Ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục đích của quyết định này là để xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030, cụ thể hóa quy hoạch. Quyết định cũng nhằm mục đích lập kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất cũng như huy động nguồn lực.
***
Liên quan đến quy hoạch ngành đường sắt, dự án đường sắt tốc độ cao đang được cộng đồng quan tâm sâu bởi lẽ, dự án dự kiến có quy mô vốn đầu tư rất lớn, lên đến khoảng 62 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao đi qua rất nhiều tỉnh thành, cần đền bù rất nhiều đất đai, tác động sâu rộng đến nhiều người, nhiều tỉnh thành...nên câu chuyện dự án sẽ được thực hiện ra sao đang được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao - cho biết, dự án sẽ mang lại cơ hội lớn cho rất nhiều địa phương, doanh nghiệp, người dân...
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án sẽ đi qua 20 tỉnh thành trong cả nước, tổng chiều dài hơn 1.500 km với các đoàn tàu được sử dụng công nghệ động lực phân tán. Ước tính đi vào hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ phục vụ khoảng 163 triệu lượt khách/năm và chuyên chở 63 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, tính toán sơ bộ về nguồn vốn đầu tư dự án, thì con số lên đến gần 62 tỷ USD. Cùng với vốn lớn, việc làm dự án sẽ kéo theo hàng nghìn héc ta đất phải được đền bù, giải phóng mặt bằng.
Toàn tuyến sẽ có 70 nhà ga hành khách, trong đó có 6 ga chính với các khu đô thị tập trung. Với 20 tỉnh thành có tuyến đường sắt đi qua, khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng là rất lớn. Ước tính có khoảng hàng nghìn héc ta đất sẽ được đền bù giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án. Chuyên gia Hoàng Minh Sơn cho biết, ban thẩm tra đã tính toán, định hướng tuyến theo phương châm giảm thiểu tối đa chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Trước đó, Bộ Chính Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo dề xuất, giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đoạn Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng mức đầu tư khoảng 16 tỷ USD.
Từ trước đến nay, nhiều dự án tại Việt Nam đều gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng nên tiến độ các dự án thường bị kéo dài. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đơn vị tư vấn thẩm tra đã đề xuất lại hướng tuyến, phần lớn đi qua khu vực ruộng đồng, khu vực ít dân cư để tránh những khu vực nhạy cảm trong thành phố. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
Chia sẻ thêm về việc lập các khu tái định cư cho dự án, chuyên gia Hoàng Minh Sơn cho biết, ngoài giải phóng mặt bằng dọc tuyến thì, theo thiết kế, sẽ hình thành các khu tái định cư tại các khu đô thị mới. Khu đô thị mới sẽ thiết kế theo mô hình TOD quy mô 200-400ha tại các vị trí ga chính.
TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là một tuyến độc lập để tạo ra không gian phát triển mới TOD. Cũng như ở Nhật Bản, các nước châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… các vị trí ga sẽ là những đô thị lớn để đáp ứng với nhu cầu phát triển thành phố tại các tỉnh và địa phương, đồng thời cũng sẽ đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, có tính kết nối với các khu công nghiệp, khu du lịch, các điểm logistics đường bộ và đường sắt, cảng hàng không và cảng biển tại mỗi địa phương.
Vì là dự án lớn nên đơn vị tư vấn kiến nghị phải có cơ chế đặc thù dành riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao, cơ chế này sẽ có những nét đặc thù riêng như một số một số dự án đường bộ đã có cơ chế trong thời gian qua.
Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Sơn cho biết, khi dự án được triển khai, để đẩy nhanh tiến độ thì cần có cơ chế đặc thù, để các hộ gia đình sẽ nhận được giá đền bù hợp lý, tái định cư và tạo thêm công ăn việc làm.
Các chính sách về đền bù giá đất và phân cấp quyền quản lý sẽ được thực hiện một cách theo cơ chế riêng cho dự án.
Với phương án đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao hiện nay Nhà nước đang hướng tới nội địa hóa khoảng 80%, chỉ những thiết bị, máy móc công nghệ cao mới buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp trong nước. Ông Sơn cho biết, hiện tại năng lực thi công của các nhà thầu trong nước đã có thể tham gia vào hầu hết các khâu xây dựng dự án. Điều này cũng sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp, các lao động trong vùng, đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà cung cấp thiết bị trong nước.
Khi dự án đường sắt tốc độ cao đi qua, địa phương sẽ được hưởng lợi lớn. Ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ, ở các tỉnh có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, sẽ có các ga chính và ga phụ. Sẽ có tuyến trung chuyển, kết nối từ nhà ga đến những khu du lịch, trung tâm lớn của thành phố, khu công nghiệp. Đồng thời sẽ đồng bộ với hệ thống logistic của địa phương.
Do vậy việc xây dựng các ga phụ các tuyến đường kết nối, trung chuyển sẽ giúp người dân có thêm tiện ích, giao thông thuận lợi. Đặc biệt hệ thống logistics được kết nối, giúp sự lưu thông hàng hóa được thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra cũng sẽ giúp các địa phương thu hút khách du lịch.
Cũng theo ông Sơn, khi xác định hướng tuyến đi qua, giá đất xung tại vị trí ga để xây dựng các khu đô thi mới sẽ tăng lên nhiều, đồng thời việc phát triển du lịch, đồng bộ hạ tầng logistic sẽ giúp các dịch vụ kinh doanh sẽ phát triển hơn, người dân hưởng lợi lớn.
Ông Sơn cũng chia sẽ, tư vấn thiết kế đang đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao chỉ chuyên chở khách, tốc độ sẽ khoảng 350km/h. Còn theo tư vấn thẩm tra là thiết kế hệ thống đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách và kết hợp logistic, tốc độ thiết kế khoảng từ 250km/h. Với việc kết hợp vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, sẽ sớm thu hồi vốn, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong vấn đề vận tải hàng hóa, giảm tải lưu thông đường bộ, tăng tốc vận chuyển.
Với siêu dự án đường sắt tốc độ cao, theo tính toán từ đơn vị thẩm tra, tổng vốn đầu tư cần khoảng 61,67 tỷ USD. Một con số khổng lồ cần tính toán kỹ phương thức huy động vốn. Từ trước đến nay, phần lớn các nguồn vốn cho dự án dạng này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Tuy vậy với dự án đường sắt tốc độ cao, đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất các phương án huy động vốn khác bằng cách tổ chức đấu giá đất tại vị trí ga để xây dựng các khu đô thị mới.
Tại Việt Nam, mô hình TOD chưa từng được nhà nước áp dụng tại các dự án, tuy vậy với khối tư nhân, đã nhiều đơn vị áp dụng thành công. Mới đây UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thuận An đến năm 2040. Mô hình cấu trúc phát triển đô thị Thuận An được định hướng quy hoạch phát triển theo mô hình TOD với phương châm lấy Thuận An làm đầu mối đô thị để kết nối với đô thị thành phố Hồ Chí Minh và đô thị xung quanh như thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An và thành phố Tân Uyên.
Ngoài ra, một huy động khác là vốn vay. Dự án đường sắt tốc độ cao có ưu thế là dự án không phát thải khí CO2… Với việc không lưu vết chân carbon, dự án đáp ứng những tiêu chí quan trọng của một dự án xanh - tạo điều kiện để vay vốn tín dụng xanh.
Luồng vốn thứ 3, theo ông Sơn, là có thể dùng hình thức PPP có sự tham gia của khối kinh tế tư nhân. Có thể để tư nhân đầu tư về thiết bị, mua sắm các đoàn tàu và cho thu vé theo thời gian định trước. Hoặc cũng có thể để nhà đầu tư bỏ tiền thi công nhà ga, khai thác các trung tâm thương mại ngay các ga chính, lấy vốn thực hiện dự án.
Về phương án triển khai, nếu được thông qua chủ trương sớm thì thời gian thi công ước tính khoảng 16 năm, đến 2041 dự kiến toàn tuyến đi vào khai thác.