Doanh nghiệp

Chuyện khởi nghiệp của nhà sản xuất bo mạch điều khiển thang máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam

Yên Hoàng 15/02/2024 - 15:58

Doanh nghiệp hơn 20 năm tuổi miệt mài tìm giải pháp cho lĩnh vực thang máy cuối cùng cũng đã nhận được sự công nhận của cộng đồng, khách hàng, xã hội.

cover-pc(1).png
sapo-pc.png
tit-1.png
thong-ke(1).png

Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thang máy.

Nhưng, cho đến khoảng dăm năm về trước, nhắc đến thang máy, hầu như mọi người chỉ biết đến những thương hiệu thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi....

Xu hướng xây dựng shophouse, biệt thự sang trọng đang ngày một nhiều từ khoảng 10 năm trở lại đây theo nhu cầu khổng lồ về các sản phẩm thang máy gia đình. Không còn là những chiếc thang đơn giản, hiện nay nhu cầu về thang máy gia đình cao cấp với thiết kế sang trọng, công nghệ hiện đại đang là xu thế chung. Một trong những nguyên nhân khiến thang máy gia đình công nghệ cao đang được ưa chuộng đến từ nhu cầu đầu tiên là sự an toàn. Phân khúc thang máy cao cấp đang nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường. Ngoài ra, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng thang máy cũng đang nhận được sự quan tâm lớn.

Nhu cầu lớn nổ ra kéo theo sự nhập cuộc của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thang máy. Với dân số 100 triệu người, trong đó có 40% dân số sống ở thành thị, hiện Việt Nam có khoảng 400.000 thang máy và nhu cầu lắp mới trên 10.000 thang máy/năm. Riêng trong năm 2022 là đoạn cuối của chu kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản, tại Việt Nam có khoảng 24.600 cây thang máy được lắp đặt.

Các con số cả từ quá khứ đến hiện tại lẫn phân tích tương lai cho thấy thị trường thang máy là "miếng bánh" béo bở, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà ngay chính doanh nghiệp Việt cũng muốn chiếm lĩnh.

Số doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động thương mại các dòng thang máy gia đình cao cấp không quá nhiều, nổi bật như Intec Việt Nam, Gama Lift, hay các công ty tham gia vào hoạt động sản xuất linh kiện thang máy, lắp ráp trong nước như Nam Phương, Thiên Nam, Hisa, Fuji Alpha,…

thi-truong-thang-may.png

“Thị trường thang máy Việt trở nên nóng bỏng chưa từng có, mỗi doanh nghiệp thuộc ngành đang như những viên than nhỏ trong lò than lớn. Cũng vì ai cũng ở vai viên than nhỏ, nỗi khổ của doanh nghiệp và người tiêu dùng là tìm ra những khác biệt trong cách đi và trong sản phẩm”, ông Bùi Ngọc Phương - CEO của Nam Phương chia sẻ với chúng tôi trong ngày chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất ra những chiếc thang máy vừa được nhận giải thưởng sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ lực do Hà Nội trao tặng.

tit-2.png

Năm 2018, anh Bùi Ngọc Phương nghỉ việc tại một Tập đoàn lớn của Việt Nam. Anh đã quyết định đến thành phố phồn hoa mang tên Bác - TP.HCM - làm nơi khởi nghiệp. Cơ duyên gặp gỡ khiến anh dành 3 tháng đầu tiên sau khi rời bỏ công việc ổn định để dấn thân khởi nghiệp là nỗ lực đưa một doanh nghiệp ngành nhôm kính của một người bạn thoát khỏi cảnh ‘nợ nần’ và tiến đến con đường phục hồi. Cùng với hành động đó, anh tưởng sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp startup của người bạn, nhưng rồi, thỏa thuận không thành.

Trong khoảng thời gian lênh đênh giữa các con đường, chưa tìm được định hướng mình sẽ làm gì khi đã “trót” từ chức Trưởng Phòng Kế hoạch tại Viettel, anh Phương vẫn mang trong mình một khát khao mãnh liệt về ngành sản xuất. Câu danh ngôn "Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó" đi theo anh Phương suốt chặng đường dài lênh đênh. Cuối cùng, việc "vỡ" deal với doanh nghiệp nhôm kính của bạn lại đưa anh đến với lĩnh vực hoàn toàn mới: Sản xuất tủ điện.

Năm 2019, một người bạn thân thiết của anh giới thiệu về một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất tủ điện làm ăn tốt, đang có ý định sang nhượng do không có người nối nghiệp. Với Bùi Ngọc Phương, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, không phải chuyên ngành anh đã được học hay đã từng làm. Tuy nhiên, anh tự tin rằng Công ty TNHH Thương mại Xây Lắp điện Nam Phương được thành lập từ năm 1993 đủ lực để mở ra mảng sản xuất không quá phức tạp này. Công việc của Nam Phương được xem như “thuận buồm xuôi gió” sau đó.

Bước ngoặt thực sự xảy ra với Nam Phương vào lần gặp gỡ người bạn chuyên sản xuất hàng nghìn thang máy mỗi năm. Khi anh Phương mời chào sử dụng sản phẩm tủ điện của Nam Phương thì bạn anh vui vui “thách” đố: “Anh mà làm được bảng điện thang máy thì anh về làm đi, em mua luôn. Mỗi năm em sẽ mua của anh 500 cái”.

tit-3.png

“Mỗi năm em sẽ mua của anh 500 cái”- câu nói đó khiến ông chủ xưởng sản xuất tủ điện mất ngủ nhiều đêm. Là người làm nghề, con số 500 cái tủ điện mỗi năm hấp dẫn một nhưng sự thôi thúc phải chinh phục một thị trường mới khiến anh quyết định dành nhiệt tâm.

Anh bắt tay vào làm ngay. Nhưng, làm mới thấy “không thể”. Làm, anh Phương mới hiểu vì sao thị trường thang máy rối ren đến thế!

Cái máu “hơn thua” đánh nhau kịch liệt với từ “không thể” khiến anh đi đến một hành động “cuồng” khác: Anh mua bảng điều khiển thang máy của các thương hiệu ngoại đã thành công vang dội tại nhiều quốc gia, quyết tâm bóc cho ra 2 chữ “không thể” đến từ đâu.

Bo mạch điều khiển - một thiết bị tại Việt Nam chưa doanh nghiệp nào làm được chính là câu trả lời cho Bùi Ngọc Phương.

bo-mach-dien.png

Tìm được nút thắt, vị CEO lại đứng trước bài toán mới: Nam Phương sẽ đi tiếp như thế nào? Có 3 lựa chọn cho Nam Phương lúc đó:

Thứ nhất, Nam Phương từ bỏ “tủ điện thang máy với khách sộp sẵn có nhu cầu 500 cái mỗi năm”, trở về với tủ điện thông thường.

Thứ hai, R&D cho ra bằng được chiếc bo mạch điều khiển thang máy và quyết tâm bước vào mảnh ghép mới rộng lớn này.

Thứ ba, đó là lựa chọn dẫn dắt anh đến thành công của thời điểm hiện tại.

“Khi ở ngã ba đường, tôi nhớ rất rõ câu hỏi một người bạn từng hỏi tôi mấy năm trước rằng những chiếc tủ điện của tôi có gì khác biệt các sản phẩm khác trên thị trường? Lợi thế cạnh tranh của Nam Phương là gì?”- anh Bùi Ngọc Phương nhớ lại. Nếu Nam Phương không quyết tâm làm nên điều khác biệt, ai cũng có thể sản xuất những chiếc tủ điện như Nam Phương. Lúc đó, Nam Phương sẽ chẳng là gì!

Và vì thế, Bùi Ngọc Phương mạnh dạn đóng lựa chọn thứ nhất.

Anh từng suy nghĩ rất lâu về việc R&D chiếc bo mạch điều khiển - việc này ngốn cả tiền lẫn thời gian. Sẽ chẳng dễ dàng gì để R&D ra một sản phẩm cần nhiều thứ hơn rất nhiều những thứ anh đang có. Và, kể cả R&D thành công, Nam Phương cũng cần rất nhiều năm nữa mới làm được điều mà thế giới đã làm được.

Bùi Ngọc Phương nghĩ về lựa chọn số 3. Là người từng đi rất nhiều quốc gia, tham dự rất nhiều hội chợ ngành sản xuất cơ khí, anh Bùi Ngọc Phương đi đến lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp ngoại.

Chia sẻ những khó khăn và thách thức mà mình đang đối mặt trong kinh doanh, Bùi Ngọc Phương tìm đến một người bạn lâu năm với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Đức. Cuộc gặp gỡ này không chỉ là dịp để tâm sự, mà còn mở ra một cánh cửa mới cho những cơ hội tương lai. Người bạn của anh, qua những câu chuyện và kinh nghiệm được chia sẻ, đã nêu bật những điểm yếu và sai lầm mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải khi hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Một trong những câu chuyện được kể lại là về sự hợp tác không thành công giữa một doanh nghiệp Đức chuyên nghiên cứu bộ điều khiển thang máy và một doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2017. Đối tác Đức đã thể hiện sự nhiệt tình bằng cách đến Việt Nam nhiều lần, thậm chí lắp đặt thử nghiệm sản phẩm của mình tại sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, vì lý do nào đó không rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng liên lạc, khiến đối tác Đức cảm thấy hoàn toàn thất vọng và buộc phải từ bỏ thị trường Việt Nam.

Người bạn này nhận thấy sự nhiệt huyết và cam kết của Bùi Ngọc Phương đối với việc cung cấp giải pháp tủ điện cho thang máy, đã quyết định giúp đỡ bằng cách kết nối lại với doanh nghiệp Đức. Điều này không chỉ mở ra một cơ hội mới cho Nam Phương để tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở rộng kinh doanh, mà còn là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững và thành công giữa hai bên.

“Chúng tôi đã mạnh dạn tiến tới chuyển giao công nghệ từ Đức, mang đến giải pháp thay thế hợp lý hơn cho thị trường. Theo đó, với sự chuyển giao công nghệ từ hãng INTEC (Đức), Nam Phương đã có thể phân phối đến người tiêu dùng các sản phẩm tủ điện với bộ bo mạch điều khiển chính hãng INTEC. Điều quan trọng là, cách làm của Nam Phương giúp người tiêu dùng có được sản phẩm tụ điện điều khiển thang máy xịn xò với chi phí chỉ bằng 1/4 so với các sản phẩm từ các thương hiệu thang máy khác” - anh Bùi Ngọc Phương vui mừng chia sẻ.

asset-2.png

Chỉ chi tiết vào chiếc thang máy mang hơi thở công nghệ Đức đang được công nhân lắp đặt ngay tại xưởng, anh Bùi Ngọc Phương tự hào khẳng định: “Sản phẩm của chúng tôi không chỉ có giá cả cạnh tranh mà còn tích hợp công nghệ hiện đại, giúp thang máy vận hành mượt mà, an toàn, đồng thời giảm thiểu thời gian chờ đợi linh kiện”.

tsit-4.png

Thang máy INTEC hoạt động chính xác tuyệt đối tới từng milimet (cứ 1mm có 1 điểm cảm biến) nên định vị cabin mọi lúc, mọi nơi. Sử dụng công nghệ hàng đầu định vị tuyệt đối giúp thang máy vận hành êm ái, an toàn, khách hàng không bị sốc tốc độ hoặc dừng quá đột ngột. Ngoài ra, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài như thời tiết, côn trùng… Quá trình sản xuất tủ điện thang máy, bộ điều khiển thang máy được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng chi phí chỉ bằng 1/4 so với tủ điện của các hãng lớn khác trên thị trường và dễ dàng thay thế cho nhiều loại thang máy khác nhau.

Bộ điều khiển thang máy INTEC có thiết bị và hệ thống phần mềm bảo trì từ xa 24/7. Người quản lý có thể đọc được tất cả các loại thông tin, số lần đi, thông tin lỗi, nguyên nhân lỗi và các hướng dẫn xử lý lỗi … từ xa mà không cần đến tận nơi.

Đó là một phần trong những ưu điểm giúp Nam Phương nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu. Năm 2023, nền kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức và đặc biệt, nốt lặng trên thị trường bất động sản khiến các doanh nghiệp thang máy gặp không ít khó khăn nhưng Nam Phương vẫn “trụ” được nhờ những container thang máy xuất khẩu sang Singapore!

tit-5.png

Xuất khẩu tốt như thế, hẳn Nam Phương đang rất ổn? Công ty có kế hoạch mở rộng năm 2024?

Nam Phương đang trụ được nhưng không thể tự tin dùng từ ổn! Chúng tôi chưa ổn và chưa thể tính chuyện mở rộng do cả chủ quan lẫn khách quan.

Về khách quan, hiện nay người Việt Nam vẫn còn sính hai chữ “chính hãng” và các hãng thang máy như Mitsubishi, Hitachi, Otis, … không chấp nhận bảo trì, bảo dưỡng nếu thang máy thay vật liệu bên ngoài. Định kiến “phải thay hàng chính hãng tạo điều kiện cho các hãng thang máyđã chiếmlĩnh thị trường trong nước “hét” giá vật liệu thay thế rất cao nhưng những doanh nghiệp như Nam Phương lại không chinh phục được khách hàng nội dù đã được khách hàng ở những quốc gia tiên tiến “đóng dấu bảo chứng chất lượng sản phẩm”.

3952698.png

Một nỗi khổ khác nữa là cạnh tranh của thang máy Trung Quốc. Nếu như mô tả việc Nam Phương đối mặt với các thương hiệu nổi danh toàn cầu bằng từ “nỗ lực xoá bỏ định kiến” thì với thang máy Trung Quốc là “nỗ lực gỡ bỏ rào cản giá”. Thang máy INTEC do Nam Phương lắp đặt được sử dụng chiếc bo mạch "chuẩn Tây" (của Đức) nên đương nhiên, chi phí cao hơn nhiều so với các hãng thang máy Trung Quốc. Vì thế, hành trình để Nam Phương giải thích sự khác biệt về giá cho cộng đồng dân cư là rất khó bởi ít người hiểu biết những khác biệt, họ chỉ đánh vào giá cả thay vì công nghệ hay chất lượng.

Tôi rất tự tin với công nghệ vượt trội của thang máy INTEC Việt Nam và mơ ước sớm tiếp cận được với các Ban Quản trị chung cư trong nước, thay đổi định kiến của họ cũng như cư dân về những chiếc thang máy với hệ điều hành mở.

Lần xuất hiện đầu tiên trên truyền thông này, tôi cũng mong những người dân đang muốn đặt thang máy cho căn shophouse, biệt thự hay nhà riêng của mình hay quan tâm suy xét thật kỹ. Chính sự suy xét kỹ lưỡng của khách hàng sẽ giúp Nam Phương vượt khó!

Theo Thống kê của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, năm 2022, tại Việt Nam có khoảng 24.600 cây thang máy được lắp đặt, trong đó, khối lượng thang máy dùng cho nhà thấp tầng (từ 10 tầng trở xuống) khoảng 14.600 cây (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thang máy). Với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam, giới chuyên gia từng nhận định tốc độ tăng trưởng của thị trường thang máy tại Việt Nam rơi vào khoảng 17–18%. Tuy nhiên, do thời gian vừa qua, ảnh hưởng của Covid-19 và tình hình kinh tế nên tốc độ tăng trưởng sản lượng thang máy ở Việt Nam mới chỉ tăng ở mức trên 8%/năm. Mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng ban đầu của thị trường cũng là cái khó cho Nam Phương là startup vừa trải qua chu kỳ đầu tư khá lớn.

Trên hành trình phát triển Nam Phương thành công như ngày nay, Bùi Ngọc Phương không ngần ngại thừa nhận rằng bản thân ông có phần "máu hơn thua". Chính tinh thần này đã thúc đẩy ông đưa ra quyết định mở rộng công ty một cách vội vã. Tuy nhiên, quyết định vội vàng ấy đã khiến ông và Nam Phương phải đối mặt với những hậu quả nặng nề, điển hình là việc phải dỡ bỏ một nhà xưởng của công ty để chuyển vào khu công nghiệp có hạ tầng đầy đủ hơn. Sự chuyển đổi này không chỉ tiêu tốn một lượng lớn vốn của công ty mà còn khiến Nam Phương gặp khó khăn về tài chính.

Nhận ra từ những sai lầm trước đây, Bùi Ngọc Phương hiểu rằng để mở rộng kinh doanh trong giai đoạn 2024-2025, Nam Phương cần phải tìm kiếm sự đồng hành từ những nhà đầu tư khác. Sự cộng tác này không chỉ là bước đi quan trọng giúp Nam Phương vượt qua khó khăn về tài chính, mà còn mở ra cơ hội phát triển, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bài học từ quá khứ đóng vai trò là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc Nam Phương không chỉ cần tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất mà còn cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và tối ưu hóa quy trình quản lý. Sự tham gia của nhà đầu tư mới sẽ không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ, giúp Nam Phương thực hiện bước nhảy vọt trong thời gian tới.

Hiện, Nam Phương đang có đầu mối xuất khẩu và điều quan trọng hơn, việc di chuyển nhà máy vào khu công nghiệp giúp công ty nhanh chóng định hình được sản xuất theo chuẩn xanh mà nhiều quốc gia đang đòi hỏi.

Liên quan đến xanh, Nam Phương cũng từng nhận một lời thách đố khác. Một đối tác từng đề nghị Nam Phương lắp hệ thống pin mặt trời cho một trang trại, công ty đã mạnh dạn thử nghiệm, đạt được thành công đáng kể. Khi định hình đường lối sản xuất theo chuẩn xanh, Nam Phương nhận thấy cơ duyên từ lắp đặt pin mặt trời cho đối tác đã mở ra mảnh ghép mới có thể là pin mặt trời và từ đó hài hoà xu hướng xanh mà công ty theo đuổi. Không chỉ xanh, Nam Phương có niềm tin rằng tương lai thuộc về những người am hiểu công nghệ, chính vì thế, số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những điểm lớn mà Nam Phương theo đuổi. Tháng 10/2023, Nam Phương vinh dự nhận giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam.

asset-1.png

Để “nuôi” mảng kinh doanh cốt lõi thang máy và cũng là để phục vụ chuẩn xanh dài hạn, Nam Phương hiện còn “nhen nhóm” sang cả những sản phẩm từ nhựa nguyên sinh. Hiện công ty đang có sản phẩm bình rót rượu/nước cảm biển, mang về nguồn thu tạm đủ cho doanh nghiệp. Tuy vậy, muốn đi nhanh, Nam Phương vẫn cần bạn đồng hành.

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nghe-lanh-dao-5-nam-truoc-co-thu-nhap-binh-quan-126-trieuthang-bat-ngo-voi-con-so-hien-tai-191118.html
Đừng bỏ lỡ
Chuyện khởi nghiệp của nhà sản xuất bo mạch điều khiển thang máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH