Thị trường

Từng sang Trung Quốc mua cả nông trường cam, nữ doanh nhân nay đi đầu nông nghiệp công nghệ: Chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ!

Ngọc Châu 08/05/2025 07:00

Hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, nhận ra rằng với nông nghiệp, chuyển đổi số là “chuyến tàu” không thể lỡ. Cuộc cách mạng công nghệ số đã chứng minh trong hoàn cảnh nào ngành nông nghiệp Việt vẫn tăng trưởng ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước.

cover-pc.jpg
asset-1.png

Trước khi sáng lập AutoAgri, bà từng được biết đến là “nữ thương lái mua cả một nông trường cam Trung Quốc”. Cơ duyên nào đã đưa bà từ vai trò một thương nhân nông sản đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao? Động lực nào khiến bà thực hiện bước chuyển mình này?

Vì là người sinh ra lớn lên tại nông thôn, làm nông nghiệp từ nhỏ. Khi đi buôn bán với Trung Quốc tôi học được nhiều tiến bộ khoa học giúp nông nghiệp của họ phát triển vượt bậc.

Bên cạnh đó sự phát triển của công nghệ đã giúp cho những người nông dân có thể tiếp cận thị trường nhanh hơn, người bán hàng trực tiếp có thể theo dõi được cả chuỗi giá trị nông sản trực diện, đảm bảo tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro... nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ bị tụt hậu hoặc bị đào thải.

Nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng quản lý chuỗi đem lại nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam và các startup công nghệ.

Khi Trung Quốc yêu cầu phải ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc với các nông sản xuất khẩu từ Việt Nam vào nước này. Tôi nhận thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm phần mềm và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu này. Áp lực từ thị trường lớn nhất này cũng là một cơ hội để chúng ta chuyển mình tiến một bước quan trọng trong việc phát triển bền vững, kết nối cung cầu, tiết giảm nhiều khâu trung gian.

Tôi đã hỗ trợ khá nhiều công ty công nghệ trước khi xây dựng AutoAgri. Bởi lẽ tôi nghĩ mình không phải là người có chuyên môn về phần mềm. Nhưng sau đó mấy năm những công ty phần mềm đưa ra các giải pháp phức tạp, khó ứng dụng và chi phí cao khiến cho chúng tôi bị mắc kẹt trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Nếu không chủ động làm phần mềm thì sẽ phải sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc.

Tôi đã tìm kiếm và gặp một số kỹ sư công nghệ của Việt Nam để học hỏi và tìm giải pháp. Ngay sau đó là dịch COVID-19 khiến tất cả mọi phương thức kinh doanh trực tiếp trước đây thay đổi. Mùa vụ vải Thiều tới, khách Trung Quốc sẽ không thể tới mua hàng như trước đây... Và chúng tôi đã dành trọn thời gian cho việc phát triển phần mềm AutoAgri.

auto-pc.jpg

Tôi đã được "khai não" rằng "cơ sở dữ liệu và ứng dụng" là vai trò quan trọng không kém người xây. Với AutoAgri tôi chính là người ra đầu bài và thiết kế cơ sở dữ liệu đáp ứng các yêu cầu thực tế. Rất may mắn chúng tôi có đội ngũ đồng hành yêu nông nghiệp, tinh thần tự chủ cao và luôn học hỏi cập nhật công nghệ mới.

q1.jpg

AutoAgri đang ứng dụng những công nghệ nào trong sản xuất nông nghiệp? Các giải pháp này đã giải quyết những vấn đề gì trong chuỗi sản xuất và phân phối nông sản?

AutoAgri luôn cập nhật những công nghệ tiên tiến để giúp kết nối chuỗi giá trị một cách hiệu quả nhất, đơn giản, tiện lợi để đáp ứng năng lực của mọi đối tượng kể các đồng bào vùng sâu vùng xa.

Từ ứng dụng AutoAgri người nông dân có thể tự tạo nhật ký điện tử đa phương tiện, tự tạo mã QR, tự tạo trang web để quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ.

Mỗi tài khoản AutoAgri có thể sử dụng như một phần mềm kế toán đơn giản giúp nông dân hạch toán chi phí, doanh thu, lợi nhuận.

AutoAgri cũng có thể tích hợp tính năng ghi sổ và xuất file thay cho việc ghi sổ tay, các quy định tuân thủ tiêu chuẩn VietGap, GLOBGAP...

Một điển hình ứng dụng nền tảng AutoAgri là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Khi ứng dụng AutoAgri giúp các nhà vườn sầu riêng kết nối trực tiếp với khách hàng Trung Quốc, giá bán tăng hơn 20%, ứng dụng công nghệ tự động trong làm vườn và chăm sóc cây kịp thời vụ đã giúp giảm chi phí tới 15% và tương lai sẽ hiệu quả hơn vì lượng phân thuốc phù hợp sẽ tránh bị tồn dư trong đất.

Các dữ liệu được cập nhật đầy đủ sẽ là tài nguyên để có thể ứng dụng Al cho lựa chọn tối ưu. Nếu không cung cấp dữ liệu thực thì không thể có kết quả phù hợp và chính xác.

Theo bà, chuyển đổi số có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao năng suất và tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp?

Với nông nghiệp, chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ. Muốn tiết giảm chi phí, bớt các khâu trung gian hay minh bạch lý lịch sản phẩm cũng như quá trình sản xuất, người mua và người tiêu dùng có thể giám sát từ xa,… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.

Nếu chúng ta không chuyển đổi số thì mọi chi phí cao, khó tiếp cận thị trường. Không thể có dữ liệu cho ứng dụng Al, nếu không tự đào tạo máy, mà dùng dữ liệu không phù hợp sẽ tác hại khi nông dân không biết sự lựa chọn.

Cuộc cách mạng công nghệ số đã chứng minh dù đại dịch COVID – 19 hay các khu vực bất ổn... ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn tăng trưởng ngoạn mục, kim ngạch xuất khẩu tăng hàng năm, trở thành một ngành kinh tế trụ cột của đất nước.

Trong quá trình áp dụng công nghệ vào sản xuất, bà có gặp khó khăn gì từ phía người nông dân? AutoAgri đã làm gì để hỗ trợ họ làm quen và sử dụng công nghệ?

Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp, nhất là nền nông nghiệp quy mô nhỏ với hàng triệu nông hộ thật sự vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải học lại cuộc cách mạng "xoá nạn mù chữ" của dân tộc ta thế kỷ trước.

Kỷ niệm đáng nhớ là với các đồng bào Tây Nguyên năm 2020, khi lần đầu chúng tôi chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số AutoAgri, tôi lấy chủ đề "Xoá mù công nghệ- Chuyển đổi số quốc gia". Chúng ta có thể mua được thiết bị thông minh nhưng nếu chúng ta không biết sử dụng thì lợi bất cập hại.

Chuyển đổi số không phải là cái gì mới, mà chúng ta đã được tiếp cận cách đây hàng thế kỷ, khi chúng ta được nghe đài, xem vô tuyến... Chúng ta cần phải có cách tiếp cận, truyền tải phù hợp với trình độ nhận thức, văn hoá của người dùng, đơn giản hoá những vấn đề phức tạp chứ đừng làm phức tạp hoá những vấn đề đơn giản.

q2.jpg

Bà đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của nông dân Việt Nam trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất?

Đại đa số nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Vì hơn ai hết người nông dân luôn mong muốn thoát nghèo và làm giàu bền vững. Nếu giúp họ có thể đạt được những lợi ích tốt hơn chắc chắn họ sẽ ứng dụng.

Tuy nhiên hầu hết các chương trình tập huấn, đào tạo mang tính hình thức, cưỡi ngựa xem hoa thiếu tính thực tế. Chuyển đổi số cũng chưa thực sự giúp ích nhiều cho nông dân, vì ứng dụng chưa triệt để, nhiều khi hết dự án hỗ trợ thì phần mềm cũng không hoạt động.

Bản thân các cán bộ quản lý còn chưa hiểu, chưa ứng dụng và cơ sở dữ liệu của các ngành còn chưa số hoá, tiện ích để phục vụ nông dân nên họ thấy không hiệu quả.

Theo bà, thị trường nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay đang phát triển ra sao?

Thật sự về nông nghiệp công nghệ cao của chúng ta còn manh mún và chưa hiệu quả. Chủ yếu có hỗ trợ kinh phí hoặc các tập đoàn lớn, còn những mô hình hiệu quả để phổ cập thì hầu như chưa có.

Theo kinh nghiệm của tôi, công nghệ cao nhất trong nông nghiệp là công nghệ vi sinh. Tuy nhiên chúng ta chưa phát triển công nghệ vi sinh, chi phí đến nông dân rất cao và mù mờ.

Một đất nước cực kỳ thuận lợi cho ứng dụng vi sinh trong nông nghiệp thì lại chưa thực sự được quan tâm. Nếu song song phát triển công nghệ vi sinh và công nghệ thông minh vào nông nghiệp thì chúng ta sẽ xây dựng được trụ cột kinh tế nông nghiệp bền vững.

AutoAgri có kế hoạch mở rộng như thế nào trong thời gian tới?

Hiện tại AutoAgri đã ứng dụng thí điểm cho khoảng 25 địa phương và tặng cho bộ Nông lâm nghiệp Lào một nền tảng LaoAgri.

Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng tại các nước phát triển như Úc, Canada, Mỹ, EU... để hỗ trợ cho nông sản, thực phẩm của Việt nam mở rộng thị trường, giúp truy xuất nguồn gốc các nông sản nhập khẩu vào Việt nam được minh bạch, tránh bị làm giả xuất xứ.

Bà nhìn nhận vai trò của công nghệ trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam như thế nào?

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của Al, nếu chúng ta không ứng dụng thì sẽ bị lãng quên, tụt hậu.

Nếu ứng dụng công nghệ và phát huy các nguồn gen bản địa, ẩm thực bản địa và quảng bá tới thế giới bằng công nghệ hiện đại theo thời gian thực... thì không chỉ giúp nông nghiệp phát triển bền vững trên nền sản xuất mà còn có thể trở thành nền nông nghiệp đa giá trị, đặc biệt với văn hóa bản địa sẽ giúp ngành du lịch trải nghiệm rất phát triển.

q3.jpg

Với những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bà có lời khuyên gì dành cho họ?

Các bạn trẻ đang có rất nhiều lợi thế để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Dễ dàng đem công nghệ ứng dụng kết hợp với đặc sản vùng miền và kết nối thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, các bạn trẻ rất sáng tạo kết hợp giữa văn hóa truyền thống và phong cách mới để lan toả và giới thiệu ẩm thực Việt ra quốc tế.

Khi muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các bạn trẻ hãy dành thời gian đi thực tế ngành hàng sản phẩm mà mình muốn làm. Cần hiểu về chuỗi giá trị ngành hàng, hiểu thực tế khách hàng là ai, họ có thể ứng dụng công nghệ này không? Công nghệ này giải quyết vấn đề gì? Đem lại lợi ích gì cho nông dân, nông nghiệp, người tiêu dùng?

q4.jpg

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải hiểu các công nghệ mình làm có phù hợp với thị trường quốc tế, có cạnh tranh được không?

Vì ngành nông nghiệp của chúng ta không chỉ còn là nền kinh tế tự cung tự cấp nữa. Mà đã trở thành nền kinh tế nông nghiệp, một trụ cột của kinh tế Việt Nam, đóng vai trò quan trọng với nhiều ngành hàng đứng top trên thế giới như cà phê, hạt điều, lúa gạo, tôm ...

Cảm ơn chia sẻ của bà!

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tung-sang-trung-quoc-mua-ca-nong-truong-cam-nu-doanh-nhan-nay-di-dau-nong-nghiep-cong-nghe-chuyen-doi-so-la-chuyen-tau-khong-the-lo-288993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Từng sang Trung Quốc mua cả nông trường cam, nữ doanh nhân nay đi đầu nông nghiệp công nghệ: Chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ!
    POWERED BY ONECMS & INTECH