Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng do giá gạo, học phí và giá dịch vụ y tế

29-11-2023 14:25|Nguyễn Lê

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 11 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.

Cơ quan thống kê quốc gia cho hay, do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22, tăng học phí theo Nghị định số 81 và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. 

So với tháng 12/2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.

Còn so với tháng trước, CPI tháng 11/2023 tăng 0,25%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm giá, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2023 tăng 3,45%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá.

gia tieu dung.jpg
11 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,22%. (Ảnh: Hoàng Hà)

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ tháng 7 theo xu hướng tăng trở lại cho đến tháng 10 xu hướng đổi chiều giảm nhưng chậm. 

Trong 11 tháng năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 11 tăng 3,45%. 

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 7,08% trong tháng 1/2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6/2023. Đến tháng 11, giá xăng dầu giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với bình quân 11 tháng năm 2022.

Các yếu tố làm tăng CPI trong 11 tháng qua, theo cơ quan thống kê quốc gia do chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 87,29% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,17%, trong đó, giá gạo tăng 5,76% theo giá gạo xuất khẩu.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,55%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,36%; chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.

Còn các yếu tố làm giảm CPI trong 11 tháng qua là do chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước 11 tháng giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,44 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 10,15%. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 7,5%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,76%.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%). 

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng qua giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá gas giảm 7,5% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN?

Truyền cảm hứng, củng cố lòng tin, lan tỏa tinh thần tích cực

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chi-so-gia-tieu-dung-thang-11-tang-do-gia-gao-hoc-phi-va-gia-dich-vu-y-te-2220611.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng do giá gạo, học phí và giá dịch vụ y tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH