Huy động nhân công, láng giềng Việt Nam xây dựng thang máy ngoài trời cao nhất thế giới với vốn đầu tư hơn 670 tỷ đồng
Được đưa vào hoạt động hồi năm 2002, Bách Long giúp rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh núi từ vài giờ đồng hồ xuống còn chưa đầy hai phút.
Cao 326m và bám chặt vào vách đá thẳng đứng trong vườn Quốc gia Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, thang máy Bách Long hiện giữ kỷ lục Guinness là thang máy ngoài trời cao nhất thế giới. Công trình khổng lồ này luôn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và mang đến trải nghiệm khó quên.

Theo Interesting Engineering, hệ thống thang máy có ba cabin vận hành song song, mỗi chiếc chở tối đa 50 người, với tốc độ khoảng 3m/giây, giúp vận chuyển lên đến 4.000 người mỗi giờ. Toàn bộ hành trình lên đỉnh mất khoảng 90 giây, với 172m lộ thiên được cấu thành từ kết cấu thép lồng kính, cho phép hành khách chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp kỳ vĩ của các cột đá karst đặc trưng.
Được đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2002 sau 3 năm xây dựng, thang máy giúp rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh núi từ vài giờ đồng hồ xuống còn chưa đầy hai phút. Với tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục, Bách Long nhanh chóng trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá Trương Gia Giới.

Thậm chí, nhà leo núi người Pháp Jean-Michel Casanova từng thử thách bản thân bằng cách leo bộ theo trục thang vào năm 2013 – minh chứng cho sức hấp dẫn lạ thường của công trình này.
Năm 2015, Guinness World Records đã chính thức vinh danh Bách Long là thang máy ngoài trời cao nhất thế giới. Ông Rowan Simons – Chủ tịch Guinness khu vực Trung Quốc – nhận định: “Đây là công trình ấn tượng cả về kỹ thuật lẫn tính bền vững môi trường”.
Được biết, thiết kế và công nghệ của thang máy do công ty Rangger của Đức thực hiện, với hệ thống cảm biến địa chấn giúp phản ứng nhanh trong trường hợp có rủi ro thiên tai. Theo CNN, tổng chi phí để xây dựng thang máy Bách Long vào khoảng 26 triệu USD (hơn 675 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại). Trong quá trình thi công, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã gặp không ít khó khăn do công trình nằm trên địa hình núi đá hiểm trở.