơ bản của đợt phát hành trái phiếu như lãi suất, mục đích huy động, trái chủ, các đơn vị tham gia thu xếp, tài sản đảm bảo,...
Không chỉ đẩy mạnh việc huy động vốn trong tháng 12/2021, trước đó nhóm Tân Hoàng Minh cũng đã đẩy mạnh huy động vốn bằng trái phiếu với tổng giá trị 4.900 tỷ đồng.
Cụ thể, CTCP Cung Điện Mùa Đông cũng đã huy động thành công tổng cộng 450 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Tương tự, CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil huy động thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11, lô trái phiếu 450 tỷ đồng (tháng 8) và 800 tỷ đồng (tháng 7). Tổng giá trị vay từ đơn vị này lên đến 1.750 tỷ đồng với lãi suất dao động 11,5 - 11,75%/năm.
Một đơn vị khác là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng với lãi suất 11,5 - 12%/năm.
Việc cấp tập huy động vốn bằng trái phiếu của Tân Hoàng Minh diễn ra ngay sau vụ đấu giá đất kỷ lục hơn 2,4 tỷ đồng/m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng giá trị mà tập đoàn này cần thanh toán lên đến 24.500 tỷ đồng và giới đầu tư quan tâm nhiều đến kế hoạch tìm nguồn vốn để nộp.
Như vậy, trong khoảng thời gian tháng 7/12/2021, Tân Hoàng Minh đã có thể thu hút về 14.320 tỷ đồng chỉ riêng từ kênh trái phiếu, tương đương khoảng 58% số tiền cần nộp. Đây là con số chưa kể đến các kênh khác như vốn tự có, vốn vay ngân hàng,...
Theo cập nhật đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản yêu cầu một số ngân hàng rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. HCM.
Một số ngân hàng lớn như Vietcombank và SHB chính thức lên tiếng về việc không cấp tín dụng cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đấu giá đất Thủ Thiêm.
Mặc dù huy động vốn qua kênh trái phiếu với con số khủng như vậy nhưng Tân Hoàng Minh đã bất ngờ “quay xe” khi tuyên bố bỏ cọc và xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán với lô đất tại Thủ Thiêm. Động thái này đã làm “dậy sóng” trong xã hội và làm dấy lên nhiều lo ngại.
Ngày 10/2/2022, thị trường xuất hiện thông tin "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh" với chi nhánh TP. HCM chính thức hoạt động từ ngày 10/2/2022.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được giới đầu tư đặt dấu hỏi khi có nhiều liên quan đến việc thay máu cổ đông, ban điều hành tại CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS).
Chứng khoán Sen Vàng được thành lập từ ngày 21/12/2007 với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) nắm quyền chi phối khi sở hữu 5,74 triệu cổ phiếu GLS, tương đương tỷ lệ sở hữu 42,53%. Ngoài ra, ông Lê Viết Hòa và Lê Viết Hiếu, hai con trai của Chủ tịch Hoà Bình cũng sở hữu 22,49% và 9,29% vốn cổ phần tại đây.
Ngày 26/11/2021, Hòa Bình đã chuyển nhượng toàn bộ vốn cho các cá nhân là Nguyễn Khoa Đức (10,18%), Phùng Thị Cẩm Nhung (10,18%), Cao Tấn Thành (10,18%) và Chu Tuấn An (11,97%). Ông Lê Viết Hòa cũng chuyển nhượng 3,04 triệu cổ phiếu GLS cho 3 cổ đông là Nguyễn Anh Dũng (10,18%), Vũ Đình Hưng (5%) và Lê Thị Mơ (7,31%). Trong khi đó, ông Lê Viết Hiếu bán toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu GLS cho bà Trần Phương (9,29%).
Ngay trước khi thương vụ thành công, ban lãnh đạo Chứng khoán Sen Vàng cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Vũ Đình Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Chu Tuấn An giữu chức Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng ban Kiểm soát.
Đáng chú ý, các lãnh đạo cấp cao này đều ít nhiều liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với việc Tổng Giám đốc Chu Tuấn An hiện là Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh; còn ông Nguyễn Mạnh Hùng từng công tác tại CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil, một thành viên của Tân Hoàng Minh.
Đầu năm 2022, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi UBND TP. Hà Nội và các sở, ban ngành của thành phố đề nghị cung cấp những hồ sơ, tài liệu gồm: Các văn bản pháp lý do UBND thành phố ký, duyệt liên quan đến các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo đó, 11 dự án bất động sản do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư nằm trong diện xác minh của cơ quan công an gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D' San Raffles Hàng Bài; D' El Dorado I Phú Thượng; D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; Tân Hoàng Minh Lò Đúc...
Thực tế, đó không phải là lần đầu tiên các dự án do Tân Hoàng minh làm chủ đầu tư bị điều tra.