Chuyên gia "Phố Tài chính": Xung đột Nga - Ukraine là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào châu Âu

08-03-2022 16:56|Ba Lỗ

Việt Nam là quốc gia nhập khẩu ròng đối với các sản phẩm từ dầu mỏ, hóa dầu. Giá dầu tăng lên 10% thì nền kinh tế sẽ phải tốn thêm khoảng 600 triệu USD; nếu con số đó là 20% chúng ta phải tốn 1,2 tỷ USD.

Số liệu mới công bố từ Tổng Cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2/2022 của cả nước tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,42% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, mặt hàng xăng dầu tăng 5,8% trong tháng 2 khiến CPI tăng 0,21 điểm.

Theo các chuyên gia, việc nhu cầu của người dân tăng cao sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới. Trong khi đó, những căng thẳng tại Ukraine cũng phần nào khiến nguồn cung bị đứt gãy khiến giá một số mặt hàng tăng cao trên thế giới từ đó tác động đến Việt Nam. Thị trường chứng khoán cũng bị tác động đáng kể bởi vấn đề này, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.

Theo giới chuyên môn, dù năm 2022, áp lực lạm phát sẽ nhiều hơn 2021 nhưng được dự báo sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức mục tiêu được đề ra của Quốc hội và Chính phủ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá những biến động bên ngoài sẽ chỉ tác động ngắn hạn đến thị trường chứng khoán. Trong dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật trong thời điểm nóng như hiện tại.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 vừa kết thúc, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng CTCK MBS cho biết, việc các quốc gia Châu Âu đang áp dụng những chính sách trừng phạt mạnh tay với Nga đang gây ra những quan ngại lớn, khiến giá nhiều loại hàng hóa tăng vọt trong đó giá dầu Brent đã tăng lên trên ngưỡng 110 USD/thùng gây ra lo ngại về áp lực lạm phát trong thời gian tới lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng từ đó tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính.

Về mặt trực tiếp, ông Tuấn đánh giá tác động trên sẽ không lớn tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên trên phương diện là một nền kinh tế mở, Việt Nam không tránh khỏi tác động liên quan đến áp lực lạm phát.

Ông Tuấn phân tích, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu ròng đối với các sản phẩm từ dầu mỏ, hóa dầu. Giá dầu tăng lên 10% thì nền kinh tế sẽ phải tốn thêm khoảng 600 triệu USD; nếu con số đó là 20% chúng ta phải tốn 1,2 tỷ USD. Do đó việc giá dầu tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng GDP Việt Nam.

Khía cạnh thứ hai là ảnh hưởng đến yếu tố lạm phát xăng dầu và cũng như các hàng hóa liên quan đến các dịch vụ giao thông vận tải là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất của rất nhiều ngành dịch vụ dù giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng trên 3% rổ CPI nếu như giá dầu tăng khoảng tầm 10% thì chỉ ảnh hưởng đến CPI khoảng 0,2%. Trường hợp giá dầu tăng 20 - 30% thì sẽ tác động CPI đáng kể, đặc biệt kinh tế Việt Nam mới trải qua giai đoạn dịch COVID19 và vẫn trong giai đoạn phục hồi.

Giới chuyên gia đánh giá, lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam vẫn dự kiến mức độ khoảng 3,5% đến 4%, tuy nhiên yếu tố về Nga và Ukraine hiện nay là yếu tố chưa lường trước được

Ông Tuấn cho rằng, CPI leo thang sẽ tác động không mấy tích cực. Nếu xung đột Nga – Ukraine không sớm giải quyết, giá dầu có thể vọt đỉnh 140 USD/thùng như trường hợp đã từng xảy ra vào năm 2008 và 2011; khi đó sẽ tác động lớn tới kinh tế Việt Nam.

Về mặt tích cực, ông Ngô Việt Đức, Trưởng Tài chính số, Ngân hàng Westpac, Australia cho rằng, việc đứt gãy nguồn cung như hiện nay cũng mở ra cơ hội với một số doanh nghiệp Việt Nam tìm cách mở rộng nguồn cung vào Châu Âu khi họ đang thiếu hụt mặt hàng ấy.

Bên cạnh đó, Nga cũng là một trong ba nước lớn về xuất khẩu dầu và họ cũng là một trong những nhà xuất khẩu lớn về quặng micron, có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất smartphone, xe cộ và các sản phẩm cần kim loại khác. Khi các nguồn cung bị đứt gãy thì các thị trường xung quanh có thể sẽ được hưởng lợi và tìm được thị trường mới cho mình.

Cơ hội nào với thị trường chứng khoán?

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường, ông Tuấn khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân vào một số các doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu, ngành sắt thép và ngành phân bón là hai ngành đã được hưởng lợi (những doanh nghiệp hàng hóa cơ bản, những sản phẩm có sự tăng giá trong thời gian tới).

Đối với nhóm đầu tư dài hạn, nên tập trung vào các doanh nghiệp có sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận sau dịch bệnh; các doanh nghiệp có tầm nhìn và có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng dài hạn trong những năm tới.

Ngoại trưởng Mỹ trổ tài chơi guitar rock ở quán bar tại Kiev, cổ vũ tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine

Chân dung chuyên gia kinh tế được Tổng thống Putin chọn làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga

Ukraine bất ngờ giành chiến thắng quan trọng trước Nga và Trung Quốc, nắm lấy 'kho báu' khổng lồ ở Trung Đông

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-pho-tai-chinh-xung-dot-nga-ukraine-la-co-hoi-de-doanh-nghiep-viet-tien-sau-vao-chau-au-117751.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuyên gia "Phố Tài chính": Xung đột Nga - Ukraine là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào châu Âu
POWERED BY ONECMS & INTECH