Lỗ hổng bảo mật CVE-2023-46747 tồn tại trong sản phẩm BIG-IP của hãng F5 cho phép đối tượng tấn công vượt qua cơ chế xác thực và lạm dụng tính năng ‘Traffic Management User Interface’ để thực thi mã từ xa.
Theo các chuyên gia Bkav, F5 BIG-IP là một dòng của bộ điều khiển phân phối ứng dụng và các giải pháp an ninh của F5 Networks. Nền tảng này cung cấp nhiều dịch vụ bao gồm cân bằng tải, tường lửa ứng dụng web (WAF), kiểm soát truy cập, tăng tốc ứng dụng, giảm tải SSL/TLS và chống tấn công từ chối dịch vụ phân tán - DDoS.
BIG-IP được sử dụng bởi nhiều tổ chức bao gồm các công ty Fortune 500, cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục; được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Trong cảnh báo về lỗ hổng an toàn thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng trong F5 BIG-IP mới phát ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, qua công tác giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục đã ghi nhận mã khai thác của lỗ hổng CVE-2023-46747 cho phép đối tượng tấn công vượt qua cơ chế xác thực và lạm dụng tính năng Traffic Management User Interface (TMUI) nhằm thực thi mã từ xa.
Lỗ hổng CVE-2023-46747 tồn tại trong sản phẩm BIG-IP của hãng F5 được đánh giá có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng với điểm đánh giá CVSS là 9.8/10. Lỗ hổng này ảnh hưởng đến tất cả module F5 BIG-IP, từ phiên bản 13.1.0 đến 13.1.5, từ 14.1.0 đến 14.1.5, từ 15.1.0 đến 15.1.10, từ 16.1.0 đến 16.1.4 và 17.1.0.
Với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của lỗ hổng CVE-2023-46747 trong sản phẩm F5 BIG-IP, Cục An toàn thông tin nhận định rằng, việc rà soát và nâng cấp phiên bản hoặc áp dụng biện pháp khắc phục thay thế cần được thực hiện ngay lập tức.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã khuyến nghị đơn vị chuyên trách CNTT, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện ngay một số việc.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra, rà soát các sản phẩm F5 BIG-IP đang sử dụng có khả năng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng CVE-2023-46747 hay không.
Trường hợp có ảnh hưởng bởi lỗ hổng bảo mật CVE-2023-46747, biện pháp tốt nhất để khắc phục là nâng cấp phần mềm sản phẩm F5 BIG-IP lên phiên bản mới nhất để tránh nguy cơ bị tấn công. Nếu chưa thể nâng cấp, các đơn vị cần thực hiện theo hướng dẫn của hãng F5.
Cục An toàn thông tin cũng đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.
Lỗ hổng, điểm yếu trong các hệ thống đã được nhận định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chỉ riêng trong tháng 9/2023, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm đã ghi nhận có 57.916 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức nhà nước.
Nhận định số lượng điểm yếu, lỗ hổng nêu trên là rất lớn, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia triển khai đánh giá, xác định các lỗ hổng nguy hiểm, có ảnh hưởng trên diện rộng và hướng dẫn các bộ, ngành khắc phục.
Cơ quan này cũng lưu ý, trong số các lỗ hổng được ghi nhận, có một lỗ hổng đã và đang được các nhóm tấn công lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT.
3 thủ đoạn lừa đảo phổ biến tuần qua trên không gian mạng Việt Nam
Xuất hiện chiêu lừa mua vé ‘Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai’ và ‘Anh Trai Say Hi’