Cao su Việt Nam (GVR) hưởng lợi lớn khi giá xuất khẩu ‘chạm trần’ 2 năm
Ngành cao su Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng bứt phá.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 186.033 tấn cao su, đạt giá trị 307,9 triệu USD. Dù lượng xuất khẩu giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị lại tăng 7,3%.
Trong tháng 7, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.655 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hai năm, kể từ tháng 6/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.551 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Về thị trường, xuất khẩu cao su của nước ta sang Trung Quốc trong năm nay có xu hướng giảm, nhưng bù lại, các thị trường khác lại tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chỉ đạt 617.033 tấn (trị giá 924,63 triệu USD), giảm 18,6% về lượng và 8,2% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu sang nước này đã giảm liên tục 6 tháng, khiến thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ còn 67%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Ấn Độ và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 19,9% và 5,8%, chiếm 8,1% và 3% tổng lượng xuất khẩu cao su. Ngoài ra, các thị trường khác như Sri Lanka, Malaysia, Bỉ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ,… cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng từ 12,1% đến hơn 317%.
Một số tổ chức tài chính cho rằng, do nguồn cung cao su nội địa của Ấn Độ đang thiếu hụt buộc nước này phải tăng cường nhập khẩu, dẫn đến căng thẳng về nguồn cung toàn cầu. Điều này dự kiến sẽ giữ giá cao su ở mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng. Ấn Độ hiện là một trong 5 quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Thái Lan, nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, đang đối mặt với hậu quả của thiên tai, cùng với sự thay đổi ngành nghề của người dân do chu kỳ phát triển dài của cây cao su (5-7 năm).
Điều này có thể kéo dài tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan cho đến khi các lứa cao su trồng thay thế bắt đầu được khai thác, một quá trình có thể mất 4-5 năm.
Thị trường cao su toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt mạnh nguồn cung giai đoạn 2024-2025 |
>> Kinh doanh khởi sắc, một cổ phiếu cao su tăng ‘phi mã’ hơn 26%
Trước diễn biến trên, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên 15,74 triệu tấn, đồng thời giảm dự báo nguồn cung xuống 14,50 triệu tấn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Thêm vào đó, nhu cầu thu mua cao su thường tăng vào cuối năm khi các doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Vì vậy, giá cao su có thể tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến nửa đầu năm 2025.
Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) - doanh nghiệp sản xuất cao su lớn nhất cả nước, đang quản lý khoảng 410.000ha đất trồng tại Việt Nam, Lào, Campuchia - được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Mảng cao su đóng góp khoảng 60% lợi nhuận ròng hàng năm cho Tập đoàn Cao su Việt Nam. Theo SSI Research, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của GVR tăng 0,5%.
Do đặc thù của cây cao su, giai đoạn khai thác trọng điểm thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý II trở đi mới là thời điểm sản lượng của GVR đạt đỉnh. Dự báo từ một số công ty chứng khoán cho thấy, mảng cao su của Tập đoàn trong năm nay có thể tăng trưởng 15% so với năm 2023.
>> Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam đóng thuế gần 1.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm