Chuyển động thị trường

VN-Index rơi 14 điểm, một cổ phiếu ngân hàng thủng đáy 4 năm

Ánh Nguyệt 14/11/2024 15:26

Áp lực bán dâng cao từ nhóm bluechips khiến thị trường mất đi trụ đỡ và lao dốc về gần 1.230 điểm. Sắc đỏ bao trùm bảng điện khi số lượng cổ phiếu giảm điểm áp đảo, gấp đôi so với mã tăng giá.

14h45: Lực bán dâng cao sau 14h đẩy chỉ số rơi về mức 1.231 (giảm hơn 14 điểm). Thị trường chìm sắc đỏ với 468 mã giảm lấn át 232 mã tăng. Thanh khoản đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương hơn 682 triệu cổ phiếu giao dịch.

Nhóm VN30 là nhân tố tác động tiêu cực đến thị trường khi có tới 23 mã giảm giá, đáng chú ý là SSI (-2,9%), STB (-2,7%), TPB (-2,5%), VPB (-1,8%), HPG (-2,8%)...

Xét về nhóm ngành, hầu hết cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép chìm trong sắc đỏ. Trong đó, NVB giảm 2,3% về 8.500 đồng/cp và thủng đáy 4 năm. Ngược lại, nhóm vận tải, tiêu dùng vẫn ghi nhận mức tăng khả quan dù có phần hụt hơi trước áp lực từ thị trường, nổi bật là VSC (+4,3%), HAH (+4,1%), HAG (+4%), GMD (+1,2%)...

Khối ngoại tiếp tục động thái bán ròng với giá trị 737 tỷ đồng, dẫn đầu danh sách là FPT (200 tỷ đồng), VPB (99 tỷ đồng), MSB (83 tỷ đồng). Ngược lại, nhóm này mạnh tay giải ngân vào MCH với giá trị 246 tỷ đồng.

14h25: Lực bán mạnh diễn ra kéo VN-Index về sát mốc 1.230 điểm. Nhóm VN30 lúc này thậm chí giảm gần 20 điểm.

sap-b.png

13h45: Áp lực bán vẫn còn hiện hữu, VN-Index giảm hơn 5 điểm về mức 1.240. Nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ như VPB (-2%), STB (-1,8%), HPG (-1,1%), TCB (-1%), SSI (-1%)... Trong khi đó, bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup vẫn thu hẹp đà tăng trước đà điều chỉnh của thị trường.

Ngược lại, nhóm vận tải tiếp tục tăng mạnh, nổi bật là HAH tăng trần, HVN (+3,8%), VSC (+2,3%), VOS (+1,5%)... HAG bật tăng 3,8% lên 11.650 đồng/cp.

11h30: Phiên giao dịch sáng ghi nhận hàng chục triệu cổ phiếu MSB và LPB được sang tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng. Trong đó, hơn 6,4 triệu cổ phiếu LPB được trao tay tại giá 33.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 268 tỷ đồng. Đáng chú ý, gần 25 triệu cổ phiếu MSB được giao dịch thỏa thuận ở mức 12.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng hơn 305 tỷ đồng.

do-gia.png

Trái ngược với giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh trên thị trường thấp hơn đáng kể. MSB ghi nhận 1,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, giảm 0,9% về mức 11.600 đồng/cổ phiếu. Tương tự, LPB giảm 0,6% còn 31.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 4,2% so với giá giao dịch thỏa thuận, với khối lượng khớp lệnh chỉ 220.000 đơn vị. Xu hướng giảm khối lượng khớp lệnh của LPB kéo dài suốt ba tháng qua.

Thị trường chứng khoán chung trong phiên sáng chìm trong sắc đỏ, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nhóm công nghệ thông tin và dầu khí cũng ghi nhận áp lực bán, trong khi dòng bất động sản và các nhóm sản xuất, vận tải có diễn biến phân hóa.

VN-Index chịu áp lực từ lực bán diện rộng dù một số mã lớn như VHM, VIC, GAS và VRE có nỗ lực kéo chỉ số. Tuy nhiên, lực kéo này không đủ để giữ thị trường trong sắc xanh. Bước vào giờ nghỉ, VN-Index giảm 3,3 điểm về mức 1.242,7 điểm. Nhóm VN30 thậm chí giảm gần 6 điểm với 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng nhẹ. Thanh khoản trên ba sàn đạt hơn 6.000 tỷ đồng.

10h45: VN-Index tiếp tục giằng co quanh biên độ 1.242 - 1.247 điểm. Nhóm VN30 tiếp tục gây sức ép khi có 20 mã giảm giá, tập trung vào nhóm ngân hàng như VPB, TCB, ACB, STB. Ngược lại, bộ ba cổ phiếu ‘họ’ Vingroup có mức tăng trên 1% giúp thu hẹp đà giảm chỉ số. Ngoài ra, cổ phiếu nhóm dệt may, thủy sản hụt hơi so với đầu phiên sáng.

9h30: VN-Index giảm hơn 2 điểm về mức 1.243. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục gây sức ép lên chỉ số với áp lực điều chỉnh, đáng chú ý là VPB (-1,3%), MSB (-0,9%), TCB (-0,6%), ACB (-0,6%), EIB (-0,5%). Ngược lại, FPT bật tăng hơn 1% sau những tham vọng đầu tư vào 100 triệu USD vào thị trường Nhật Bản và Việt Nam.

Các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may, hóa chất có mức tăng tích cực, nổi bật là VHC (+1,9%), ANV (+1,1%), MSH (+2,7%), VGT (+2,1%), DGC (+0,8%)...

Nhiều cổ phiếu bất động sản bật tăng tốt như DXS, VRE, VIC, VHM… trong khi các mã liên quan đến khu công nghiệp như KBC, IDC tiếp tục điều chỉnh.

Ở diễn biến liên quan, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư (ngày 13/11) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tại Mỹ tăng 0,2% theo tháng và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cả 2 con số đều khớp với dự báo của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát.

CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) ghi nhận mức tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,3% so với tháng 10/2023, đều đúng với dự báo.

Các số liệu này cho thấy lạm phát vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 2% của Fed và có thể làm phức tạp thêm chính sách tiền tệ trong tương lai, đặc biệt là khi chính quyền ông Donald Trump sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau. Các kế hoạch tăng thuế quan và chi tiêu Chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng và khiến lạm phát gia tăng.

>> FPT sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam và Nhật Bản trong 2 năm tới

FPT ra mắt nhà máy AI tại Nhật Bản, đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD

Bài toán nhân sự, thách thức lớn nhất của FPT trong nhiệm kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-kim-chan-vn-index-nhom-thuy-san-det-may-nguoc-dong-tang-manh-260007.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VN-Index rơi 14 điểm, một cổ phiếu ngân hàng thủng đáy 4 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH