Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu phải trình đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024

Quốc Chiến 10/01/2024 13:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có đánh giá về ngành đường sắt trong năm vừa qua và đôn đốc công tác chuẩn bị xây dựng đường sắt tốc độ cao của Việt Nam thời gian tới.

Chiều qua (9/1), tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, ngành đường sắt đã rất nỗ lực nhưng chưa phát triển xứng tầm với mong muốn và lịch sử của ngành.

Theo Thủ tướng, dù đã có nhiều tiến bộ, ít nhiều đã có lãi nhưng Tổng công ty không được chủ quan lơ là bởi còn nhiều khó khăn và cần tiếp tục nỗ lực cao hơn, để có thành quả cao hơn so với năm 2023. Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty cần có tư tưởng mới, khí thế mới và phải hình thành đường sắt tốc độ cao như nghị quyết Bộ Chính trị đã đề ra.

>> Chấp thuận phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 71,69 tỷ USD chạy 350km/h

thu-tuong
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR)

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát tại ga Hà Nội để "xem có gì mới", đồng thời, lắng nghe người lao động, hành khách đánh giá.

Thủ tướng đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc với ngành đường sắt và rất trăn trở với sự phát triển của ngành đồng thời đề nghị Tổng công ty cần quản lý sao cho phù hợp, tìm cách khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Thủ tướng cho biết khi nói chuyện với công nhân người lao động tại ga Hà Nội thì được biết đường sắt thời gian qua đã có nhiều cái mới, tàu đẹp hơn, ga đẹp hơn, dịch vụ tốt hơn. Lương và thu nhập của người lao động cũng đủ. Khách hàng cũng đánh giá ngành tốt hơn.

“Lương các cháu không tiết lộ nhưng cũng cho biết đủ ăn, đủ mặc. Tôi cũng hỏi 2 hành khách đi tàu, đều được trả lời “đi tàu bây giờ sướng lắm”. Hỏi mua vé có dễ không thì người dân cho biết dễ mua, qua thẻ ngân hàng, QR Code đều được. Khi lên tàu sạch sẽ, dịch vụ thoải mái", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, việc khảo sát trực tiếp từ công nhân ngành đường sắt và khách hàng dù số lượng không nhiều, nhưng nhận được những câu trả lời rất thật, cho thấy có sự tiến bộ của ngành.

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý vẫn còn nhiều tồn tại như tổng mức đầu tư đạt thấp, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, hiện trạng đầu máy toa xe chưa có khả năng đáp ứng, nếu nâng được tốc độ chạy tàu lên 100km/h sẽ hiệu quả hơn…

Nói về đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng cũng bày tỏ rất trăn trở khi “hơn 3.000km đường sắt chưa được nâng cấp, Pháp xây thế nào còn nguyên xi thế. Chúng ta không thể bó tay, khuất phục, khi có cơ chế đúng sẽ tạo hiệu quả". Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngay trong năm 2024 phải trình được chủ trương đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trung Quốc có 42.000km đường sắt cao tốc, các nước xung quanh cũng đã có đường sắt cao tốc.

Với Việt Nam, theo Thủ tướng, Bộ Chính trị đã cho chủ trương trong nhiệm kỳ này làm đường sắt cao tốc. "Chủ trương của Đảng có rồi, phải biến thành dự án, chương trình, đi tìm nguồn vốn, công nghệ để làm, mới nâng cao hiệu quả hệ thống đường sắt. Quá trình làm thì nghiên cứu giữ lại hay làm mới hệ thống đường sắt, các nhà khoa học, quản lý… phải nghiên cứu để có lựa chọn phù hợp".

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, kết luận số 49 đã đặt mục tiêu "Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn".

Đặc biệt, về chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao, Kết luận 49 yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.

Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn.

Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.

>> Lộ diện công ty ‘nuôi mộng lớn’, muốn làm đường sắt 25.000 tỷ tại Đà Lạt

CT Group xin đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ gần 10 tỷ USD

Bộ GTVT thông tin mới nhất về lộ trình đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Hà Nội lên kế hoạch xây 12 tuyến đường sắt đô thị giải quyết tình trạng ùn tắc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-yeu-cau-trinh-de-an-duong-sat-toc-do-cao-bac--nam-trong-nam-2024-d114489.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thủ tướng yêu cầu phải trình đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024
POWERED BY ONECMS & INTECH