Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng của CTCP Chứng khoán ACB (ACBS), các chuyên gia phân tích đánh giá mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại kể từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn ở mức khá cao 12- 14%/năm.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam tăng lên 143% vào cuối năm 2020. Điều đó hàm ý rằng hiệu quả sử dụng vốn đang giảm.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng con số này chưa đáng lo ngại do nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt và sẽ hỗ trợ cho khả năng thanh toán trong tương lai.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra ba kịch bản cho tăng trưởng tín dụng năm 2021 tương ứng với diễn biến tình hình dịch COVID-19.
Theo kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng đạt 12 - 13% tối đa có thể lên đến 14% nếu dịch dừng trong quý I/2021 và tiêm chủn vắc xin đại trà.
Kịch bản 2, tăng trưởng tín dụng là 10 -12% trong trường hợp COVID-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ thêm vắc xin.
Kịch bản 3, tín dụng tăng trưởng 7 - 8% nếu COVID-19 kéo dài đến hết năm.
Theo nhận định của ACBS, diễn biến thực tế đang gần giống với kịch bản số 3 nhất khi Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thứ tư.
Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm lại cao hơn nhiều so với kỳ vọng của NHNN nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp. Trong khi đó thị trường bất động sản nhà ở tích cực do nguồn cung mới thấp, dẫn đến nhu cầu vay đầu tư tăng lên. Tính đến 21/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 5,47% cao hơn nhiêu so với cùng kỳ năm trước là 2,45%.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là quý IV", theo ABCS.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 toàn nền kinh tế đạt 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của NHNN. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng tư nhân có thể đạt 15 - 20%, cao hơn toàn ngành.