Nhà đầu tư Nguyễn Trần Hải: Từ những thất bại chua cay đến thành công tự gây dựng trên thị trường chứng khoán
Hơn 23 năm chinh chiến trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Trần Hải đã ghi dấu ấn không chỉ bởi những thành công mà còn bởi khả năng trụ vững giữa bao biến động. Với phong thái điềm tĩnh và chiến lược đầu tư bài bản, ông Hải là minh chứng sống động cho những bài học không sách vở nào dạy được trong lĩnh vực tài chính đầy thử thách.
Nguyễn Trần Hải - một trong những tên tuổi lâu năm trong giới đầu tư chứng khoán Việt Nam, đã khẳng định được bản lĩnh và chiến lược đầu tư của mình qua hơn 23 năm trên sàn. Bắt đầu từ những ngày đầu tiên của thị trường, ông Hải đã chứng kiến và trải qua nhiều thăng trầm, từ những đợt khủng hoảng kinh tế cho đến những giai đoạn bùng nổ của thị trường tài chính. Trong suốt hành trình ấy, bản thân ông đã phải đối mặt với không ít lần "chết hụt”, mỗi lần đều để lại những bài học đắt giá và thử thách sự kiên trì.
Sau 15 năm chỉ sống nhờ vào đầu tư chứng khoán, ông Hải đã xây dựng được một nền tảng vững chắc, không chỉ về tài chính mà còn về chiến lược đầu tư. Những lần vấp ngã, thất bại trên thị trường đã giúp ông rút ra những kinh nghiệm quý báu về quản lý rủi ro, chiến lược đầu tư dài hạn và cách duy trì sự ổn định trong môi trường đầy biến động này. Chính những bài học xương máu đó đã tạo nên bản lĩnh và thành công của Nguyễn Trần Hải, người không chỉ là một nhà đầu tư mà còn là hình mẫu của sự kiên trì và quyết tâm trong thị trường chứng khoán.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Sau khi trượt đại học, tôi làm công nhân cho Công ty Thiết bị lạnh Long Biên, vừa làm vừa thi Đại học Thương Mại. Sự cố xảy ra vào năm 1997, tôi bị tai nạn dẫn đến mất sức lao động. Đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu tìm hiểu về đầu tư với thương vụ đầu tiên vào một công ty dịch vụ thời điểm cuối năm 2000 và đến năm 2001 tham gia thị trường chứng khoán với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng.
Tôi còn nhớ, mã cổ phiếu đầu tiên mua là REE và gặp ngay thất bại, phải cắt lỗ khi đã âm 60 - 70%. Các khoản đầu tư sau đó cũng không mang lại nhiều thành công, có những khoản đầu tư mua 90 về 10. Trong khi chứng kiến bạn bè đồng trang lứa có thu nhập tốt và chỗ đứng trong xã hội, điều này đã trở thành động lực để tôi quyết tâm nâng cao thêm kiến thức tài chính để có thể tồn tại trên thị trường.
Thực tế, 9 năm đầu tôi chỉ nếm trải thất bại. Từ năm 2009 đến hiện tại, tôi đã xây dựng được phương pháp đầu tư và quản trị riêng, nhờ đó mà dù có thua lỗ hay thành công, tôi vẫn may mắn tồn tại được. Tôi không có thu nhập nào khác, không phải làm thêm một nghề nào khác, nhưng tôi vẫn đủ sống nhờ vào những thành quả đầu tư của mình.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Tôi nhớ mãi ngày 24/2/2009, VN-Index xuống còn 235 điểm. Hơn một tháng sau, ngày 14/4/2009, nhiều nhà đầu tư đã thu được lợi nhuận rất cao khi chỉ số tăng từ 235 điểm lên 347 điểm. Nhưng bản thân tôi, vì tâm lý muốn gỡ lại số vốn nhanh sau những lần thua lỗ năm 2008, càng thấy thị trường lên tôi lại càng đánh nhiều hơn.
Đỉnh điểm là vào ngày 17/4/2009, khi SSI, BVS, và Kim Long tạo đỉnh ngắn hạn, tôi đã mua full margin. Thị trường sau đó điều chỉnh từ 347 điểm xuống 304 điểm, đồng thời cả 3 cổ phiếu trên mất thanh khoản, rơi 6 phiên sàn liên tiếp, khiến tổng vốn của tôi giảm 40% - 50%. Tôi sử dụng margin 1:1 nên gần như cháy tài khoản, mất sạch toàn bộ vốn liếng đầu tư vào chứng khoán, tương đương với 90% tổng tài sản cá nhân.
Sau đó, khi tôi lên công ty chứng khoán, các môi giới còn khuyên khách hàng đi nghỉ mát vì họ đã lãi nhiều trong giai đoạn đó và định ra nghỉ lễ 30/4 rồi tính tiếp. Bản thân tôi thì phải xử lý tài khoản để tránh công nợ bằng cách bán đi tài sản lớn nhất của mình. Tôi choáng váng, mất tinh thần và buộc phải rời bỏ thị trường để chiêm nghiệm lại bản thân. Khi đó, tôi đã đầu tư được 8 năm.
May mắn thay, thị trường vẫn đang ở giữa một con sóng tăng. Các cổ phiếu SSI, BVS, và Kim Long mà tôi đã cắt lỗ phần lớn, phần nhỏ còn lại hồi phục và vượt qua giá mua ban đầu. Chẳng hạn, tôi mua BVS ở mức 51, cắt lỗ một phần ở 30 nhưng sau đó cổ phiếu lên đến 80. Tuy nhiên, tôi vẫn mất gần hết tài sản, chỉ giữ lại được ít vốn và tự nhủ rằng sự may mắn này sẽ không đến với mình lần thứ hai.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Trong quá trình đầu tư, những lần mất mát lớn khiến tình trạng tài chính cá nhân của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã xảy ra khoảng 15 lần.
Trước kỷ niệm khó quên năm 2009, tôi đã đầu tư vào một số cổ phiếu sách vào năm 2008. Đến tháng 8/2008, thị trường mất thanh khoản, khi ấy tôi dồn phần lớn tài sản vào thị trường. Gia đình tôi lúc đó vẫn làm nghề cơ khí, nhưng tôi thì chỉ còn nhìn bảng điện, không muốn làm gì nữa, ngày nào cũng phải canh bảng. Tâm lý không ổn định, sức lực cạn kiệt, nếu làm thì cũng sợ gặp tai nạn, dẫn đến mất sạch nguồn thu nhập. Có những lúc cả tháng trời tôi chỉ ăn cơm với một số thực phẩm nhất định để tồn tại vì không còn nguồn thu nào khác.
Năm 2008, cứ đầu tư vào một khoản chưa kịp thấy lãi thì đã mất vốn. Ví dụ, cổ phiếu PVS tôi mua trên OTC giá khoảng 160, khi lên sàn thì ngày tôi quyết định bán giá chỉ còn 48. Tổng NAV năm 2008 giảm khoảng 70% - 80% so với đỉnh.
Năm 2018, thời điểm này tôi đã có kinh nghiệm đầu tư tương đối và có cách quản trị dòng tiền tốt hơn để không bị thiệt hại nặng như năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, khoản đầu tư vào CTG ngày 10/4/2018 tôi đã mua đúng đỉnh, dẫn đến thiệt hại rất lớn. Sau đó, tôi buộc phải thay đổi hoàn toàn cách quản trị danh mục đối với từng cổ phiếu.
Trước Tết 2020, thị trường chứng khoán đi biên hẹp khoảng 50 điểm từ tháng 8 đến cuối năm 2019, nên tôi quyết định phân bổ một khoản đầu tư để giữ qua Tết Âm lịch vì có sự tích lũy ổn định. Thế nhưng, "thiên nga đen" Covid xảy ra. Ngày đầu tiên trở lại làm việc, thị trường phản ứng rất mạnh. Dù đã đầu tư lâu năm, nhưng chứng kiến cơn bão thông tin từ đại dịch, tôi vẫn cuống và xử lý chậm, khiến tổng NAV giảm 10% - 15%. Từ đó, tôi rút ra bài học về tỷ trọng đầu tư trước những kỳ nghỉ lễ dài cần phải được phân bổ vô cùng hợp lý, vì có những thông tin không thể dự đoán trước.
Tôi cũng từng trải qua một bài học đau đớn vào kỳ nghỉ lễ 30/4/2014. Thị trường nhích lên trước kỳ nghỉ, nhưng sự cố Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam ngày 8/5/2014 đã khiến thị trường phản ứng rất mạnh. Tôi nhớ khi đó, nhiều bluechips như GAS, VNM, VCB, nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán đều nằm sàn. Sau đó, một số mã hồi phục nhẹ, nhưng phiên đó thị trường gần như rơi hết biên độ. Tôi nắm các cổ phiếu như SBC, PPC, PVS, SSI và buộc phải cắt lỗ. Tuy nhiên, sau khi cắt xong, chỉ 4 - 5 ngày sau, thị trường bật lên rất mạnh, tôi mất hoàn toàn danh mục. Tôi mất 7 - 10% vốn trên tài khoản và cả cơ hội phía sau khi các cổ phiếu vọt lên cao.
Khi ấy, tôi rút ra bài học về quản trị NAV, không dám mua theo mô hình "bông hoa", càng lên càng mua thêm. Thay vào đó, tôi chuyển sang mô hình "kim tự tháp", mua nhiều ở giá thấp và mua ít dần khi giá lên cao, nhằm gia tăng khả năng gồng lỗ của bản thân.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Trong cuộc đời đầu tư, thất bại rất nhiều và nhớ rất lâu, nhưng cũng cần phải có thành công mới có thể tồn tại được. Kỷ niệm đáng nhớ nhất, khi tôi cảm thấy bản thân có trí tuệ, kiến thức và khả năng vận dụng vào đầu tư, là vào tháng 3/2020 khi dịch Covid trở nên nghiêm trọng và Việt Nam phải giãn cách xã hội. Tôi đọc báo cáo tài chính của một số công ty chứng khoán và nhận thấy đa phần vòng quay tiền mua của các công ty này đều sụt giảm, chỉ có một số ít công ty vòng quay tiền mua lại tăng mạnh.
Khi vận dụng những kiến thức đã học, tôi nhận định rằng quý I/2020 có thể là giai đoạn một số nhà đầu tư có sự chủ động về tài chính sẽ tham gia đầu tư. Lúc đó, thị trường rất sợ thông tin về dịch bệnh, nhưng dòng tiền đến từ sự chủ động. Tôi quyết định rằng thời điểm giãn cách chính là lúc cần tăng quy mô đầu tư.
Ngày 1/4/2020, khi các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, và thép tăng mạnh, tôi quyết định đầu tư quyết liệt với 60% số vốn hiện có. Đến ngày 15 - 20/4/2020, báo cáo tài chính quý I cho thấy tổng dòng tiền mua và tỷ lệ margin trên thị trường đang chạm đáy. Trong khi thị trường chưa sẵn sàng mua mà cường độ giao dịch lại tăng mạnh, điều này cho thấy những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính không cần vay margin đang giải ngân rất mạnh. Điều này càng củng cố niềm tin cho quyết định đầu tư của tôi, khiến tôi tăng thêm quy mô và kiên định nắm giữ bất chấp sự rung lắc của thị trường.
Tháng 12/2021 là vùng đỉnh của thị trường, tôi nhận thấy tốc độ vòng quay tiền, tỷ lệ margin, và tốc độ thanh toán dòng tiền mua của nhà đầu tư cá nhân tại các công ty chứng khoán tăng chóng mặt. Với kinh nghiệm đầu tư 20 năm, tôi nhận ra rằng thị trường đang ở trạng thái hưng phấn quá mức, làm định giá cổ phiếu trở nên quá cao. Nếu có sự cố xảy ra, thị trường sẽ giảm rất khốc liệt. Do đó, tôi quyết định bán phần lớn danh mục, chỉ giữ lại một phần nhỏ để giao dịch và gần như tránh được cú sập năm 2022.
Trong cơn sụt giảm mạnh, tôi vẫn giữ lại những khoản đầu tư dài hạn đã lên đến 18 năm và cảm nhận được nhịp thở của thị trường, được theo dõi và ghi chép hàng ngày, hàng giờ.
Đến tháng 11/2022, khi xảy ra các sự cố về trái phiếu, sự đổ vỡ của một số ngân hàng, và thanh khoản thị trường ở mức thấp cùng sự sợ hãi dâng cao. Tuy nhiên, vào ngày 16/11/2022, thanh khoản vào lúc vào khoảng 10h - 11h tăng lên hơn 1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh. Bằng cảm nhận cá nhân và qua việc theo dõi dòng tiền cùng mức độ rơi của cổ phiếu, tôi nhận thấy có xác suất thị trường đang hấp thụ cổ phiếu từ những nhà đầu tư sợ hãi. Tôi quyết định giải ngân 100% NAV từ 11h - 14h ngày 16/11/2022.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Lần đối diện với Covid, tâm lý của tôi chưa có tiền lệ, và cảm giác về dịch bệnh lúc đó vô cùng kinh khủng. Khi có kinh nghiệm hơn, đến tháng 11/2022, tôi thấy tình huống nhẹ nhàng hơn nhiều so với thời kỳ Covid, nên lượng vốn đổ vào thị trường của tôi cũng tăng lên. Hôm đó, tôi giải ngân vào nhiều cổ phiếu như SSI, PAN, TCH.
Như đã chia sẻ ban đầu, khi chưa có kiến thức thì gần như toàn bộ đều thất bại. 9 năm đầu tôi chỉ nếm trải thất bại. Giai đoạn năm 2009 đến 2020, dù không có thương vụ thành công lớn, nhưng tôi cũng sống được bằng chứng khoán mà không cần làm thêm nghề nào khác. Khi ấy, tôi đã xây dựng được phương pháp đầu tư và quản trị riêng. Những thành công lớn đến từ năm 2020, khi kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp thêm hoàn thiện và gặp “thiên thời”.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Tôi đã được nhiều và mất cũng nhiều. Về những mất mát, nghề này có một điều rất lớn là mất cân bằng tâm lý. Để giữ được sự cân bằng, kiềm chế được cảm xúc vui quá, buồn quá thật sự rất khó. Có những lúc buồn quá, tôi chỉ muốn thu hẹp thế giới của mình lại và không muốn tiếp xúc với ai. Nhất là khi tôi sống nhờ vào đầu tư chứng khoán. Khi thua lỗ, trạng thái tâm lý dễ khiến tôi cáu giận và phải cố gắng kiềm chế, nhiều lúc cáu với vợ, con và bản thân phải kiềm chế để không ảnh hưởng đến gia đình. Khi vui quá, thì ra ngoài gặp ai cũng muốn cười.
Ngược lại, nghề chứng khoán đòi hỏi sự quan tâm đến kinh tế và chính trị cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp tôi đầu tư cũng buộc phải tìm hiểu về cách thức vận hành và sản xuất kinh doanh của họ. Đây là những hiểu biết rất quý giá mà nghề này đem lại. Những khoản lợi nhuận khi mình bỏ công sức ngày đêm để đạt được cũng khiến tôi cảm thấy rất vui.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Từ kinh nghiệm bản thân và tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư mới, tôi nhận ra rằng chúng ta phải học cách “giữ tiền” đầu tiên, bao gồm: quản trị NAV; kiềm chế tâm lý, cảm xúc, hành vi; và cách phân bổ tiền. Năm 2021, tôi thấy nhiều bạn mới thành công rất nhanh, nhưng khi sự cố xảy đến, họ bị cuống, không biết xử lý như thế nào và phải trả giá đắt.
Thứ hai, cần có kiến thức tài chính. Khi đầu tư vào doanh nghiệp, cần hiểu tình hình làm ăn của nó đang đi lên hay xuống, các thông số trong báo cáo tài chính một cách tường tận. Cuối cùng, nhà đầu tư cần học phân tích kỹ thuật để hiểu thị trường đang vận hành như thế nào, đang nghĩ gì.
Tôi cũng khuyên các nhà đầu tư nên học cách ghi nhật ký giao dịch. Nếu xác suất đầu tư liên tục thua lỗ, buộc phải ghi lại để rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục. Nếu không, chúng ta rất khó tồn tại.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Thời điểm bắt đầu bước chân vào thị trường, tôi không có máy tính, không có thiết bị nào để lưu lại dữ liệu giao dịch, ngoài việc chen nhau nhìn bảng điện tử trên sàn chứng khoán hàng ngày. Thông tin chỉ có báo đầu tư chứng khoán đọc hàng tuần, ra 2 - 3 số, cùng bảng tin công ty chứng khoán cấp cho, nên về mặt thông tin là rất thiếu.
Từ đó, tôi lập thói quen ghi nhật ký giao dịch. Tất nhiên, do thời gian không có nhiều, nên tôi chỉ ghi lại những cổ phiếu quan tâm, những thông tin nổi cộm lúc đó và cách thị trường phản ứng. Sau một thời gian, tôi tổng hợp và lập cột số liệu, lập tình huống tương đồng, vì thị trường cũng chỉ có một số dạng thông tin xấu, tốt và cách phản ứng. Đến nay, tôi đã có gần 20 kg sổ.
Tôi bắt chước thư viện, đánh mã, đánh quyển, đánh tình huống và sắp xếp theo thứ tự. Khi gặp phải tình huống mà muốn đọc lại, đều rất dễ dàng. Ví dụ, giai đoạn Covid – sự cố chưa có tiền lệ, tôi giở lại đợt sự cố về động đất ở Nhật Bản, không nhầm thì vào tháng 3/2011, sóng thần xảy đến và nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ. Đây là sự cố cũng chưa có tiền lệ, và mình xem lại kinh nghiệm xử lý khủng hoảng.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Tôi xây dựng phương pháp cho mình thông qua quản lý lớp. Cụ thể, tôi không mua ở một điểm và đi phân bổ vốn theo khung nguyên tắc. Nếu vi phạm nguyên tắc, không có lý do gì trì hoãn, tôi sẽ xử lý dù hiệu quả có bị ngược lại.
Về thời điểm mua, tôi định giá cổ phiếu và chọn lúc thị trường rơi vào trạng thái quá bán, dẫn đến giá trị cổ phiếu giảm xuống dưới mức giá trị định giá của tôi. Cách mua theo phân lớp tiền là "dưới dày, trên mỏng" và khi có sự cố, tôi sẽ xử lý ngay (mua nhiều khi giá thấp, nếu cổ phiếu lên sẽ mua tiếp với tỷ trọng ít đi).
Về cách định giá, bên cạnh các phương pháp thông thường được nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán áp dụng như P/B, P/E, chiết khấu dòng tiền… tôi còn sử dụng một phương pháp định giá riêng về dòng tiền ra vào của tổng thị trường ở các cổ phiếu (khối lượng giao dịch).
Đối với việc sử dụng margin, đây là con dao hai lưỡi, có thể làm chúng ta rất vui, cũng có thể làm chúng ta đứt tay. Tôi giờ chỉ dùng margin khi thị trường chung rơi mạnh. Điều này khá khó vì ngược lại với tâm lý hành vi chung, bởi khi đó mọi người thường ngại sử dụng.
NĐT Nguyễn Trần Hải: Trong quá trình đầu tư, tôi cảm nhận rõ thị trường luôn luôn thay đổi với tốc độ nhiều khi vượt quá tốc độ mà tôi có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh tư duy đầu tư của mình. Vì vậy, trong quá trình tham gia, tôi cũng hay mắc sai lầm.
Đối với nhà đầu tư, thời gian đầu chúng tôi viết lệnh bằng giấy. Khi thị trường nóng, việc nhập lệnh còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, công nghệ phát triển đã giúp các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn chúng tôi ngày xưa vô cùng nhiều, từ việc tiếp cận thông tin, nhập lệnh, cho đến báo cáo phân tích... Về phía thị trường, các công bố thông tin, kiểm toán, hay doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện chất lượng hơn so với trước kia rất nhiều.
Về lối đầu tư, từ giai đoạn 2001 - 2006, tâm lý phổ biến là mua là thắng, đầu tư theo phong trào, và hình thức "mua theo rỉ tai" phát triển rất mạnh. Sau sự cố khủng hoảng kinh tế năm 2008 dẫn đến sự sụp đổ, tính cách của nhà đầu tư, cách vận hành thị trường, cũng như chất lượng doanh nghiệp và cách quản trị của các công ty tham gia thị trường chứng khoán, ngân hàng đã thay đổi hoàn toàn. Gần đây, trong giai đoạn bùng nổ do Covid, rồi sau đó giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư mới tiếp tục lặp lại các sai lầm của những người đi trước.