Bộ Công an phối hợp tiếp nhận 161 ‘cán bộ điện lực, an ninh mạng' từ Campuchia
Phần lớn công dân được Campuchia trao trả là những người lao động cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất theo quy định của nước sở tại.
Theo Báo Tây Ninh, ngày 19/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan đã tiếp nhận 161 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Campuchia trao trả.

Các công dân được đưa về nước qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), gồm 28 nữ và 133 nam, có hộ khẩu thường trú tại 16 tỉnh, thành trên cả nước như Tây Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Lai Châu, Tuyên Quang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Phần lớn trong số này là lao động cư trú bất hợp pháp tại Campuchia, bị ép buộc làm việc trong các tổ chức lừa đảo.
Theo thông tin ban đầu, các công dân này bị ép sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo qua các ứng dụng hoặc giả danh nhân viên điện lực, cán bộ thuế, cán bộ an ninh mạng nhằm tìm kiếm nạn nhân, thường là phụ nữ có điều kiện kinh tế để chiếm đoạt tài sản.
Nếu không thực hiện đúng chỉ tiêu hoặc từ chối làm việc, họ sẽ bị các đối tượng trong đường dây đánh đập, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Qua sàng lọc, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã bàn giao 72 công dân có hộ chiếu và hành trình xuất cảnh hợp pháp cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra, khai thác dấu hiệu tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Đối với 89 công dân có hành vi xuất cảnh trái phép, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp điều tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh cũng đã tiếp nhận thêm 45 trường hợp tương tự do phía Campuchia trao trả qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát đi cảnh báo: Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức giả mạo doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… để lừa đảo qua mạng.
Người dân khi tìm kiếm tour du lịch, đặt phòng qua mạng xã hội cần kiểm tra kỹ tính minh bạch của trang, lưu ý đến lịch sử đổi tên, quốc gia của quản trị viên. Nếu thấy tài khoản mới lập hoặc mới đổi tên, cần thận trọng, xác minh thông tin từ nhiều nguồn trước khi giao dịch.
>> Nghe lời 'nhân viên điện lực', nữ giáo viên mất 1,5 tỷ đồng