Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI: Việt Nam đang trong ‘cuộc chơi’ thương mại toàn cầu và hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng
Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá để khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Thế giới đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định. Cuộc chơi thương mại giữa các cường quốc ngày càng phức tạp với nhiều động thái mới từ các nền kinh tế hàng đầu, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhanh chóng triển khai hàng loạt chính sách thương mại theo phương châm "Nước Mỹ trên hết". Những chính sách thuế quan mà ông đề xuất trong nhiệm kỳ mới (thường được gọi là Trump 2.0) được dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước có nền kinh tế mở như Việt Nam.
Việc áp thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam. Là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất của thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng nội lực.
Để hiểu rõ hơn về bối cảnh này cũng như chiến lược Việt Nam cần hướng tới, ngày 6/2/2025, Chứng khoán SSI đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Gateway to Vietnam: Chính sách thuế của Tổng thống Trump". Chương trình có sự tham gia của 4 diễn giả nổi tiếng, gồm: Ông Thomas Nguyễn - Giám đốc Thị trường Toàn cầu tại CTCP Chứng khoán SSI; ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI; ông Frank Kelly - Nhà sáng lập, Đối tác quản lý tại Fulcrum Macro; và bà Eva Huan Yi - Kinh tế trưởng tại Huatai Securities (USA).
Trong buổi đối thoại, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những phân tích về tác động của các chính sách thuế quan mới của ông Trump đối với Việt Nam, bao gồm sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, cơ hội thu hút đầu tư và những thách thức trong dài hạn.
Sau buổi giao lưu trực tuyến, chúng tôi đã có cuộc trao đổi chuyên sâu hơn với ông Phạm Lưu Hưng, một trong những chuyên gia hàng đầu về tài chính và thị trường Việt Nam.

PV: Thưa ông, các chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào?
Chính sách thuế của ông Trump và những hệ lụy của nó là chủ đề được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua. Theo ông Frank Kelly, nhà sáng lập và đối tác quản lý tại Fulcrum Macro, chính sách này nhằm "bảo hộ" nước Mỹ, đảm bảo lợi ích kinh tế cho Mỹ trước tiên. Tuy nhiên, chính điều đó sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tôi nhận thấy rằng đây không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mà còn là một trận chiến thương mại toàn cầu. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta đang chơi một cuộc chơi lớn trên sân khấu quốc tế, và trong bối cảnh này, chúng ta không thể chơi một mình. Mà lý thuyết trò chơi trong kinh tế học cũng đã chỉ ra trong một trò chơi lặp đi lặp lại (vì chúng ta không phải chỉ chơi một lần), hợp tác là chiến lược tốt nhất.
Hiện tại, Việt Nam đang có những lợi thế quan trọng khi kết nối với không chỉ các nền kinh tế lớn mà còn kết nối được với các khối kinh tế khác nhau trên toàn cầu. Điều này giúp chúng ta có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn đa quốc gia với chính sách không liên kết của mình.
Trong cuộc khảo sát công bố tháng 1/2025 của JETRO (Nhật Bản), trong số khoảng 463 công ty Nhật đang rời Nhật Bản hoặc Trung Quốc để đến với các nước ASEAN, thì có tới 196 công ty đã chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc Việt Nam đang ngày càng có sức hút trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

>> Chuyên gia: Không chỉ DeepSeek, các ứng dụng đến từ Việt Nam cũng khiến Mỹ phải 'dè chừng'

PV: Thưa ông, trước bối cảnh chiến tranh thương mại có thể xảy ra trong năm nay, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị như thế nào?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Phải chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay".
Tuyên bố này không chỉ là một cảnh báo mà còn thể hiện rõ tâm thế chủ động của Việt Nam trong việc đón nhận cả cơ hội lẫn thách thức.
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy sản xuất trong nước, đặc biệt khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng hướng vào Việt Nam. Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chúng ta có thể thấy rõ sự gia tăng trong:
- Thứ nhất: Đầu tư vào hạ tầng giao thông và logistics.
- Thứ hai: Thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
- Thứ ba: Kích thích tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Tất cả những yếu tố trên đang khiến Việt Nam trở thành một điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
PV: Từ góc độ những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tình hình hiện tại?
Một trong những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam là thời kỳ dân số vàng sẽ không kéo dài lâu nữa. Chúng ta chỉ còn khoảng 15 năm để tận dụng lực lượng lao động dồi dào này trước khi phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.
Vì vậy, việc tăng tốc phát triển, cải cách bộ máy Nhà nước, tinh gọn hành chính, và nâng cao năng suất lao động là điều cấp thiết. Chúng ta không thể chậm trễ trong việc:
- Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao.
- Chuyển đổi số và phát triển cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
- Cải cách mạnh mẽ hệ thống hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp
Quá trình này đã bắt đầu triển khai, và theo tôi, đây chính là thời điểm tạo ra những thay đổi quan trọng trong công tác quản trị quốc gia.


PV: Trước những cơ hội và thách thức này, theo ông, đâu là những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới?
Hiện tại, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn nằm ở đầu tư công – đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông và đô thị. Những lĩnh vực tiềm năng trong năm nay gồm:
- Xây dựng/Vật liệu xây dựng - do nhu cầu gia tăng từ các dự án hạ tầng lớn.
- Bất động sản khu công nghiệp - khi các doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
- Công nghệ & Chuyển đổi số - do sự tăng tốc trong nhu cầu chuyển đổi số/số hóa/tự động hóa và tối ưu hóa chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiêu dùng nội địa cũng đang phục hồi mạnh mẽ khi các doanh nghiệp và người dân gia tăng chi tiêu. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho các ngành bán lẻ, thương mại điện tử, tài chính, và tiêu dùng nhanh (FMCG).
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!