Người dân được giới thiệu về chuyển đổi số, cũng như tư vấn, cảnh báo khi sử dụng mạng xã hội ngay trên sổ tay điện tử.
Sở TT&TT tỉnh Bình Định vừa ra mắt sổ tay điện tử chuyển đổi số. Đây là cuốn sổ tay trực tuyến được xây dựng giúp cung cấp những thông tin ngắn gọn, súc tích về chuyển đổi số cho cán bộ công chức cấp xã, người dân tiện lợi tham khảo ở mọi lúc, mọi nơi.
Cẩm nang chuyển đổi số dễ vận dụng
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định cho biết, sổ tay có 7 nội dung cơ bản gồm, nhận thức chung về chuyển đổi số, một số văn bản quan trọng về chuyển đổi số, danh mục nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023, các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước, các ứng dụng cho người dân - doanh nghiệp, công dân số - một số vấn đề cần biết, các kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin. Sổ tay trình bày ngắn gọn, súc tích, khoa học, dễ hiểu những điều quan trọng và thiết yếu của chuyển đổi số.
“Mỗi phần sẽ có những kiến thức cơ bản giúp người đọc dễ dàng tiếp cận, như phần kiến thức chung, người dân biết được 3 trụ cột chính của chuyển đổi số gồm Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số. Tại đây, người dân được hiểu rõ hơn những thuật ngữ liên quan đến chuyển đổi số, giúp tăng kinh nghiệm, tri thức về nền tảng này”, ông Kha nói.
Với cán bộ công chức, sổ tay giúp tiếp cận nhanh các văn bản quan trọng về chuyển đổi số của trung ương cũng như địa phương. Các thông tư, nghị định, quyết định của chính phủ, Bộ TT&TT, hay các kế hoạch triển khai của tỉnh liên quan đến chuyển đổi số cũng được cập nhật liên tục. Điều này giúp các cán bộ công chức nắm bắt được các mục tiêu, phương hướng, từ đó có các kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể.
Cùng với đó, sổ tay điện tử chuyển đổi số còn giới thiệu các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước. Đơn cử, iDesk/EverNet, đây là phần mềm tích hợp đầy đủ các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, điều hành nội bộ, khởi tạo và quản lý văn bản tài liệu, công văn, báo cáo… Nhằm mục đích thay thế và hiện đại hóa các phương thức quản lý thông tin truyền thống. Ứng dụng được chạy trên desktop và thiết bị di động. Hay một số ứng dụng như quản lý công việc, hệ thống một cửa điện tử…
Đối với người dân, doanh nghiệp, các đối tượng này được tiếp cận đến các ứng dụng như VNeID, giới thiệu các yếu tố như giao dịch online, bảo mật thông tin, khai báo lưu trú, tố giác tội phạm…
Hay BinhDinh Smart City, đây là ứng dụng cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh cho người dân tỉnh nhà. Cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy vấn đề bất cập, bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm điều hành đô thị thông minh kèm theo ảnh chụp hoặc video quay lại hiện trường.
Sổ tay cũng giới thiệu cho người dân về Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định, cổng dịch vụ công của tỉnh, giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Zalo - đây là kênh thông tin giúp người dân gần hơn với chính quyền, tại đây, kênh “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” giúp người dân, doanh nghiệp tra cứu những thông tin như vi phạm giao thông, xem camera giao thông, tra cứu một số dịch vụ tiện ích…
Giúp nhận diện công dân số
Cùng với các tiện ích giúp người dân, tại sổ tay này, doanh nghiệp được giới thiệu về các sàn thương mại điện tử như Postmart, đây là sàn giúp người doanh nghiệp đăng tải những sản phẩm của mình đưa đến người dân. Cùng với đó, đây cũng là kênh giúp người dân tiếp cận đến với hơn 500.000 nhà cung cấp với hơn 100.000 sản phẩm đạt GlobalGap, VietGap…
Theo Giám đốc Sở TT&TT, sổ tay điện tử chuyển đổi số còn đưa đến người xem các thông tin như định nghĩa công dân số là gì. 9 yếu tố cấu thành công dân số. Cùng với đó, những lợi ích của chính phủ số mang lại cho người dân cũng được sổ tay nêu rõ như thấu hiểu người dân, từ đó cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.
Hiện nay, nhu cầu người dân sử dụng mạng xã hội cực lớn, Sở TT&TT cũng đưa ra những lưu ý khi sử dụng mạng xã hội như việc kiểm soát thông tin, nguy cơ bị lộ thông tin bí mật, tin nhắn rác, lừa đảo, quấy rối…Từ đó, sổ tay hướng dẫn người dân các kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin như đặt mật khẩu mạnh, đăng xuất các tài khoản sau khi sử dụng, hạn chế sử dụng wifi công cộng, xác thực 2 yếu tố…, và đưa ra các cảnh báo về một số chiêu thức lừa đảo qua mạng phổ biến nhất.
“Thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục thực hiện tài liệu số trên các lĩnh vực khác nhau như nội vụ, văn phòng, tài nguyên môi trường…. Điều này giúp người dân, cán bộ công chức dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, đồng thời nâng cao tri thức về chuyển đổi số cũng như thông tin về các ngành”, ông Kha chia sẻ.
Công an tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình lừa đảo qua không gian mạng vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Định với 67 vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt gần 66 tỉ đồng. Trong đó, phương thức lừa đảo qua mạng với thủ đoạn nạp tiền, cộng tác mua bán để hưởng hoa hồng xảy ra nhiều nhất so với các hình thức khác, với 32 vụ, số tiền thiệt hại hơn 26 tỉ đồng. |
Công Sáng