Tài chính Ngân hàng

Nghị quyết 68: Cần cụ thể hóa để dòng vốn tư nhân đi đúng địa chỉ

Hà Anh 14/05/2025 07:50

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu xây dựng thị trường tín dụng minh bạch, cạnh tranh, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực kinh tế tư nhân. Để đánh giá tính khả thi, động lực triển khai và tác động dài hạn của Nghị quyết, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Nguyễn Trãi.

z6597320958285_dc2508aeaa0580b1a19f491a9d44eff8.jpg

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước ngoặt lớn, khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết phản ánh một tầm nhìn cải cách sâu rộng, đổi mới thực chất, đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khơi thông nguồn lực và giải phóng sức dân.

Trong Nghị quyết 68 mới ban hành, Bộ Chính trị xác định một trọng tâm lớn: đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân – khu vực được xem là “động cơ tăng trưởng quan trọng” của nền kinh tế. Không chỉ dừng ở việc mở rộng tín dụng truyền thống, Nghị quyết còn mở lối cho nhiều giải pháp mang tính cải cách mạnh mẽ như cho vay tín chấp, bảo lãnh tín dụng linh hoạt, phát triển tín dụng xanh, khai thông các kênh vốn phi ngân hàng và thiết lập cơ sở dữ liệu kết nối liên thông.

Để đánh giá tính khả thi, động lực triển khai và tác động dài hạn của các giải pháp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi về chính sách tín dụng kích hoạt dòng vốn tư nhân.

4.jpg

Theo Nghị quyết 68 (khoản 3.2) có đề xuất ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho khu vực kinh tế tư nhân, nhất là DNNVV, DN công nghiệp hỗ trợ, DN khởi nghiệp sáng tạo… để đầu tư máy móc, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả và tính khả thi của chính sách ưu đãi tín dụng này?

Nghị quyết 68 với nội dung ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… đầu tư vào máy móc, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một bước đi đúng đắn, phản ánh xu thế tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiệu quả thực thi sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc cụ thể hóa tiêu chí và mức độ ưu tiên. Nếu không có ranh giới rõ ràng, chính sách dễ rơi vào tình trạng “ưu đãi dàn trải”, thiếu trúng đích và khó đo lường hiệu quả.

Vì vậy, cần định danh rõ các nhóm đối tượng được ưu tiên, chẳng hạn như: doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, doanh nghiệp đang triển khai mô hình số hóa quy trình sản xuất hoặc có cam kết ESG rõ ràng. Song song, mức độ ưu đãi cần được phân tầng theo quy mô và mức độ đổi mới. Ví dụ: doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể được vay đến 80% vốn đầu tư với lãi suất 3,5-5% trong thời hạn 5-7 năm. Doanh nghiệp chuyển đổi số nên có chính sách riêng, khác biệt so với doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị thông thường.

Để DNNVV thực sự tiếp cận được nguồn vốn này, ba điều kiện cần được đảm bảo.

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng hiệu quả và các quỹ hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp.

Thứ hai, ngân hàng cần có sản phẩm tín dụng đặc thù, thay đổi cách thẩm định, tập trung vào phương án kinh doanh thay vì tài sản thế chấp.

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, minh bạch dòng tiền và hoạch định đầu tư bài bản.

Khi có sự phối hợp đồng bộ, chính sách tín dụng ưu đãi sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tư nhân bứt phá, chuyển mình xanh hoá và số hóa hiệu quả.

2.jpg

Nghị quyết 68 cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định chuỗi giá trị, dựa trên dữ liệu, dòng tiền và chấp nhận thế chấp động sản, tài sản vô hình, thậm chí cho vay tín chấp. Theo ông, việc mở rộng phạm vi tài sản bảo đảm và hướng tới cho vay tín chấp mang lại thuận lợi và rủi ro gì?

Nghị quyết 68 mở ra một hướng tiếp cận tín dụng mới, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay dựa trên thẩm định chuỗi giá trị, dòng tiền, dữ liệu, tài sản vô hình, và tiến tới cho vay tín chấp. Đây là bước chuyển từ mô hình tín dụng dựa trên “tài sản quá khứ” sang “giá trị tương lai” - đặc biệt cần thiết với doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và không trở thành rủi ro hệ thống, cần một cuộc “lột xác kép” từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Với các tổ chức tín dụng, điều cốt lõi là chuyển đổi mô hình thẩm định rủi ro từ tĩnh sang động: từ chỗ dựa vào tài sản thế chấp, sang đánh giá năng lực tạo dòng tiền ổn định, tính minh bạch dữ liệu, vị thế trong chuỗi cung ứng. Công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các chỉ số tín nhiệm nội bộ cần được tích hợp mạnh mẽ để định hình năng lực tín dụng thực chất.

Nhưng chỉ ngân hàng thay đổi là chưa đủ. Các doanh nghiệp, nhất là DNNVV, phải chủ động chuyển mình. Cụ thể số hóa kế toán, tập trung dòng tiền về tài khoản chính, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, công khai thông tin với đối tác, xây dựng hệ thống quản trị nội bộ minh bạch. Mỗi dòng dữ liệu chuẩn là một “tài sản vô hình” có giá trị bảo lãnh.

Chỉ khi doanh nghiệp thể hiện được tính kỷ luật tài chính và minh bạch vận hành, thì ngân hàng mới đủ cơ sở ra quyết định tín chấp có trách nhiệm. Và chỉ khi ngân hàng thiết kế mô hình thẩm định phù hợp với “tài sản phi truyền thống”, thì vốn mới thật sự đến đúng nơi cần.

Cho vay tín chấp không phải là sự dễ dãi trong rủi ro, mà là đỉnh cao của quản trị dữ liệu và niềm tin.

3.jpg

Nghị quyết 68 đề cập “đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh” với cơ chế hỗ trợ lãi suất của Nhà nước và khuyến khích ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay các dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng tiêu chuẩn ESG. Ông đánh giá như thế nào về động lực này đối với ngân hàng và doanh nghiệp?

Tín dụng xanh là chìa khóa kép cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và thị trường toàn cầu. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu “đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh”, trong đó, Nhà nước hỗ trợ lãi suất và khuyến khích ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp tư nhân triển khai các dự án xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng chuẩn ESG. Đây là một bước đi tất yếu, phản ánh xu thế chuyển dịch của dòng vốn và chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng bền vững và có trách nhiệm với môi trường - xã hội.

Tuy nhiên, để chính sách này thực sự trở thành động lực, cần truyền thông rõ ràng hơn để doanh nghiệp hiểu rằng “xanh hóa” không chỉ là chi phí hay trách nhiệm đạo đức, mà là lợi thế cạnh tranh sống còn, đặc biệt trong xuất khẩu.

1.jpg

Bên cạnh đó, “xanh hóa” giúp doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi tài chính: tín dụng lãi suất thấp, bảo lãnh từ quỹ phát triển xanh, ưu đãi thuế, hay điểm cộng trong đánh giá xếp hạng tín dụng. Đặc biệt, với những doanh nghiệp nhỏ, việc đạt chuẩn xanh cũng mở ra cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư tác động và các định chế tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, để tín dụng xanh vận hành hiệu quả, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý phân loại dự án xanh – một bộ danh mục xanh quốc gia có thể đo lường, kiểm chứng và đánh giá rủi ro minh bạch. Ngân hàng cần hệ thống dữ liệu ESG, công cụ định lượng phát thải, quy trình thẩm định mới phù hợp với đặc thù “xanh”. Nhà nước cần cơ chế hỗ trợ lãi suất rõ ràng, tránh dàn trải và thiếu kiểm soát đầu ra.

Tín dụng xanh sẽ là dòng vốn chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới, là điều kiện tiên quyết chứ không còn là lựa chọn.

Theo số liệu năm 2024, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới đạt khoảng 5% tổng dư nợ và nhiều DNNVV khó tiếp cận do thiếu thông tin về tiêu chí thẩm định. Trong bối cảnh này, theo ông, các trở ngại chính nào cần được khắc phục (về thông tin, năng lực cấp tín dụng, chính sách) để tín dụng xanh thực sự phát triển và hiệu quả?

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững không thể thiếu vai trò dẫn dắt của dòng vốn tín dụng xanh. Tuy nhiên, số liệu đến năm 2024 cho thấy tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ toàn hệ thống – một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu chuyển đổi. Đặc biệt, nhóm DNVVV, lực lượng chiếm trên 97% số doanh nghiệp, gần như bị “bỏ lại phía sau” do vướng nhiều rào cản thông tin, năng lực và chính sách.

Trở ngại lớn nhất là thiếu hệ thống tiêu chí rõ ràng và nhất quán về phân loại tín dụng xanh. Dù đã có các hướng dẫn sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện vẫn chưa ban hành “Green Taxonomy” ở tầm quốc gia. Điều này khiến ngân hàng và doanh nghiệp lúng túng trong nhận diện dự án đủ điều kiện xanh, tạo ra sự bất đồng giữa các bên và rủi ro trong thẩm định tín dụng. Doanh nghiệp thiếu công cụ đo lường ESG, thiếu năng lực lập báo cáo phát thải, trong khi ngân hàng lại thiếu đội ngũ phân tích chuyên sâu để đánh giá rủi ro phi tài chính.

Rào cản thứ hai là năng lực cấp tín dụng xanh còn hạn chế. Hầu hết tổ chức tín dụng chưa tích hợp đánh giá ESG và rủi ro khí hậu vào hệ thống quản trị rủi ro nội bộ, chưa có khung thẩm định phù hợp với các dự án có vòng đời dài, lợi nhuận chậm nhưng tác động xã hội – môi trường tích cực. Nhiều nơi vẫn ưu tiên thẩm định tài sản truyền thống, không chấp nhận động sản, tài sản vô hình hay tín chấp dựa trên dòng tiền.

Thứ ba là thiếu công cụ hỗ trợ chính sách đủ mạnh và đồng bộ. Cần thiết lập các cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh, quỹ hỗ trợ đầu tư bền vững, và khuyến khích ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu xanh để tạo nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, chính sách hỗ trợ lãi suất phải được lượng hóa, minh bạch điều kiện, có giám sát hiệu quả, tránh trục lợi.

Quan trọng hơn cả là truyền thông mạnh mẽ để doanh nghiệp hiểu rằng “xanh hóa” không chỉ là tuân thủ mà là con đường chiến lược để tiếp cận thị trường quốc tế, giảm chi phí vốn, tăng khả năng cạnh tranh. Khi thông tin minh bạch, thể chế rõ ràng, năng lực thị trường nâng lên, tín dụng xanh sẽ không còn là “khái niệm đẹp” mà trở thành động lực thật trong nền kinh tế Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về khả năng huy động nguồn lực từ doanh nghiệp lớn để bảo lãnh cho DNNVV?

Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLC) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đồng thời khuyến khích doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính cùng tham gia bảo lãnh khoản vay. Đây là một định hướng có tính chuyển đổi, nếu được thiết kế đúng cách, sẽ trở thành đòn bẩy khơi thông dòng vốn cho khu vực kinh tế chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong bảo lãnh tín dụng là hoàn toàn khả thi. Các tập đoàn đầu chuỗi có lợi ích trực tiếp trong việc nâng cao năng lực tài chính và vận hành của các nhà cung ứng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến – chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Mối quan hệ này tạo động lực tự nhiên để doanh nghiệp lớn bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng và tối ưu hóa chi phí dài hạn.

Tuy nhiên, rủi ro sẽ rất lớn nếu thiếu cơ chế thẩm định tín nhiệm chặt chẽ hoặc buông lỏng điều kiện cấp bảo lãnh. Khi đó, hệ thống ngân hàng và các quỹ BLC có thể phải gánh thay các khoản nợ xấu do sự thiếu minh bạch, yếu kém trong quản trị và thiếu năng lực vận hành của doanh nghiệp được bảo lãnh.

Vì vậy, bên cạnh việc thị trường hóa cơ chế bảo lãnh theo mô hình đồng tài trợ – đồng kiểm soát, cần có hệ sinh thái tư vấn chuyên sâu đi kèm. Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần mời gọi các chuyên gia, tổ chức tư vấn vào cuộc để nâng cao năng lực cho DNNVV được bảo lãnh – từ hiểu biết pháp lý, hoạch định chiến lược, quản trị nhân sự, tài chính – kế toán, đến vận hành, dự báo và ứng phó rủi ro.

Chỉ khi doanh nghiệp được bảo lãnh có đủ năng lực nội tại để quản trị dòng vốn hiệu quả, các cơ chế bảo lãnh mới thực sự phát huy vai trò “bệ đỡ tín nhiệm”, đồng thời giữ vững kỷ luật tài chính, an toàn cho hệ thống ngân hàng và lan tỏa sự phát triển bền vững trong khu vực kinh tế tư nhân.

5.jpg

Nghị quyết 68 đề nghị rà soát, sửa đổi khung pháp lý cho các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi để đa dạng hóa nguồn cung tín dụng, đặc biệt là cho DNNVV. Đồng thời, mở rộng danh mục tài sản cho thuê của công ty tài chính, bao gồm phần mềm, tài sản trí tuệ, dữ liệu. Ông nhận xét thế nào về tiềm năng của các kênh tín dụng phi ngân hàng (cho thuê tài chính, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng) trong việc bù đắp nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhỏ?

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng truyền thống do thiếu tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng yếu hoặc dòng tiền chưa ổn định, việc Nghị quyết 68 đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, đồng thời mở rộng tài sản cho thuê tài chính như phần mềm, dữ liệu, tài sản trí tuệ… là một hướng đi đúng, kịp thời và có tiềm năng bù đắp khoảng trống vốn cho khu vực kinh tế năng động này.

Các mô hình như cho thuê tài chính, cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) đã chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia, cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, linh hoạt hơn với chi phí phù hợp hơn khi ngân hàng e ngại rủi ro hoặc quy trình xét duyệt quá chậm.

Tuy nhiên, tín dụng phi ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ như lãi suất cao, thiếu chuẩn mực minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng. Đặc biệt, nếu bị lợi dụng bởi các nền tảng trá hình, doanh nghiệp dễ sa vào “tín dụng đen công nghệ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền và danh tiếng.

Do đó, bên cạnh hoàn thiện pháp lý, cần đẩy mạnh truyền thông và tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp để hiểu rõ lợi ích – rủi ro của từng kênh tín dụng. Doanh nghiệp cần được hướng dẫn cách cân đối giữa tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng, lượng hóa chi phí – lợi ích – rủi ro trong mỗi quyết định vay vốn, từ đó tối ưu hóa cấu trúc tài chính, giảm phụ thuộc, tăng sức chống chịu và tính linh hoạt trong điều kiện thị trường biến động.

Song song, cần xây dựng hệ sinh thái tư vấn độc lập gồm chuyên gia tài chính, công nghệ và pháp lý để đồng hành cùng DNNVV, hỗ trợ hoạch định chiến lược vốn, nâng cao năng lực quản trị và tận dụng tối đa các kênh huy động hợp pháp, bền vững.

Tín dụng phi ngân hàng sẽ không thay thế ngân hàng truyền thống, nhưng nếu được quy hoạch và quản lý hiệu quả, sẽ trở thành kênh bổ sung chiến lược, góp phần phát triển tài chính toàn diện và nâng cao nội lực doanh nghiệp Việt.

Theo ông, vai trò của dữ liệu tín dụng tập trung và các mô hình chấm điểm tín dụng độc lập là gì trong việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV?

Một trong những điểm đột phá mang tính nền tảng mà Nghị quyết 68 đề cập là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Đây chính là bước đi tất yếu để xây dựng mô hình tài chính dựa trên dữ liệu, hướng tới nền kinh tế số, tài chính số và nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.

Hiện nay, rào cản lớn nhất khiến nhiều DNNVV khó vay vốn là thiếu minh bạch về thông tin tài chính, dòng tiền không tập trung, thiếu báo cáo thuế rõ ràng hoặc không có lịch sử tín dụng. Việc hình thành một hệ thống dữ liệu tập trung và các mô hình chấm điểm tín dụng độc lập, khách quan sẽ giúp ngân hàng, quỹ tài chính đánh giá sát thực hơn năng lực tín dụng của doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản đảm bảo.

Các mô hình chấm điểm hiện đại dựa trên dòng tiền, lịch sử giao dịch thuế, hóa đơn điện tử, đóng bảo hiểm xã hội, quan hệ với đối tác… nếu được kết nối đa chiều sẽ tạo ra “hồ sơ tín nhiệm số” cho doanh nghiệp – một “tấm hộ chiếu” tài chính trong giao dịch với ngân hàng và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hệ thống hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ. Dữ liệu bị phân mảnh, chưa kết nối thời gian thực, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật chung, chưa có hành lang pháp lý cụ thể về chia sẻ, bảo mật và sử dụng dữ liệu giữa các bên. Thêm vào đó, thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín dụng tư nhân độc lập làm cho thị trường chưa có cơ chế kiểm chứng chéo, làm giảm hiệu quả định giá rủi ro.

Để mô hình này khả thi, cần đẩy nhanh quá trình số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, ban hành quy chế kết nối dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời khuyến khích hình thành các tổ chức chấm điểm tín nhiệm tư nhân có năng lực và uy tín.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động số hóa tài chính, minh bạch hóa dòng tiền, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và bảo hiểm để xây dựng hồ sơ tín nhiệm tốt, sẵn sàng cho vay vốn không cần tài sản thế chấp trong tương lai gần.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nội dung: Thùy Linh
Thiết kế:
Bảo Lân

Theo Kiến thức Đầu tư
ggg
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nghị quyết 68: Cần cụ thể hóa để dòng vốn tư nhân đi đúng địa chỉ
    POWERED BY ONECMS & INTECH