Chỉ phạt tiền người vi phạm nồng độ cồn, không tước bằng lái xe có đủ răn đe?

18-03-2024 11:41|N. Huyền

Không đồng tình với việc tước bằng lái xe với người vi phạm nồng độ cồn, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, phạt tiền là đủ răn đe.

Mới đây cử tri tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi quy định tước giấy phép lái xe (GPLX) với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. 

Theo đó, Nghị định 100/2019 quy định phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn ngoài việc phạt tiền còn bị tước GPLX. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng mức xử phạt để răn đe và không nên tước GPLX người vi phạm.

Có 2 luồng ý kiến khác nhau từ độc giả gửi đến VietNamNet. Bạn đọc Văn Lực viết: "Tước bằng lái xe hoàn toàn không thiệt hại cho người dân và xã hội, ngược lại là chỉ có lợi. Ở Bungaria, vi phạm lần thứ nhất phạt nặng, vi phạm lần 2 phạt rất nặng giữ bằng 2 năm và phải thi lại, vi phạm lần thứ 3 sẽ bị tước bằng vĩnh viễn".

Đồng tình với quan điểm này, một bạn đọc khác cũng cho rằng: "Tại sao đã uống rượu bia lại muốn lái xe, rồi không muốn giữ bằng lái? Đã uống thì có thể đi xe ôm về. Lỡ tai nạn xảy ra ai gánh cho những mất mát đây? Quan điểm cá nhân tôi, nên tước bằng vĩnh viễn hoặc cho đi học và thi lại. Thực tế hiện nay nhiều trường hợp thu bằng lái còn không sợ huống chi phạt tiền. Vì thế, cơ quan chức năng cần duy trì mức phạt như hiện nay". 

thổi nồng độ cồn .jpeg
Ý kiến trái chiều về quy định tước bằng lái với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh: Văn Huế 

Ở chiều ngược lại, anh Đoàn Hải Đồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, quy định hiện hành với người lái ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị  phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng là quá nặng.

Do đó, anh Đồng ủng hộ quan điểm phạt hành chính nặng mà không nên thu bằng lái. Bởi có thể vẫn xảy ra tình huống người bị tước bằng vẫn lái xe, nếu bị bắt họ sẽ nói không mang giấy tờ theo. 

Một bạn đọc khác cũng kiến nghị Bộ GTVT nên hủy bỏ việc tước GPLX hoặc nếu có tước thì cũng ở mức 2-3 tháng. Bởi, xe máy hay ô tô đều là phương tiện đi lại kiếm sống của người dân. 

“Tôi đã chứng kiến cảnh rất nhiều anh em công nhân cuối tuần vui nhậu bị lực lượng công an tước GPLX và thu giữ phương tiện đi lại. Họ rất khó khăn trong việc di chuyển để kiếm sống nuôi gia đình. 

Tôi thấy thiệt hại về kinh tế xã hội cũng rất lớn. Cụ thể ở đây là các doanh nghiệp rượu bia, các dịch vụ ăn nhậu như nhà hàng, quán sá bị trả mặt bằng, các nhà cung cấp cho nhà hàng, các dịch vụ giải trí sau ăn nhậu,... đang chết dần. Một lượng lớn người làm dịch vụ đang mất việc làm. Đây là thiệt hại đang hiện diện trước mắt”, bạn đọc viết. 

Không nên áp kiểu phạt vạ 

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP. HCM tán thành với đề xuất bỏ quy định tước bằng lái xe với người vi phạm nồng độ cồn. 

“Giữa việc rút bằng lái xe và tăng nặng mức phạt tiền thì nên áp dụng tăng phạt tiền. Tức là dùng biện pháp kinh tế để áp dụng thì hay hơn. Với những người lái xe chuyên nghiệp, GPLX là cần câu cơm của người ta. Nếu tước bằng lái của họ sẽ ảnh hưởng không chỉ với riêng tài xế mà sau đó là gia đình với 5 - 7 miệng ăn theo”, ông Tính nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP. HCM cũng nhấn mạnh mức phạt tiền hiện nay khá nặng (bằng 1- 2 tháng lương công chức, viên chức). Như vậy, cũng đã đảm bảo mức răn đe, giờ tước thêm bằng lái thì quá nặng. 

“Tôi được biết ở các nước, luật hình sự luôn hướng tới tiên tiến, tức là không lấy phạt tiền, hay rút giấy phép lái xe như nước ta làm chuẩn mà các hình phạt mang tính giáo dục, răn đe nhiều hơn phạt vạ”, ông Tính nói. 

Lý giải về quy định này, Bộ GTVT cho rằng, tước quyền sử dụng GPLX (tước bằng lái xe) là hình thức xử phạt bổ sung dành cho cá nhân điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng.

Khi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm được đánh giá có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển phương tiện cũng như an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông khác, cũng như vi phạm các quy định, yêu cầu đối với người sử dụng GPLX.

Bộ GTVT khẳng định, hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX đã được áp dụng thực hiện từ nhiều năm. Việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, trong đó có tăng nặng chế tài xử phạt kết hợp với hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để hạn chế tai nạn giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ năm tới, áp dụng hàng loạt điểm mới về tiêu chuẩn khám sức khỏe người lái xe: Bỏ xét nghiệm nồng độ cồn và thai sản, tăng thời hạn giấy khám lên đến 12 tháng

Xử lý các tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn mạo danh nhà báo, công an

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tuoc-bang-lai-xe-nguoi-vi-pham-nong-do-con-khong-nen-ap-kieu-phat-va-2260799.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ phạt tiền người vi phạm nồng độ cồn, không tước bằng lái xe có đủ răn đe?
    POWERED BY ONECMS & INTECH