Cổ phiếu ngành dược được đánh giá là một trong những nhóm không bị "hoang mang" trước những biến động của thị trường.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp ngành dược là kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ (kênh ETC) đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh do tâm lý lo ngại lây nhiễm dịch bệnh khiến người dân không đến bệnh viện.
Quy trình thăm khám tại bệnh viện cũng nghiêm ngặt hơn trong mùa dịch và việc hạn chế số lượng bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ đã ảnh hưởng nhiều đến lượng người tới khám và mua thuốc.
Nhiều năm trước, kênh ETC vốn là động lực tăng trưởng chính của ngành dược, nhưng trong năm 2020 chỉ đạt 5%, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 10% của năm 2019. Sự hồi phục của kênh này không được đánh giá cao trong năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước, và điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành dược vẫn ghi nhận điểm sáng là nhận được sự quan tâm lớn từ khối ngoại. Bằng chứng là trong thời gian qua đã diễn ra hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của các tập đoàn dược phẩm quốc tế với doanh nghiệp trong nước, cùng với đó là hoạt động “gom hàng” của khối ngoại tại một số mã cổ phiếu.
Điển hình như hồi đầu tháng 6, CTCP Pymepharco (mã: PME) đã có thông báo về việc Stada Service Holding B.V (Đức) chào mua công khai gần 356.000 cổ phiếu, tương đương 0,47% vốn.
Tính đến 26/3/2021, nếu cộng cả tổ chức có liên quan, nhóm cổ đông Stada Service Holding đang nắm tới 99,53% vốn tại PME. Nếu giao dịch này thành công, Pymepharco sẽ chính thức hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy niêm yết trên HoSE, hoàn toàn thuộc về tay tập đoàn đến từ Đức với tỷ lệ sở hữu 100% vốn.
Hay như CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) cũng đã có báo cáo về giao dịch của quỹ ngoại thuộc SK Group là SK Investment Vina III nhận chuyển nhượng gần 3,5 triệu cổ phần, từ đó trở thành cổ đông lớn nhất tại Imexpharm với tỷ lệ sở hữu 29,22% cổ phần.
Bên chuyển nhượng là 2 quỹ thành viên thuộc quản lý của VinaCapital. Hiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Imexpharm đã đạt ngưỡng 49%.
Ngoài Pymepharco và Imexpharm, nhiều doanh nghiệp ngành dược khác cũng có sở hữu khối ngoại trên 49% như Dược Hậu Giang (mã: DHG), Domesco (mã: DMC)…