Cả thế giới thiếu chip, Trung Quốc bất ngờ "cấm cửa" chip của ông lớn Mỹ vì “rủi ro bảo mật nghiêm trọng”

22-05-2023 14:00|Thủy Tiên

Do đe dọa “rủi ro bảo mật nghiêm trọng”, Trung Quốc cấm hàng loạt công ty mua sản phẩm của hãng chip hàng đầu nước Mỹ.

Chất bán dẫn là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất chip điện tử, bộ phận vốn được xem là “bộ não” của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy vi tính, ô tô, các loại vũ khí và các thiết bị công nghệ khác.

“Việc kiểm soát các chất bán dẫn sẽ không chỉ định hình tương lai của nền kinh tế thế giới, từ lĩnh vực điện toán đám mây đến xe tự hành, nó còn là nền tảng cho sức mạnh quân sự”, theo Chris Miller, tác giả cuốn sách "Chiến tranh chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới".

Ngành công nghiệp chip đang dần phục hồi trở lại sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất với ngành chip hiện nay là cuộc chiến không có hồi kết giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong thời gian qua, Mỹ đã áp hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc và đưa nhiều hãng sản xuất chip như Yangtze Memory Technologies vào danh sách đen.

Trung Quốc ra đòn với hãng chip Mỹ

Mới đây, Trung Quốc đã thực hiện một động thái được xem là hành động đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 21/5 đã cấm các đơn vị khai thác hạ tầng quan trọng mua các sản phẩm do hãng sản xuất chip bộ nhớ Micron Technology của Mỹ chế tạo. Nguyên nhân xuất phát từ việc gã khổng lồ chip Mỹ không vượt qua được khâu rà soát an ninh mạng của Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố, CAC cho biết: “Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin then chốt của Trung Quốc (CIIO), ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc". Song, không nêu cụ thể những “rủi ro bảo mật” mà sản phẩm của Micron có thể gây ra.

Theo quyết định của CAC, các doanh nghiệp, công ty thuộc diện CIIO sẽ nhận được yêu cầu ngừng mua các sản phẩm từ Micron. Theo định nghĩa chung của Trung Quốc, CIIO bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động quan trọng đối với an ninh quốc gia và đời sống con người, từ viễn thông đến ngân hàng, tài nguyên nước, giao thông, ...

Giới phân tích cảnh báo lệnh cấm này của Bắc Kinh thậm chí còn lan rộng sang những công ty không cung cấp “cơ sở hạ tầng thông tin then chốt”, khiến các doanh nghiệp này tìm cách loại bỏ Micron khỏi chuỗi cung ứng của họ.

Theo ngân hàng Jefferies, Micron đã thu được 5,2 tỷ USD, tương ứng với khoảng 16% tổng doanh thu từ thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) trong năm ngoái, trong đó doanh thu tại Trung Quốc chiếm đến 10%.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh cũng đã tăng cường các hoạt động giám sát Micron vì công ty này được coi là lực lượng vận động hành lang chính đằng sau các động thái của chính phủ Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, Micron cũng đóng cửa trung tâm thiết kế chip ở Thượng Hải, đồng thời chuyển 150 kỹ sư đang làm việc tại đây về Mỹ hoặc sang Ấn Độ.

Phản ứng của Mỹ

Micron đã đưa ra một tuyên bố cho biết “chúng tôi đã nhận được thông báo từ CAC về kết luận của họ đối với các sản phẩm được bán tại thị trường Trung Quốc", đồng thời mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với phía Bắc Kinh nhằm khắc phục những vấn đề trên.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ "những hạn chế không dựa trên cơ sở thực tế" và sẽ liên hệ với chính quyền Bắc Kinh để làm rõ, theo Financial Times.

“Lệnh cấm này, cùng với các cuộc truy quét và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty khác của Mỹ đi ngược lại với tuyên bố mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khung pháp lý minh bạch của Trung Quốc,” Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies, lệnh cấm này sẽ không tác động quá sâu đến Micron vì khách hàng chính của công ty này ở Trung Quốc là các công ty điện tử tiêu dùng, như điện thoại thông minh hay máy tính, chứ không phải là các nhà điều hành và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Lệnh cấm của Trung Quốc được ban hành 50 ngày sau khi CAC tiến hành điều tra các sản phẩm của Micron vào cuối tháng 3 với lý do an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh mở cuộc điều tra nhắm vào một công ty Mỹ.

Đây được xem là hành động trả đũa đối với các động thái của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến nhất, cũng như thiết bị và nhân tài cần thiết để sản xuất chip trong những tháng gần đây, với lý do an ninh quốc gia.

Các nhà phân tích cho rằng Micron là mục tiêu của chính phủ Trung Quốc vì so với các công ty khác như Nvidia hay ASML, Micron được đánh giá là có vai trò không lớn bằng. Trên thực tế, công nghệ của hãng có thể dễ dàng thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh như Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc.

Các ngân hàng lớn nhất phố Wall tại Trung Quốc - Cuộc chơi không dễ dàng

Lạm phát Trung Quốc thấp nhất trong 2 năm, bóng ma giảm phát đang đe dọa nền kinh tế thứ hai thế giới?

Volkswagen: Vì sao “gã khổng lồ” ô tô Đức mất đi hào quang rực rỡ tại thị trường Trung Quốc?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ca-the-gioi-thieu-chip-trung-quoc-bat-ngo-cam-cua-chip-cua-ong-lon-my-vi-rui-ro-bao-mat-nghiem-trong-184205.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cả thế giới thiếu chip, Trung Quốc bất ngờ "cấm cửa" chip của ông lớn Mỹ vì “rủi ro bảo mật nghiêm trọng”
POWERED BY ONECMS & INTECH