May – Diêm Sài Gòn, chủ đầu tư Chợ Sắt (Hải Phòng) là người nhà của MSB. Công ty đã biến loạt dự án thành tài sản thế chấp để vay vốn tại MSB.
Thời gian này, chợ Sắt (Hải Phòng) được dư luận phía Bắc chú ý. Sau hàng trăm năm đóng vai trò là biểu tượng thành phố cảng, chợ Sắt sắp bị phá đi để nhường chỗ cho một dự án mới do Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư.
May – Diêm Sài Gòn có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản. Công ty này có mối quan hệ khăng khít với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) do ông Trần Anh Tuấn (người được biết đến với tên gọi Tuấn chợ) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Có lẽ vì mối quan hệ này, trong vài năm gần đây, MSB trở thành ngân hàng duy nhất cung cấp tín dụng cho May – Diêm Sài Gòn.
Biểu tượng thành phố cảng
Hải Phòng là một trong những thành phố năng động bậc nhất cả nước. Nhắc đến Hải Phòng, người ta nhớ ngay tới chợ Sắt. Chính vì vậy, suốt cả trăm năm qua, chợ Sắt được xem là biểu tượng thành phố cảng.
Được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, chợ Sắt trở thành một trong những nơi giao thương sầm uất bậc nhất ở thành phố cảng Hải Phòng trong suốt trăm năm qua. Sau khi bị cháy năm 1985, chợ Sắt được xây dựng lại vào năm 1992 với quy mô 6 tầng, tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD.
Tuy nhiên, từ năm 1995, vị thế của biểu tượng của chợ Sắt đã bị hao mòn nghiêm trọng khi người dân được tự do phát triển kinh tế. Người dân có thể buôn bán bất cứ đâu, mua bán bất cứ thứ gì. Vì vậy, các hộ kinh doanh đã “ra ngoài” tự phát triển. Kết quả là, số lượng hộ kinh doanh tại chợ Sắt giảm mạnh từ 5.000 xuống chỉ còn 1.000.
Số lượng hộ kinh doanh giảm mạnh, số lượng khách mua hàng cũng “lao dốc”, chợ Sắt rơi vào tình trạng ế ẩm. Gần như chỉ tầng 1 mới kinh doanh được. Tầng 2 hoặc để trống, hoặc được thuê để làm kho. Chợ Sắt rơi vào cảnh hoang tàn.
Chính vì vậy, chợ Sắt buộc phải rời đi để nhường chỗ cho một dự án khác hiện đại hơn, hợp thời hơn. Đó là dự án trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê dạng tổ hợp đa chức năng, có quy mô tầm cỡ khu vực. Với tổng mức đầu tư dự kiến 6.060 tỷ đồng, khi hoàn thành, dự án hứa hẹn sẽ là biểu tượng mới của thành phố Hải Phòng.
Dự án “biến hình” chợ Sắt do Công ty Cổ phần May-Diêm Sài Gòn đầu tư xây dựng, điều hành hoạt động quản lý các hộ kinh doanh tại đây.
Hiện tại, các hộ kinh doanh đã di dời khỏi chợ Sắt, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để chủ đầu tư khởi động cho một biểu tượng mới của thành phố hoa phượng đỏ.
Chủ đầu tư nợ chồng chất
Chủ đầu tư dự án Công ty Cổ phần May – Diêm Sài Gòn tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh) được thành lập từ những năm 20 đầu thế kỷ 20. Đến năm 1948, công ty được Nhà nước tiếp quản quốc hữu hóa và chuyển thành Nhà máy Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng Công ty Giấy- Gỗ - Diêm.
Tháng 7/2004, công ty hoàn thành cổ phần hóa, lấy tên là Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn với lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản. Công ty đặt trụ sở chính tại 346 Bến Vân Đồn, phường 1, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh.
Trong vài năm gần đây, May – Diêm Sài Gòn đã tăng quy mô vốn lên ngàn tỷ. Cụ thể, hồi cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu công ty mới chỉ là 731 tỷ đồng nhưng tới cuối năm 2020, sau nhiều lần tăng, vốn chủ sở hữu đã vọt lên 2.533 tỷ đồng.
Trong khi quy mô vốn tăng dần đều theo thời gian, May – Diêm Sài Gòn lại chứng kiến doanh thu và lợi nhuận có nhiều thăng trầm và có xu hướng đi xuống kể từ năm 2018.
Năm 2018, May – Diêm Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt đỉnh, lên tới 5.257 tỷ đồng, tăng phi mã so với con số 733 tỷ đồng của năm 2016. Tuy nhiên, sau đó, May – Diêm Sài Gòn liên tục “rơi tự do”, chỉ đạt 813 tỷ đồng (năm 2019).
Tương tự doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận cũng đầy thăng trầm. Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu này đạt 375 triệu đồng, 900 triệu đồng, 779 tỷ đồng, 98 tỷ đồng và 21,6 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh đầy thăng trầm không phải dấu ấn duy nhất của May – Diêm Sài Gòn. Điều công ty này gây chú ý chính là nợ nần chồng chất. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của công ty đạt 7.689 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 75,2% tổng nguồn vốn.
Loạt dự án làm tài sản thế chấp
Nợ phải trả tại May – Diêm Sài Gòn là rất lớn, trong đó nợ vay chiếm tỷ trọng không hề nhỏ. Để có thể vay ngân hàng, công ty đã đưa nhiều dự án tại nhiều tỉnh thành vào danh sách tài sản đảm bảo.
Đầu năm 2022, May – Diêm Sài Gòn vay vốn tại MSB. Tài sản bảo đảm là: Quyền khai thác, quản lý dự án Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn của Bên bảo đảm với tư cách là Chủ đầu tư.
MSB cũng cấp vốn cho May – Diêm Sài Gòn nhờ tài sản thế chấp: Quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác thuộc quyền sở hữu của Bên thế chấp. Đó là quyền yêu cầu Bên có nghĩa vụ thanh toán phải thanh toán các khoản tiền phát sinh từ Các Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng/đặt cọc các lô đất của Dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa được ký giữa bên thế chấp và Bên có nghĩa vụ thanh toán.
Trước đó, trong năm 2021, công ty đã đi vay vốn với tài sản đảm bảo là Quyền khai thác, quản lý của Bên bảo đảm là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Thị trấn An Châu 2, tại địa chỉ: Thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; Các khoản tiền, khoản lợi tức, khoản phải thu hiện tại và trong tương lai... phát sinh từ trong quá trình đầu tư, xây dựng,khai thác,kinh doanh, chuyển nhượng 35.835,51 m2 đất ở tại dự án Khu dân cư Núi Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Năm 2020, May – Diêm Sài Gòn đưa loạt tài sản sau thành tài sản đảm bảo. Đó là Các khoản tiền, khoản lợi tức, khoản phải thu hiện tại và trong tương lai... phát sinh từ trong quá trình đầu tư, xây dựng,khai thác,kinh doanh, chuyển nhượng 35.835,51 m2 đất ở tại dự án Khu dân cư Núi Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; Tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư dự án Khu dân cư mới (nằm trong khu hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) bao gồm nhưng không giới hạn các quyền khai thác, quyền cho thuê mượn, quyền quản lý, quyền hưởng lợi, các khoản phải thu hiện tại và trong tương lai phát sinh thuộc dự án Khu dân cư mới (nằm trong khu hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai); Các khoản tiền, khoản lợi tức, khoản phải thu hiện tại và trong tương lai... phát sinh từ trong quá trình đầu tư, xây dựng, khai thác,kinh doanh, chuyển nhượng 36.803 m2 đất tại Dự án Khu nhà ở, dịch vụ Thương mại thị trấn Đức Thọ, Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; Các khoản tiền, khoản lợi tức, khoản phải thu hiện tại và trong tương lai... phát sinh từ trong quá trình đầu tư, xây dựng,khai thác,kinh doanh, chuyển nhượng tối thiểu 89,036.53 m2 đất ở (không bao gồm diện tích bố trí tái định cư) tại dự án Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất từ dự án Khu đô thị mới phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng.
Trước đó, dự án “hot” của công ty là The GoldView cũng thường xuyên trở thành tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay.
“Người nhà” MSB
Có thể thấy, May – Diêm Sài Gòn đã dùng rất nhiều dự án làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, MSB là ngân hàng duy nhất cấp tín dụng cho May – Diêm Sài Gòn.
May – Diêm Sài Gòn không phải là những cái tên xa lạ của nhau. Thực tế, cả hai là “người nhà”. May – Diêm Sài Gòn đang là cổ đông lớn thứ ba tại MSB khi sở hữu 2,67% vốn ngân hàng. MSB gắn liền tên tuổi với đại gia Tuấn “chợ”. Đại gia Tuấn “chợ” lại là “linh hồn” của TNR.
Không chỉ là đối tác của MSB, May – Diêm Sài Gòn còn tương tác trực tiếp với TNR của ông Tuấn “chợ” qua hàng loạt dự án.
The GoldView được xây dựng ngay trên trụ sở công ty có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng May – Diêm Sài Gòn đã hợp tác với TNR Holdings – tư cách nhà quản lý, điều hành và phát triển Dự án.
Dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn thì TNG Holdings Việt Nam là nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt tháng 11/2018.