Cách đơn giản để kiểm tra CCCD có bị kẻ gian lợi dụng đăng ký sim giả hay không
Chỉ vài thao tác đơn giản, bạn có thể kiểm tra xem thông tin CCCD của mình có bị kẻ xấu lợi dụng hay không.
Rò rỉ thông tin CCCD không chỉ là nỗi lo mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp danh tính, khiến bạn có thể vướng vào vòng lao lý oan uổng. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet hàng ngày. Tuy nhiên trong số này có rất nhiều người bị thu thập thông tin cá nhân trái phép. Điều này cho thấy tình hình rò rỉ thông tin cá nhân đang diễn biến hết sức phức tạp và cần được quan tâm giải quyết.
Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tội phạm mạng đã không ngừng đổi mới thủ đoạn, từ việc phát tán mã độc qua email, tin nhắn rác đến việc giả mạo website, ứng dụng để lừa người dùng cung cấp thông tin. Việc hình ảnh CCCD bị rao bán tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua cho thấy tội phạm mạng đang ngày càng táo bạo và tinh vi hơn. Điều này đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Rò rỉ thông tin CCCD không chỉ gây ra những thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của người bị hại. Kẻ gian có thể lợi dụng thông tin này để vay tiền online, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là vu khống, gán ghép vào các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, thông tin cá nhân của bạn còn có thể bị lợi dụng để đăng ký mã số thuế, gây ra nhiều rắc rối và thủ tục hành chính phức tạp.
Từ ngày 1/7/2024, Luật Viễn thông quy định người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với tất cả các số điện thoại đã đăng ký. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu số điện thoại của mình bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Bởi vậy, việc kiểm tra thường xuyên các SIM điện thoại đã đăng ký bằng số CCCD là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân của bạn.
Để kiểm tra, bạn chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB và gửi đến 1414 (miễn phí). Sau đó, hệ thống sẽ phản hồi thông tin về các số điện thoại đã được đăng ký bằng số CCCD của bạn. Nếu phát hiện số lạ mà bạn không sử dụng, hãy liên hệ ngay với nhà mạng để yêu cầu hủy số hoặc tiến hành điều tra chi tiết hơn.
Để hạn chế rò rỉ thông tin cá nhân, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ thông tin CCCD. Đối với các dịch vụ không quá quan trọng, bạn hãy tạo một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ để đăng ký. Khi phát hiện dấu hiệu bị lợi dụng thông tin cá nhân, bạn cần chủ động đến cơ quan công an trình báo và cung cấp đầy đủ bằng chứng như thông báo từ ngân hàng, tin nhắn đáng ngờ để hỗ trợ quá trình điều tra.
>> Từ 1/1/2025, ra đường không mang theo căn cước, căn cước công dân sẽ bị phạt tiền?