Dữ liệu như nguồn dầu mỏ, có giá trị lớn, quan trọng trong nền kinh tế số, nhưng cần quản lý một cách bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của các bên.
Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) hợp tác với Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH-CELG), tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề “dữ liệu cá nhân trong dòng chảy kinh tế số Việt Nam”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh. Theo một báo cáo năm 2020, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về phát triển kinh tế số và đạt mức tăng trưởng 16%/năm.
Trong đó, dữ liệu chính là nguồn dầu mỏ cho nền kinh tế số, vì thế nếu khai thác đúng, hiệu quả, xử lý dữ liệu sẽ mang lại nguồn lợi to lớn cho nhà đầu tư, nền kinh tế.
Tuy nhiên, bài toán quản trị dữ liệu cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, trong những năm qua nhiều vụ lộ lọt lớn về dữ liệu đã xảy ra, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng được đề cập rất nhiều. Việc các tập đoàn công nghệ đóng gói thông tin cá nhân và kinh doanh, họ cũng đang vô tình kiểm soát hành vi của mọi người trong xã hội. Chính vì thế, làm thế nào xây dựng khung chính sách hợp lý, làm thế nào để đạt được quyền lợi giữa các bên, là thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Hoà, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP.HCM cũng cho rằng, giá trị của dữ liệu là rất quan trọng, chẳng hạn Singapore không có hệ thống sản xuất gì cả nhưng nhờ dữ liệu họ tạo ra các giá trị mới và nắm cả khu vực Đông Nam Á. Hay Nhật, Hàn cũng trở thành những nước mạnh vì họ nắm trục luân chuyển dữ liệu. Tương tự, Anh như một cửa ngõ nắm hết các dữ liệu chạy qua. Đơn cử như người Việt Nam cần mua bao nhiêu áo sơ mi, đang bàn về vấn đề gì, quan tâm sản phẩm nào, đó là những dữ liệu được các tổ chức khai thác để thúc đẩy thương mại điện tử…
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, với những giá trị mang lại đòi hỏi việc bảo mật dữ liệu cá nhân là hết sức quan trọng, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm tốt việc này, vẫn còn tồn tại những lỗ hổng… Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm chuyển đổi số, trong đó có vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật trên môi trường mạng cũng như dữ liệu cá nhân.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện IPS cũng chia sẻ, dữ liệu cá nhân cực kỳ quý giá và quan trọng, nhưng hiểu về dữ liệu cá nhân đối với mặt bằng xã hội Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Trong thời đại hiện nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi cần phải nâng cao nhận thức bảo vệ cá nhân trong toàn xã hội.
Đại diện Viện IPS cho rằng, dữ liệu cá nhân trở thành tư liệu sản xuất trong mô hình kinh tế dựa trên dữ liệu. Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đòi hỏi xử lý ngày càng nhiều dữ liệu cá nhân hơn. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên sự bất bình đẳng về khả năng thực sự kiểm soát dữ liệu cá nhân, bất bình đẳng về thu nhập liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân.
Đơn cử như chủ thể kiểm soát dữ liệu cá nhân hiện nay là các công ty lớn, họ có thể thấu hiểu, dự đoán hành vi tiêu dùng của người dùng để đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả và thu lợi nhuận. Nhưng chủ thể tạo ra dữ liệu cá nhân lại không có khả năng để hiểu biết hết các dữ liệu cá nhân do mình tạo ra được thu nhập, xử lý như thế nào và hành vi tiêu dùng của mình được tác động ra sao, khiến họ rơi vào trạng thái không tự do để ra quyết định. Trong tương lai, sự bất bình đẳng sẽ càng gia tăng khi dữ liệu trở thành yếu tố cạnh tranh chính, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo với lượng dữ liệu đòi hỏi rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Đồng, các quy định pháp luật về dữ liệu cá nhân đối với các nước đang phát triển như Việt Nam cần đặt trong bối cảnh hệ sinh thái công nghệ số, lộ trình phát triển công nghệ để giải quyết bài toán. Xử lý dữ liệu cá nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, cung cấp dịch vụ cá nhân hoá cho người dùng nói riêng. Quyền đối với dữ liệu cá nhân trong bối cảnh công nghệ số không nên tiếp cận cứng nhắc chỉ theo cách hiểu quyền riêng tư truyền thống.
Không gian số hiện nay là một không gian toàn cầu, không có biên giới và dữ liệu, bao gồm dữ liệu cá nhân, luân chuyển toàn cầu một cách thường xuyên, liên tục, mà Việt Nam là một phần trong đó. Điều này dẫn đến các quy định pháp luật cần điều chỉnh được trong bối cảnh toàn cầu và tạo ra sự bình đẳng.
Bổ sung 4 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Sửa Luật Báo chí: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, mô hình tổ hợp truyền thông