Bên trong ngôi làng có nhiều chùa nhất Việt Nam: Số người tu hành tại gia chiếm hơn 50% dân số, nơi đầu tiên phát kiến con đường trị bệnh thân và tâm có một không hai
Đây được xem là địa phương quy tụ nhiều chùa nhất Việt Nam hiện nay.
Từ quốc lộ 20, vừa rẽ vào thôn Phú An thuộc xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã nghe tiếng tiếng gõ mõ, tụng kinh và tiếng chuông chùa ngân vang trên các triền đồi. Thôn này chỉ khoảng 2.200 nhân khẩu nhưng có đến 53 cơ sở thờ tự gồm chùa, tịnh xá, tịnh thất và niệm phật đường. Tính trung bình cứ 40 người có một cơ sở thờ tự, số người tu hành tại gia chiếm hơn 50% dân số của thôn, là địa phương quy tụ nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam. Nhiều người gọi đây là làng chùa Đại Ninh.
Các bậc cao niên ở làng chùa cho biết Pháp Vân là ngôi chùa lâu đời nhất ở làng này. Không chỉ có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo, chùa còn tạo ấn tượng nhờ một câu chuyện đặc biệt.
Trước đây, khi mới lập làng, chỉ có khoảng 10 nóc nhà. Người dân địa phương dựng một căn nhà để những ngày mùng 1 và 15 (âm lịch hàng tháng) tập trung về tụng kinh, niệm Phật. Đến năm 1968, Hòa thượng Thích Thiện Tâm từ Sài Gòn đến đây xây chùa Pháp Vân.
Theo Hòa thượng Thích Đạo Thành, Pháp Vân có “con đường trị bệnh thân và tâm” nổi tiếng, được làm từ 15.000 viên đá cuội nhỏ. Hai bên đường đặt rất nhiều trụ đá tự nhiên có kích thước lớn, bề mặt khắc 100 bài kinh pháp cú với nội dung đối trị với ác tâm, tà tâm để hướng con người ra khỏi tham, sân, si.
Con đường dài 64 mét tương ứng với 64 quẻ: “Lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái theo quy luật âm dương ngũ hành”. Khi đi trên con đường đó, bàn chân sẽ được kích huyệt bởi những hòn đá cuội lớn nhỏ, nhọn hoặc bằng…để trị bệnh cho thân thể. Trong lúc đi chân trần trên đường, nếu bị đau chân, khách bộ hành sẽ dừng lại nghỉ ngơi, đọc những bài kinh pháp cú trên các cột đá để trị tâm bệnh.
Hiện chùa Pháp Vân đang nuôi dưỡng 16 chú tiểu có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Các chú tiểu được chùa lo cho ăn học đến nơi đến chốn, kể cả học võ để rèn luyện thân thể và tự vệ. Trong đó, 1 chú tiểu vừa học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa học Trung cấp Phật học, 1 người khác đã học xong Cao cấp Phật học. Khi học xong cấp 3, các chú tiểu có quyền quyết định tiếp tục tu hay ra ngoài đời lập nghiệp.
Trong khi đó, Vĩnh Minh Tự Viện là ngôi chùa nổi tiếng nhất Phú An tọa lạc trên đồi cao, xung quanh là không gian thoáng mát rợp bóng cây xanh rộng khoảng 10 ha. Từ những năm đầu thập niên 1960, các hòa thượng Bửu Lại, Bửu Huệ và Thích Thiền Tâm đã tìm đến núi rừng hoang vu bên bờ sông Đa Nhim này khai sơn, dựng thạch thất để yên tĩnh tu hành. Sau đó, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm, ngày nay được gọi là Tổ đình.
Chùa Vĩnh Minh Tự Viện được thành lập bởi hòa thượng Thích Tâm Thanh (là học trò của 3 vị hòa thượng đầu tiên đến Phú An khai sơn) từ năm 1973, trên ngọn đồi cao bên cạnh chùa Hương Nghiêm. Ban đầu hòa thượng Tâm Thanh chỉ xây dựng tịnh thất nhỏ để về tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết giảng. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1983 nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ông xây dựng chùa Vĩnh Minh Tự Viện.
Bà Kara Jan K’ Suynh, Phó Chủ tịch xã Phú Hội cho biết, trước ngày đất nước thống nhất, vùng đất Phú An còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài ba ngôi chùa, thạch thất ẩn mình sau rặng rừng già. Càng về sau người dân khắp mọi miền Tổ quốc về đây định cư, lập nghiệp, tạo thành khu dân cư sầm uất với nhiều chùa chiền, tịnh thất, nên Phú An được mệnh danh là "làng chùa".
Một ngôi chùa khác cũng gây ấn tượng đặc biệt là Phương Liên Tịnh Xứ, nơi sở hữu Đại Bảo Tháp Tỳ Lô rất đẹp, có một không hai ở Việt Nam. Bảo tháp 7 tầng đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao, thờ 7 hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Chùa có sự đan xen, hài hòa giữa kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam với kiến trúc chùa ở Trung Hoa và Tây Tạng; có tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên cùng nhiều tượng và tháp khác...
Theo ông Trần Thành, Bí thư Chi bộ thôn Phú An, xã Phú Hội, đây là vùng đất không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Các tăng ni về đây lập nghiệp, tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân.
Hầu hết các chùa, tịnh thất đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, gắn bó với chính quyền và Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân quanh vùng. Điều đặc biệt nữa là các chùa ở đây luôn mở rộng vòng tay đón nhận trẻ em mồ côi, bất hạnh.