Xã hội

Tiktoker Thủy Tiên: Dùng đam mê và nét vẽ chạm vào trái tim triệu người yêu sử Việt

Hồng Gấm 03/05/2025 08:00

Bất chấp áp lực thời gian và nỗi lo "viral", Thủy Tiên vẫn hàng ngày miệt mài vẽ nên những thước phim lịch sử trên TikTok. Với cô, được tái hiện những trang sử hào hùng bằng nét vẽ và giọng kể là một sứ mệnh thiêng liêng, bởi sự lãng quên còn đáng sợ hơn cả mất mát, và lịch sử chỉ sống mãi khi được trân trọng, nhắc nhớ.

1.jpg

Giữa thế giới TikTok đầy sôi động, Phạm Thị Thủy Tiên, cô gái 9X đến từ Đồng Nai, chủ kênh "Vẽ Kể chuyện" nổi lên như một nốt trầm lắng đọng, thu hút hơn 1 triệu lượt theo dõi và 35 triệu lượt thích.

Không chỉ là những thước phim vẽ màu nước sống động về các nhân vật lịch sử, mà còn là giọng kể ấm áp, truyền tải những câu chuyện hào hùng và cả những bài học nhân văn sâu sắc. Thủy Tiên đã khéo léo biến lịch sử khô khan thành những thước phim gần gũi, dễ hiểu, khơi dậy niềm tự hào và khát khao khám phá cội nguồn trong lòng giới trẻ, một minh chứng cho sức mạnh của đam mê và sự tử tế trên mạng xã hội.

untitled-1(1).jpg

Chào Tiên, lướt qua những thước phim "Vẽ kể chuyện", mình không chỉ thấy những hình ảnh sống động mà còn cảm nhận được cả một dòng chảy đam mê trong bạn. Bạn có thể hé lộ về khoảnh khắc định mệnh nào đã thắp lên ngọn lửa tình yêu với những trang sử đầy màu sắc này?

Phạm Thị Thủy Tiên: Sau 6 năm làm biên tập viên truyền hình, tôi quyết định rẽ sang sản xuất phim, một lĩnh vực tưởng chừng khác biệt nhưng lại mở ra những chân trời sáng tạo mới. Đặc biệt, cơ hội làm việc cùng Huỳnh Lập, một người mà tôi luôn trân trọng tài năng, đã thực sự kích hoạt những tiềm năng mà chính tôi cũng chưa từng khám phá. Giữa những người trẻ đầy nhiệt huyết, tôi được thử lửa, được khuyến khích dám nghĩ, dám làm những điều vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Tôi bắt đầu dám thử nghiệm những điều trước đây mình chưa từng nghĩ tới, như việc xuất hiện trên mạng xã hội. Với một người hướng nội như tôi, việc livestream hay quay video clip quả thực là một cuộc cách mạng không hề nhỏ.

Nhưng rồi đại dịch ập đến, mọi thứ chững lại. Không phim trường, không kịch bản, chỉ còn lại sự ngột ngạt, hỗn loạn và những suy nghĩ tiêu cực bủa vây. Cái ý niệm về một cuộc sống "thừa thãi, vô nghĩa" cứ ám ảnh, thôi thúc tôi phải tìm một lối thoát, một cách để sống thực sự. Và chính trong những ngày tháng mệt mỏi, căng thẳng bức bí ấy, "Vẽ kể chuyện" đã lặng lẽ được hình thành.

Khi bắt tay vào xây dựng kênh "Vẽ kể chuyện", đâu là khó khăn lớn nhất mà Thủy Tiên gặp phải trong quá trình tìm kiếm tư liệu và xây dựng kịch bản cho các video? Bạn giải quyết khó khăn đó như thế nào?

Phạm Thị Thủy Tiên: Tôi nhớ những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, cả thế giới của tôi dường như thu bé lại trong căn phòng nhỏ. Chỉ có tiếng cọ vẽ miệt mài trên trang giấy, và giọng nói thì thầm thu âm dưới lớp chăn. Mọi thứ diễn ra trong một không gian tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng tim mình đập. Thậm chí, cái ý nghĩ chia sẻ những đứa con tinh thần còn ngô nghê ấy với những người thân quen cũng khiến tôi rụt rè, xấu hổ. Cứ sợ một ánh mắt dò xét, một nụ cười ái ngại. Nhưng sâu thẳm bên trong, tôi biết mình đang ươm một mầm cây, một điều gì đó thuộc về riêng mình, một cách để kết nối với thế giới theo một cách khác biệt.

Khó khăn lớn nhất chính là việc tìm được những tư liệu có độ tin cậy cao nhưng vẫn đủ hấp dẫn để chuyển tải thành nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với giới trẻ. Rất nhiều câu chuyện lịch sử hoặc truyền thuyết dân gian có nhiều dị bản, thậm chí còn thiếu tư liệu chính thống, nên mình phải dành nhiều thời gian đọc, đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau như sách nghiên cứu, báo chí cho đến kho lưu trữ số hoặc gặp gỡ các chuyên gia.

Mình còn nhớ mãi kỷ niệm khó phai. Dù cẩn trọng tra cứu, mình không tránh khỏi nhầm lẫn một chi tiết lịch sử trong video tóm tắt lịch sử từ thời Hùng Vương cho tới triều Nguyễn. Những lời chỉ trích, với độ sát thương cao đã thức tỉnh mình: lịch sử là tuyệt đối, không có chỗ cho sự sai lầm. Từ vấp ngã, mình mạnh mẽ đứng lên, đón nhận góp ý bằng thái độ cầu thị. Đó là bài học xương máu để những thước phim "Vẽ kể chuyện" ngày càng chính xác, chạm đến trái tim người xem bằng sự tôn trọng tuyệt đối với quá khứ.

Bên cạnh đó, thời gian cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ làm ra một video. Có những cái rất cần thiết phải up ngay khi đang thời sự, thì áp lực thời gian là điều khiến tôi đau đầu nhất. Bởi không chỉ biên tập lại câu chuyện mà còn vẽ tranh, quay clip, edit video… tất cả mọi công đoạn tôi phải vật lộn một mình nên đôi khi khá stress.

Để "vẽ" nên những câu chuyện lịch sử sống động, tôi dành trung bình 3-4 tiếng cho tranh đơn giản và 6-8 tiếng cho tranh phức tạp. Mỗi video "Vẽ kể chuyện" tiêu tốn của tôi từ 1 đến 3 ngày, tùy thuộc vào độ khó của hình ảnh và sự phức tạp của câu chuyện lịch sử. Có những khi làm đến sáng, dựng clip xong lại thấy… không đủ hay, phải làm lại từ đầu.

Khó khăn nữa đó là tâm lý. Tiên nghĩ rằng người làm sáng tạo nội dung luôn trong một tâm thế phải liên tục thay đổi để thích nghi đáp ứng kịp thời và đổi mới không ngừng. Vì vậy mình không thể nào ngưng học hỏi, ngừng tìm kiếm đề tài và luôn luôn phải là người đi tiên phong sát sao với thực tế cuộc sống. Đây cũng là một áp lực vô hình đối với những người làm nghề sáng tạo nội dung mà Tiên hay đùa đó là “nỗi sợ flop”.

untitled-3.jpg

Những phương pháp hay nguyên tắc nào bạn đã tự đặt ra cho bản thân ngay từ đầu để vừa đảm bảo tính chính xác của lịch sử vừa thu hút được người xem, đặc biệt là khán giả trẻ?

Phạm Thị Thủy Tiên: Ngay từ đầu, Tiên đã đặt ra cho mình nguyên tắc "không giật gân hóa lịch sử, và không hiện đại hóa một cách hời hợt". Thú thật, nó như một lằn ranh đỏ mà Tiên luôn tự nhắc nhở bản thân. Lịch sử, với Tiên, không phải là một mớ những sự kiện khô khan, càng không phải là một sân khấu để mình tô vẽ, thêu dệt những chi tiết câu khách nhạt nhẽo. Cái cốt lõi, cái tinh thần gốc của câu chuyện, cái hồn của bối cảnh lịch sử - văn hóa, đó mới là điều Tiên trân trọng và muốn giữ gìn.

Nhưng mà, giữ gìn không có nghĩa là kể một cách giáo điều, khô cứng. Tiên luôn đau đáu làm sao để những câu chuyện từ quá khứ có thể "thở" được trong không khí hiện tại, làm sao để nó chạm được vào trái tim của những người trẻ hôm nay. Thế nên, Tiên hay đặt ra những câu hỏi kiểu "Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?", hay cố gắng tìm ra những nét tính cách, những trăn trở của người xưa mà đâu đó, hình ảnh của chính các bạn trẻ bây giờ cũng có thể nhìn thấy.

Cái cảm giác khi một bạn khán giả trẻ thốt lên "Ôi, hóa ra ngày xưa cũng có người giống mình!", nó thực sự là một niềm vui không tả xiết. Lúc ấy, Tiên biết mình đã đi đúng hướng. Lịch sử không còn là một thứ gì đó cao siêu, xa vời nữa. Nó trở thành một người bạn, một tấm gương để các bạn trẻ nhìn vào đó, suy ngẫm về chính mình và về những giá trị bền vững của dân tộc. Đó là điều mà Tiên luôn hướng tới, một sự kết nối chân thật và ý nghĩa.

Trong vô vàn những câu chuyện lịch sử Việt Nam, điều gì ở một nhân vật hay một giai đoạn lịch sử đã chạm đến trái tim Thủy Tiên mạnh mẽ nhất, thôi thúc bạn cầm bút vẽ và kể?

Phạm Thị Thủy Tiên: Có lẽ, trong những thước phim tài liệu, trong những trang sách cũ kể về Điện Biên Phủ, về những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", về giây phút lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, là điều chạm đến trái tim Tiên mạnh mẽ nhất và cũng là nguồn cảm hứng lớn nhất thôi thúc Tiên cầm bút vẽ và kể chuyện.

Với Tiên hành trình làm kênh "Vẽ Kể chuyện" là cơ hội đi sâu vào những lát cắt rất đời, rất người trong giai đoạn lịch sử ấy. Không chỉ là những trận đánh hào hùng, mà còn là câu chuyện của những người tình báo sống giữa lòng địch, những em bé làm liên lạc, những bà mẹ anh hùng, những chiến sĩ sống và chiến đấu trong lòng địa đạo chật hẹp mà kiên cường, hay những con người kẹt lại mãi ở tuổi mười chín, đôi mươi…Nếu mình không kể lại thì quá đáng tiếc, bởi sự quên lãng là điều đáng sợ nhất chứ không phải là mất mát hy sinh.

Tiên cảm thấy mình may mắn khi được kể lại những điều ấy bằng nét vẽ và lời kể của chính mình. Bởi lịch sử không chỉ nằm trong quá khứ, mà còn sống động trong mỗi con người Việt Nam hôm nay, miễn là ta không quên và không ngừng nhắc lại bằng sự trân trọng, tự hào.

Việc hình dung chân dung các nhân vật lịch sử qua tượng thờ và tư liệu cổ chắc hẳn là một hành trình đầy thú vị. Thủy Tiên có thể chia sẻ về một nhân vật mà bạn cảm thấy đặc biệt "khó nắm bắt" và đã vượt qua thử thách đó như thế nào để tái hiện họ trên trang vẽ?

Phạm Thị Thủy Tiên: Việc hình dung chân dung các nhân vật lịch sử, nhất là thời Lý – Trần – Lê đổ về thật sự là một thử thách lớn với Tiên. Vì phần lớn tư liệu còn lại là tượng thờ, văn bia, hoặc sách chép tay, rất hiếm có hình ảnh mô tả trực diện về gương mặt hay phục sức cụ thể như thời cận đại.

Ví dụ như khi vẽ mẹ của Hai bà Trưng, Tiên Cũng phải mất thời gian tìm kiếm tư liệu và khi vẽ up lên rồi thì mình mới phát hiện ra là nó không có đúng với phục sức thời điểm đó. Cho nên mình cứ phải học từ những cái thất bại này đến những cái thất bại khác để hoàn thiện nó tiệm cận nhất có thể, chứ không thể khẳng định chính xác tuyệt đối.

Để mỗi câu chuyện không chỉ sống động mà còn đáng tin cậy, những bộ sử đồ sộ như "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Nam thực lục", hay những trang huyền sử "Lĩnh Nam chích quái" trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu. Sau khi nảy ra một ý tưởng, Tiên dành thời gian xây móng cho câu chuyện bằng việc dựng khung sườn, cẩn trọng kiểm tra từng chi tiết thông tin thu thập được, rồi chắt lọc, biên tập lại sao cho vừa giữ được tinh thần cốt lõi, vừa gần gũi và dễ hiểu với khán giả hiện đại. Đó là một quá trình tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng yêu sử sâu sắc.

Bây giờ, việc phục dựng lịch sử không còn quá khó khăn như trước nữa. Nhờ vào công nghệ, chúng ta có thể vẽ lại chân dung tiền nhân khá dễ dàng. Dù cũng không hoàn toàn đảm bảo là chính xác 100% nhưng mở ra rất nhiều cơ hội để kể lại những câu chuyện cũ bằng hình thức mới, gần gũi hơn với người trẻ.

untitled-5.jpg

Trong quá trình kể chuyện lịch sử bằng tranh, có khi nào Thủy Tiên cảm thấy như mình đang du hành ngược thời gian và chứng kiến trực tiếp những sự kiện ấy không? Khoảnh khắc nào mang lại cho bạn cảm xúc mạnh mẽ nhất?

Phạm Thị Thủy Tiên: Có rất nhiều là đằng khác. Có những lúc, Tiên thật sự cảm thấy như mình đang du hành ngược thời gian, đứng giữa một lát cắt của lịch sử rất gần, rất thật và đầy ám ảnh. Như chuyện về ông Thương -người chiến sĩ tình báo bị địch cưa chân đến 6 lần, vậy mà ông vẫn giữ im lặng, vẫn không phản bội tổ quốc. Khi vẽ ông, Tiên không thể không bật khóc vì có những vết thương mà chỉ nhìn thôi cũng thấy đau, nhưng ông đã sống với nó, đi qua nó, bằng một tinh thần thép.

Hay như khi Tiên vẽ về chị Trần Thị Lý, nhân vật trong bài thơ "Người con gái Việt Nam" của Tố Hữu. Một người con gái bị tra tấn đến biến dạng thân thể, nằm trên giường bệnh với hơn 40 vết thương, nhưng ánh mắt vẫn sáng và kiên cường. Tiên không cố gắng lý tưởng hóa chị, mà chỉ muốn thể hiện một con người thật, nhỏ bé mà vĩ đại.

Và có cả những câu chuyện từ địa đạo Củ Chi, nơi Tiên từng tận mắt nhìn thấy những đường hầm nhỏ hẹp tối tăm mà người dân và chiến sĩ sống trong đó suốt nhiều năm trời. Ở đó, họ ăn, họ học, họ chiến đấu ngay bên dưới bom đạn và chất độc hóa học. Tiên cảm nhận và ngưỡng mộ lòng quả cảm của ông cha, những người đã cúi xuống để cho con cháu được ngẩng cao đầu.

Chính những câu chuyện như vậy khiến Tiên luôn nhắc mình rằng "Vẽ Kể chuyện" không chỉ là công việc, mà là hành trình được sống cùng lịch sử, mỗi lần vẽ là một lần lắng nghe, thấu cảm và kể lại, cũng là cách để Tiên học hỏi nhiều hơn, hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc.

Giữa hàng triệu lượt yêu thích trên TikTok, có bình luận hay tin nhắn nào từ khán giả đã khiến Thủy Tiên cảm thấy bất ngờ hoặc xúc động? Bạn kỳ vọng "Vẽ kể chuyện" sẽ đóng góp vai trò gì trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay?

Phạm Thị Thủy Tiên: Nhiều người trẻ khi xem kênh TikTok của Tiên đều chung nhận xét, dù dữ liệu lịch sử khô khan nhưng được truyền tải qua nét vẽ và giọng đọc truyền cảm nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Có một bạn từng để lại bình luận khiến Tiên nhớ hoài: “Em chưa bao giờ thích học sử, nhưng nhờ xem video của chị, em đã được 10 điểm sử đầu tiên". Chỉ một câu thôi mà làm Tiên thấy rất ấm lòng. Nó như một lời khẳng định âm thầm rằng những nỗ lực, những trăn trở của mình đã chạm đến trái tim của khán giả trẻ.

Tiên còn cảm nhận niềm vui nhân đôi khi nhận được những phản hồi tích cực từ các bậc phụ huynh. Họ chia sẻ rằng, ban đầu không mấy ủng hộ con em mình tiếp xúc với các video trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sau khi theo dõi kênh của Thủy Tiên, họ đã thay đổi quan điểm và cho phép con mình xem, thậm chí, nhiều phụ huynh cũng trở thành người "fan" Tiên luôn. Mình luôn cố gắng lồng ghép những bài học nhân sinh một cách tinh tế và nhẹ nhàng trong cách kể chuyện, tạo nên một phương pháp học tập gần gũi và phù hợp với xu hướng hiện đại.

Thật ra, Tiên chưa bao giờ dám nghĩ mình đang làm một điều gì đó vĩ đại. Mỗi video "Vẽ kể chuyện" ra đời chỉ xuất phát từ một mong muốn nhỏ bé: khơi gợi sự tò mò, thôi thúc các bạn trẻ rời mắt khỏi màn hình điện thoại, mở ra những trang sách lịch sử. Bởi Tiên hiểu rõ, kênh của mình chỉ là khơi gợi một mồi lửa nhỏ. Kiến thức lịch sử bao la nằm trong những trang sách, cần các bạn tự mình khám phá và nghiền ngẫm.

Trong sâu thẳm trái tim, Tiên luôn ấp ủ một hy vọng "Vẽ kể chuyện" sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Chỉ mong rằng, khi các bạn hiểu hơn, tự hào hơn về lịch sử của mình, các bạn sẽ trân trọng và tiếp nối những di sản văn hóa ấy, để chúng mãi mãi trường tồn và được trao truyền qua bao thế hệ.

untitled-7.jpg

Nếu "Vẽ kể chuyện" không chỉ dừng lại ở những video ngắn mà trở thành một triển lãm tranh lịch sử tương tác, Thủy Tiên nghĩ trải nghiệm đó sẽ như thế nào? Bạn đánh giá ra sao về tiềm năng của việc kết hợp giữa nghệ thuật vẽ tranh lịch sử và công nghệ để tạo ra những sản phẩm độc đáo?

Phạm Thị Thủy Tiên: Tiên nghĩ đó sẽ là một trải nghiệm rất đặc biệt!

Tiên hình dung một không gian triển lãm, nơi mỗi bức tranh không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một câu chuyện sống động mà người xem có thể khám phá. Mỗi chi tiết trong tranh có thể kết hợp với âm thanh, ánh sáng, hay những yếu tố tương tác, để khán giả có thể cảm nhận được bối cảnh lịch sử một cách sinh động và chân thật hơn.

Mình nghĩ tiềm năng của việc kết hợp giữa nghệ thuật vẽ tranh lịch sử và công nghệ là có thật, nhưng quan trọng là cách mình khai thác và giữ được cái hồn của lịch sử trong từng sản phẩm. Công nghệ cho phép tranh vẽ được lan toả rộng hơn như chuyển thể thành video, ứng dụng thực tế ảo, sách tương tác hay thậm chí là trò chơi kể chuyện. Những thứ trước đây tưởng chừng chỉ tồn tại trong sách giáo khoa nay có thể sống động và gần gũi hơn với người trẻ, cả ở Việt Nam lẫn quốc tế. Mình nghĩ nếu làm đúng và có tâm, việc kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ sẽ mở ra một hướng mới cho sáng tạo văn hoá Việt.

Thủy Tiên từng chia sẻ mong muốn "Vẽ kể chuyện" trở thành nơi lưu giữ kiến thức và tài liệu hữu ích về văn hóa, lịch sử. Bạn có hình dung về những dự án đặc biệt nào trong tương lai để hiện thực hóa mục tiêu này, có thể là những câu chuyện lịch sử ít được biết đến hoặc những khía cạnh văn hóa độc đáo của Việt Nam?

Phạm Thị Thủy Tiên: Thật ra Tiên chỉ mong “Vẽ Kể chuyện” có thể là một góc nhỏ để lưu giữ những câu chuyện văn hóa, lịch sử mà mình cảm thấy yêu thích. Trong tương lai, Tiên muốn đi sâu hơn về những câu chuyện chưa được biết đến nhiều như các nhân vật lịch sử ít được nhắc tới, những trận đánh nhỏ nhưng quan trọng, hay cả các giai thoại dân gian, tín ngưỡng vùng miền nữa. Tiên cũng thường giới thiệu những đề tài văn hoá chẳng hạn như tranh kính Nam Bộ, tục thờ nữ thần, các nghi lễ truyền thống của người Chăm, người Khmer…

Ngoài ra, Tiên cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án Huyền Tích Dân Gian, một cuốn sách mà Tiên kết hợp cả tranh vẽ và những câu chuyện huyền bí, dân gian, với mục tiêu giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận những câu chuyện cổ xưa một cách gần gũi hơn. Đây là một cuốn sách tô màu, nhưng không chỉ là luyện vẽ, giải trí mà còn biết thêm về những huyền thoại, sự tích thú vị của dân tộc mình.

Khi làm cuốn sách này, Tiên cũng tìm lại những câu chuyện ít được biết đến những nhân vật không có trong sách giáo khoa, những giai thoại hay truyền thuyết vùng miền mà dân gian đã truyền miệng qua bao thế hệ. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của văn hóa Việt Nam. Mà khi các bạn tô màu vào những bức tranh này, không chỉ là việc hoàn thiện một tác phẩm, mà là phần nào đó “hồi sinh” những câu chuyện ấy, để chúng không bị quên lãng theo thời gian.

Tiên cũng hy vọng rằng Huyền Tích Dân Gian sẽ là một cuốn sách giúp người trẻ yêu hơn những giá trị văn hóa dân tộc, không chỉ qua việc học mà còn qua trải nghiệm trực tiếp với tranh vẽ, màu sắc và câu chuyện.

Nhìn lại hành trình "Vẽ kể chuyện" từ những ngày đầu đến khi đạt được triệu view và sự yêu mến của đông đảo khán giả, bạn cảm thấy điều gì đã tạo nên sự khác biệt và thành công cho kênh của mình? Bạn có những kỳ vọng hay định hướng phát triển nào trong tương lai, đặc biệt là trong việc kết nối lịch sử với những khía cạnh khác của cuộc sống?

Phạm Thị Thủy Tiên: Điều khiến trái tim tôi rung động sâu sắc nhất chính là sự thức tỉnh mạnh mẽ: hóa ra, ngọn lửa yêu lịch sử vẫn âm ỉ cháy trong tim những người trẻ, chỉ là họ cần một "cánh cửa" phù hợp để khám phá. Và tôi tin rằng, "Vẽ kể chuyện" chính là cánh cửa ấy - nơi những câu chuyện xưa không còn là những dòng chữ khô khan, mà được thổi hồn bằng đam mê, bằng lăng kính tươi mới của tuổi trẻ qua từng nét vẽ.

Vẽ kể chuyện không cố gắng “dạy” ai điều gì mà chỉ kể lại – bằng trái tim yêu văn hóa Việt và sự tôn trọng với quá khứ. Dù là một huyền thoại lung linh, một nhân vật ít người biết đến, hay một giá trị văn hóa vô hình, tôi đều dốc lòng tìm tòi, đối chiếu, và thổi vào đó một hơi thở đương đại, gần gũi nhất có thể.

Về tương lai, mình mong “Vẽ kể chuyện” không chỉ là một kênh TikTok hay YouTube, mà trở thành một nền tảng truyền cảm hứng – nơi người trẻ có thể tìm thấy niềm tự hào về văn hóa dân tộc, và thấy lịch sử không chỉ nằm trong sách vở mà hiện diện trong mọi mặt đời sống: từ thời trang, âm nhạc, kiến trúc, cho đến lối sống, cách nghĩ.

Hiện tôi đang ấp ủ những dự định kết hợp cùng những người đã trực tiếp chứng kiến lịch sử, những nhà nghiên cứu uyên bác, thậm chí đưa lịch sử - văn hóa vào những trải nghiệm thực tế, những buổi workshop sáng tạo, hay những dự án giáo dục ý nghĩa. Tất cả chỉ một mục tiêu duy nhất: để thế hệ trẻ không chỉ biết về lịch sử, mà còn thực sự chạm vào lịch sử, sống cùng lịch sử bằng cả trái tim và khối óc.

Với những bạn trẻ đang ấp ủ đam mê sáng tạo nội dung về lịch sử và văn hóa Việt Nam, Thủy Tiên có lời khuyên hay "bí quyết" nào để họ có thể tự tin thể hiện bản sắc cá nhân và lan tỏa những giá trị tốt đẹp này đến cộng đồng?

Phạm Thị Thủy Tiên: Mình nghĩ nếu bạn có đam mê với lịch sử và văn hóa Việt Nam, thì điều đầu tiên là đừng lo “phải biết hết mọi thứ” hay “phải làm cho thật chuẩn” ngay từ đầu. Hãy cứ bắt đầu từ những điều bạn thấy chạm vào trái tim mình nhất, có thể là một câu chuyện nhỏ, một nhân vật ít người biết, hay một nét văn hóa đời thường.

Khi làm nội dung về lịch sử, điều quan trọng nhất không phải là kể thật nhiều, mà là kể bằng chính cảm xúc và góc nhìn của bạn. Đó là bản sắc cá nhân. Và chỉ khi bạn thật sự quan tâm, thật sự yêu những gì mình kể, thì người khác mới cảm nhận được điều đó.

Còn bí quyết thì chắc là… kiên trì. Vì làm nội dung văn hóa, lịch sử có thể không “viral” nhanh như những chủ đề khác, nhưng giá trị để lại rất lâu dài. Hãy cứ làm từng chút một, và đừng ngại học hỏi thêm, cộng đồng luôn có những người sẵn sàng ủng hộ và đồng hành cùng bạn.

untitled-9.jpg

Nếu có một bức tranh lịch sử đặc biệt để kỷ niệm ngày 30 tháng 4 và truyền tải thông điệp đến thế hệ trẻ về ý nghĩa của sự kiện này, Thủy Tiên sẽ chọn hình ảnh nào làm chủ đạo và câu chuyện bạn muốn kể qua bức tranh đó là gì?

Phạm Thị Thủy Tiên: Nếu được vẽ một bức tranh lịch sử để kỷ niệm ngày 30/4, mình sẽ chọn hình ảnh bản đồ Việt Nam, nơi dải đất hình chữ S được nối liền từ hai miền Nam – Bắc như một biểu tượng của sự đoàn tụ và thống nhất. Nhưng điểm mình muốn nhấn mạnh không chỉ là địa lý, mà là con người.

Trong bức tranh đó, mình muốn vẽ những con người thuộc nhiều tầng lớp – người công nhân, bác nông dân, cô giáo trẻ, bộ đội, bác sĩ, bạn sinh viên… đang cùng nhau lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Ai cũng mang trên mình nét rạng rỡ, dẫu vất vả nhưng đầy quyết tâm, như một lời khẳng định rằng: hòa bình là để sống, để xây dựng, và để cùng nhau gìn giữ.

Mình muốn kể câu chuyện về một Việt Nam sau thống nhất – không chỉ là quá khứ anh hùng, mà là hiện tại đoàn kết và tương lai hy vọng. Vì mình tin, tình yêu đất nước không chỉ nằm ở ký ức hào hùng, mà còn hiện diện trong từng việc làm nhỏ hôm nay để giữ gìn nền độc lập mà cha ông đã đánh đổi bằng máu.

Xin cám ơn những chia sẻ của bạn!

>> Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tiktoker-thuy-tien-dung-dam-me-va-net-ve-cham-vao-trai-tim-trieu-nguoi-yeu-su-viet-141594.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Tiktoker Thủy Tiên: Dùng đam mê và nét vẽ chạm vào trái tim triệu người yêu sử Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH