Doanh nghiệp

Chủ thương hiệu bánh phồng tôm hàng đầu Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Quang Dương 29/07/2024 - 09:44

Từ 200 tấn/năm vào những ngày đầu, sản lượng bánh phồng tôm của doanh nghiệp này đến nay đã vượt 9.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia.

Được thành lập từ năm 1960 bởi ông Lê Minh Triết, Sa Giang (mã chứng khoán: SGC) khởi đầu là một cơ sở sản xuất bánh phồng tôm với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn đã đến khi doanh nghiệp này trở thành thành viên của tập đoàn Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) vào năm 2021. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và quản lý hiện đại, Sa Giang đã hoàn toàn lột xác, trở thành một doanh nghiệp sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu Việt Nam.

Nhà máy bánh phồng tôm Sa Giang được hình thành và xây dựng vào năm 1960 và hoạt động liên tục cho đến ngày giải phóng Miền Nam năm 1975, với công suất 200 tấn/năm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu ngày càng tăng, năm 1999 công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất bánh phồng tôm có công suất 800 tấn/năm (nay là xí nghiệp bánh phồng tôm Sa Giang 2).

Tháng 6/2003, công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và tiếp tục đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất bánh phồng tôm có công suất 2.500 tấn/năm với vốn đầu tư là 17 tỷ đồng (nay là xí nghiệp bánh phồng tôm Sa Giang 1). Năm 2010, công ty đã nâng công suất xí nghiệp bánh phồng tôm Sa Giang 2 lên đến 4500 tấn/năm. Nhờ vào việc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tính đến thời điểm hiện tại sản lượng bánh phồng tôm của Sa Giang đã vượt 9.000 tấn/năm.

Bánh phồng tôm Sa Giang được làm từ tôm đặc sản của Đồng Tháp nổi tiếng về độ thơm ngon, chắc thịt, kết hợp với bột củ mì, bột gạo tạo món bánh trứ danh được bao thế hệ người tiêu dùng yêu thích.

Bánh phồng tôm Sa Giang ngày nay đã được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia, đã và đang khẳng định chất lượng, chinh phục được cả khách hàng ở nhiều thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật,… Hiện tại, bánh phồng tôm là sản phẩm chủ lực của Sa Giang, chiếm 80% tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu. Song song với đó, công ty cũng phát triển thêm các sản phẩm từ gạo như phở, hủ tiếu, bún, bánh tráng… chiếm hơn 15% doanh thu.

Đối với bánh phồng, Sa Giang đang sản xuất các loại như: Bánh phồng tôm, bánh phồng cua, bánh phồng mực, bánh chay…

Chủ thương hiệu bánh phồng tôm hàng đầu Việt Nam đang làm ăn ra sao?
Tình hình sản xuất kinh doanh của SGC (đơn vị: tỷ đồng)

Tình hình sản xuất kinh doanh, Sa Giang ghi nhận doanh thu xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với doanh thu nội địa trong 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy công ty đã và đang rất tập trung vào thị trường quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Từ năm 2019 đến năm 2023, doanh thu xuất khẩu liên tục tăng trưởng, đạt mức cao nhất vào năm 2023 với 296,4 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy Sa Giang đã thành công trong việc mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, biên lãi ròng của Sa Giang đã được cải thiện trong 2 năm gần đây, lần lượt ở mức 13,3% và 11,3% tăng so với con số trung bình khoảng 9% của các năm trước đó.

Đối với lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Sa Giang đạt 351 tỷ đồng, tăng 77% trong khi lãi sau thuế tăng gấp 4 lần lên 63 tỷ đồng.

Trước đó, ban lãnh đạo công ty đã dự báo về khả năng bứt phá kết quả kinh doanh trong năm nay khi đặt kế hoạch doanh thu cao kỷ lục ở mức 800 tỷ đồng (tăng 76% so với năm trước) và lãi ròng 80 tỷ đồng (tăng 56% so với năm trước). Chỉ sau nửa năm kinh doanh, công ty đã hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận.

>>Một công ty con của thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) vừa ghi nhận lãi ròng cao kỷ lục

Huyện sắp lên thị xã của Thanh Hóa đấu giá 33 lô đất, giá khởi điểm từ 2,7 triệu đồng/m2

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lào Cai đến năm 2050

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-thuong-hieu-banh-phong-tom-hang-dau-viet-nam-dang-lam-an-ra-sao-243489.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chủ thương hiệu bánh phồng tôm hàng đầu Việt Nam đang làm ăn ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH