Xã hội

Câu chuyện kỳ diệu từ quán bar đến nhà máy, biến lá dứa bỏ đi thành sợi vải di sản Việt Nam

Song Linh 13/10/2024 10:00

Từ khi có sự đồng hành của Ecofa, những người nông dân không còn phải đi phun thuốc cỏ cháy, có thêm đồng tiền từ lá dứa, có công ăn việc làm, họ nghiệm ra giá trị lớn lao của một dự án bền vững mà không đơn thuần chỉ là mua đi, bán lại.

cover-web-min.jpg
tit-1-web.jpg

Khi anh Nam nhắc lại về cơ duyên bắt đầu mọi thứ, trong đầu tôi nhớ đến câu “Hai Tequila như mọi khi trong tuầnBuồn phiền từ đâu lao đến đây vây quanh” trong bài Blue Tequila của rapper Táo. Năm 2019, trong một lần buồn chán trên đất Nhật, chàng thanh niên tìm đến một quán bar nhưng không biết phải uống loại rượu nào. Khi đó, người lễ tân giới thiệu với anh về Tequila. Lạ lẫm, ấn tượng về hương vị, anh bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra Tequila được làm từ cây thùa hay còn gọi là dứa dại, họ hàng với cây dứa. Tại Mexico, củ của loại cây này được chưng cất thành rượu, còn lá được tạo thành sợi trong bao bố, dây thừng và các loại vải.

“Khi đó, tôi thấy hay lắm, một loại cây mà vừa làm được rượu, vừa làm được xơ sợi, tôi đi hỏi xem nước ta có cây nào như thế không vì ở Philippines dùng sợi chuối từ rất là lâu rồi. Tôi nhớ đến một người bạn ở Đồng Giao, Ninh Bình và anh bạn này đã nói với tôi rằng dứa ở Việt Nam rất nhiều, nhưng chưa ai khai thác nó với quy mô lớn” – anh kể.

Hành trình khơi dậy những điểm chạm với cánh đồng dứa của người nông dân Việt Nam bắt đầu chính tại Đồng Giao, Ninh Bình. Nhìn thấy những vùng nguyên liệu rộng lớn bị bỏ đi, bà con đã và đang gặp nhiều khó khăn trong canh tác, chàng kỹ sư ấp ủ “phải làm được gì đó nó rất tốt mà có thể mang xuất khẩu sang Nhật”.

q1-web.jpg

Tên gọi Ecofa được chọn cho kế hoạch – một cái tên ngắn gọn nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị và sự kết nối. Trong tiếng Anh, “Eco” là “Hệ sinh thái”, còn “Fa” có nghĩa là Family, Farm, Fabric và Fashion - nơi những thành viên trong gia đình Ecofa song hành với người nông dân để làm ra thời trang.

Founder Ecofa thừa nhận từng không ít lần muốn dừng dự án, thậm chí những người đồng hành của anh thời điểm đó đều đã dừng lại hết. Trong 3 năm phát triển dự án, khó khăn về tài chính, về nghiên cứu khiến đội ngũ khởi nghiệp nhiều lần thấy “mắc kẹt” ở cuộc chơi của những ông lớn.

quote-2-web.jpg

“Khoảng cuối năm 2022, sau gần một năm rưỡi khởi động, chúng tôi không có một đơn hàng nào. Tôi có đăng bài trên Linkedin, gửi email các kiểu, tốn rất nhiều tiền cho các bên vận chuyển lớn như DHL, UPS nhưng nhiều bên chỉ thể hiện sự quan tâm mà không ra quyết định mua, vì họ nói cần thời gian để kiểm định sản phẩm của mình và kiểm định thị trường của họ”, đó là quãng thời gian khủng hoảng.

Thậm chí, khi về lại Tân Kỳ, Nghệ An – nơi anh sinh ra để thuê gần 18ha đất trồng cây dứa, đã có nhiều lời gièm pha từ làng xóm, những ánh mắt hoài nghi về một “thằng thất bại” trở về từ Nhật Bản, đành phải làm nông. “Nhưng tôi không quan tâm, mục đích duy nhất của tôi là làm một cái gì đó mới và mang sản phẩm Việt Nam đi ra thế giới” – anh Nam nói.

tit-2-web.jpg

Trước khi khảo sát vùng nguyên liệu, người sáng lập Ecofa đã tìm hiểu rất kỹ về các loại cây cho sợi như cây chuối, cây gai, cây đay, cây lanh… và cuối cùng anh nhận ra, cây dứa sở hữu mọi lợi thế lớn nhất:

“Khi đi vào sản xuất, quan trọng nhất là vùng nguyên liệu phải đủ lớn. Mà một công ty khởi nghiệp như chúng tôi không có khả năng thuê đất, mua đất hay làm các dự án để trồng mới vùng nguyên liệu được.

Hơn nữa, khi tôi nói chuyện với một người thầy, thầy bảo nếu chọn cây dứa thì tiềm năng để cạnh tranh sẽ tốt hơn vì Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới, không phải đất nước nào cũng trồng được dứa. Như Trung Quốc, họ không trồng được dứa hoặc trồng rất ít, nên đó là thế mạnh bản địa mà mình có thể khai thác được”.

Bước vào nghiên cứu sâu hơn, chàng kỹ sư Bách khoa còn phát hiện ra thêm những tính năng hữu ích của sợi dứa như thông thoáng, thấm hút mồ hôi, chống tia UV, kháng khuẩn – những lý thuyết còn nằm dở dang trên trang nghiên cứu của thầy cô Viện Dệt may, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đó là những động lực để cây dứa được anh “chọn mặt gửi vàng”, đưa vào kéo sợi trên quy mô công nghiệp.

quote-3-web.jpg

Về công nghệ sản xuất sợi tơ dứa trên thế giới hiện nay, Founder Ecofa cho biết các nước thường kéo xơ dài bằng hai phương pháp. Cách thứ nhất là kéo xơ dài thủ công bằng các khung cửi, thứ hai là ứng dụng hệ kéo sợi xơ dài trên quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, quy trình đó phải sử dụng hoá chất, làm mất đi các tính năng tự nhiên của xơ dứa.

Giống như một câu nói chúng ta vẫn thường nghe – người thành công luôn có lối đi riêng, anh Nam quyết tâm: “Phải đưa xơ dứa về trạng thái cơ bản từ tính năng đến thành phần thì mới thành công được. Đó là lí do tôi đã chuyển được xơ dài thành xơ ngắn và làm tốt.

Tôi không dám khẳng định mình là người tiên phong hay làm tốt nhất điều đó ở Việt Nam, vì hiện có 3-4 bên cũng đang nghiên cứu phát triển. Ai cũng ủ mưu, ai cũng toan tính nên tôi cũng không biết mình ở đâu cả. Tôi chỉ luôn trong tâm thế phải làm tốt nhất thế mạnh, đồng thời tạo ra những rào cản để cạnh tranh với đối thủ”.

Tay nghề của một kỹ sư dày kinh nghiệm cộng hưởng với tâm huyết đã thúc đẩy anh tạo ra quy trình sản xuất khép kín nói không với hoá chất. Những thiết bị, công nghệ của Ecofa đều do chính anh thiết kế, cải tiến.

tit-3-web.jpg

Thế mạnh lớn nhất của Ecofa là đã phủ được vùng nguyên liệu 10.000ha từ Bắc chí Nam. Từ Mường Khương, Lào Cai rộng sang Điện Biên, Ninh Bình hay Thanh Hoá, Nghệ An, trải dài đến Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, chỗ nào có vùng nguyên liệu thì anh cũng đều đã đặt chân đến, bắt tay với các hợp tác xã địa phương để tận thu lá dứa sau khi người nông dân thu hoạch. Những vùng nguyên liệu ở nước ngoài từng được đặt lên bàn cân với giá thành tốt, dù vậy, Ecofa muốn đi con đường sáng tạo ra vải di sản “made in Vietnam” 100%.

Thời điểm đầu khi đặt vấn đề với bà con, họ dành cho một dự án mới ánh mắt e dè về mức độ làm đến nơi đến chốn. Không ít đơn vị từng làm điều tương tự nhưng cuối cùng bỏ ngỏ. Vì thế, nhiều người nông dân chỉ muốn đứng ra gia công và không muốn đầu tư cùng một startup non trẻ.

quote-4-web.jpg

Thực tế, ở Việt Nam, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn bị coi là “nút thắt”, đơn cử như nông dân lo doanh nghiệp sẽ thu mua giá thấp, hoặc không giữ lời, doanh nghiệp cũng lo nông dân bán lại cho bên khác ra giá cao hơn. Ecofa cũng không ngoại lệ. Lá dứa vốn dĩ là một phụ phẩm bỏ đi, tuy nhiên để đưa được về nhà máy, bà con phải bỏ công làm lãi. Theo anh Nam, lãi một ngày công của người lao động được định mức 700.000 – 800.000 đồng/ngày, và họ yêu cầu công ty phải mua lá dứa bằng với định mức đó thì mới làm, nếu không thì chấp nhận bỏ đi, họ không quá cần thiết.

quote-5-web.jpg

Tiếp cận vùng sâu, vùng xa để tạo ra vùng nguyên liệu vốn đã khó, thay đổi tư duy của người nông dân về giá trị bền vững của lá dứa lại càng xa vời.

“Tôi chuẩn bị slide công phu, nói tràng giang đại hải 2 tiếng trời về quy trình, công dụng của cây dứa, rồi rất nhiều thứ, nghe bà con bên dưới xì xào nhiều lắm. Lúc đó, tôi mừng thầm vì như được khích lệ, cảm thấy bà con rất quan tâm. Nhưng cuối cùng chốt lại cuộc họp, khoảng 200 hộ dân chỉ hỏi rốt cuộc là bao nhiêu tiền một cân thôi, đừng có nói nhiều nữa. Các anh cán bộ bảo tôi, nói một cân lá mua được bao nhiêu rượu, bao nhiêu gạo thì được, còn nói về bền vững bà con không nghe đâu” – là những gì đã diễn ra trong lần đầu tiên Ecofa về Điện Biên, thuyết trình trước đồng bào dân tộc Thái.

quote-6-web.jpg

Hiện nay, Ecofa đã bắt tay cùng 5 hợp tác xã địa phương, với tổng cộng khoảng 90 lao động do hợp tác xã tự quản lý. Còn mỗi vùng nguyên liệu sẽ tác động đến khoảng 50 hộ dân, tương ứng với mỗi nơi, 60 lao động có thêm thu nhập. Từ khi có sự đồng hành của Ecofa, những người nông dân không còn phải đi phun thuốc cỏ cháy, có thêm đồng tiền từ lá dứa, có công ăn việc làm, họ nghiệm ra giá trị lớn lao của một dự án bền vững mà không đơn thuần chỉ là mua đi, bán lại.

Như ở Tiền Giang, nơi anh Nam đang đi thực tế, mỗi vụ dứa nông dân trồng trong khoảng 3 năm mới phá bỏ. Khi vào giai đoạn cuối, sản lượng thu hoạch thấp kéo theo nguồn thu eo hẹp dần. Từ đó, Ecofa vận động bà con chỉ trồng mỗi vụ trong 2 năm, rồi sau đó để lại lá cho công ty mà vẫn thu lại được tiền thay vì họ phải chờ thêm cả năm như trước.

q7-web.jpg

Sự bền vững không chỉ là ổn định sinh kế của người dân địa phương, mà lợi ích cho môi trường cũng là sứ mệnh rất rõ mà Ecofa xác định. Trong quá trình tách sợi, những phụ phẩm được Ecofa tách chiết ra để tặng bà con ủ phân, chăn nuôi. Hay trước đây, người trồng dứa phải đốt bỏ lá bằng cách phun cỏ cháy, băm phay lá trên cánh đồng để tạo phân xanh – một cách hiểu chưa đúng về nông nghiệp. Anh Nam cho rằng, phương pháp đó sẽ tạo ra nấm mốc, vi sinh vật không tốt, gây hại và xói mòn đất. Việc bà con xả thải bao nylon, khí CO2 ra môi trường cũng được hạn chế đi rất nhiều.

Văn hoá trồng trọt truyền thống được thay đổi sau hàng chục năm, niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà nông cứ thế ngày càng được gắn chặt. Kỹ sư 9x cũng mong: “Sắp tới, nếu chúng tôi tự động hoá được khâu thu hoạch lá dứa bằng máy móc, giá trị mà Ecofa mang lại cho bà con nông dân chắc chắn sẽ tốt hơn những công việc lao động trước đây của họ”.

tit-4-web.jpg

Gần đây, Ecofa mới bắt đầu xuất hiện trên truyền thông sau 3 năm "ở trong bụi rậm" - anh Nam ví von. Trước đó, ở doanh nghiệp này có một tôn chỉ: Không làm marketing. Startup nhận định, các đối tác sẽ không hào hứng khi mình chưa làm được gì mà đã đi quảng cáo cho đến khi nào sẵn sàng đi vào thương mại.

“Lần này, chúng tôi muốn đánh dấu một cột mốc với mọi người rằng Ecofa đã làm được bài bản rồi.

Chúng tôi không muốn làm rầm rộ lên rồi cụt luôn hay nổi lên như một hiện tượng bong bóng. Tôi muốn đi một cách chắc chắn để cho các đối tác hiện nay như Bảo Lân Textile, Biti’s hay H&M... thấy rõ những tiến trình đàng hoàng của mình. Những khách hàng từ Pakistan, Bangladesh hay thời trang cao cấp ở Trung Quốc cũng rất quan tâm và đang làm việc cùng chúng tôi”.

quote-8-web.jpg

5 năm tới, anh Đậu Văn Nam kỳ vọng Ecofa sẽ là một công ty sản xuất sợi vải từ lá dứa lớn nhất Việt Nam. Một trong những đích đến quan trọng là bình dân hóa vải sợi dứa trong 3 năm tới, kết hợp với những loại xơ khác để kéo giá thành giảm, giúp nhiều người tiếp cận được với loại vải xanh, tốt cho sức khoẻ.

Câu chuyện bền vững trong nông nghiệp vốn dĩ còn phải nói rất dài, khi mà Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về dệt may nhưng đến 90% nguyên liệu thô phải đi nhập khẩu. Founder Ecofa kỳ vọng doanh nghiệp, người nông dân hãy dần xem cánh đồng dứa Việt Nam là những cánh đồng bông, đừng quên đi mỗi năm, chúng ta có thể khai thác đến 30.000 tấn nguyên liệu. “Tôi cũng mong, nếu Nhà nước có một chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp làm thời trang bền vững thì chúng tôi đỡ mệt, đỡ khổ hơn” – anh chia sẻ.

>> Di sản vô giá của GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân cho nền nông nghiệp bền vững

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cau-chuyen-ky-dieu-tu-quan-bar-den-nha-may-bien-la-dua-bo-di-thanh-soi-vai-di-san-viet-nam-d136129.html
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện kỳ diệu từ quán bar đến nhà máy, biến lá dứa bỏ đi thành sợi vải di sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH