Từ vùng giá đỉnh 115.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2021, thị giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công đã liên tục lao dốc xuống mức 64.xxx đồng ở thời điểm hiện tại (giảm 44%) - tương ứng mức vốn hóa thị trường bay hơi hơn 3.600 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2021 với doanh thu tháng 8 đạt hơn 10 triệu USD (tương ứng 239 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận lại âm hơn 282.000 USD (6,4 tỷ đồng).
Trước đó, Dệt may Thành Công đều có lãi sau thuế trên 600.000 USD, cao nhất là tháng đầu năm xấp xỉ 1,1 triệu USD.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tháng 8/2021 của Dệt may Thành Công so với cùng kỳ
Luỹ kế 8 tháng, công ty có doanh thu 106 triệu USD (tăng 6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD; lần lượt hoàn thành 59% và 44% kế hoạch cả năm.
Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.218 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng.
Hiện Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng đến quý I/2022. Do tình hình dịch bệnh, dù tiếp tục tổ chức làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” nhưng ban lãnh đạo công ty cho biết, họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.
Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 đang được thực hiện gấp rút để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất những đơn hàng của năm sau.
Ba nhóm công việc chính được thực hiện trong năm nay là cải tiến tốc độ sản xuất và tìm khách hàng mới ở thị trường châu Âu, các nước tham gia Hiệp định CPTPP; phát triển các mặt hàng sợi và vải mới; xây dựng thêm nhà máy may tại Vĩnh Long.
Đánh giá xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng tăng, TCM đang đẩy mạnh bán hàng trên kênh này.
Ban lãnh đạo cho biết đã làm việc với Amazon từ giữa năm ngoái với doanh số kênh chưa đóng góp nhiều nhưng phản hồi lại rất tích cực.
Giữa tháng 4/2021, Công ty TNHH TC Commerce được thành lập với vốn điều lệ 12 tỷ đồng cũng để phục vụ chiến lược mới vừa nêu.
Dệt may Thành Công xuất khẩu hàng dệt may đi hầu hết các nước trên thế giới trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 32%, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 28%, Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng 12%.
Liên quan đến TCM, trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 14/9/2021, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã mua vào 1 triệu cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công. Giao dịch thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn.
Động thái mua thêm của ông Nghĩa diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TCM giảm sâu, từ đỉnh 115.000 đồng/cổ phiếu xuống mức 64.xxx đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, ông Nghĩa đã bỏ ra khoảng 66 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Nghĩa tăng từ mức 14,264% lên 15,6672% vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu TCM 6 tháng qua
Được biết ông Nghĩa, liên tục mua vào cổ phiếu TCM từ đầu năm. Điểm lại, ông Nghĩa đã chi khoảng 125 tỷ đồng từ cuối tháng 9/2020 để gia tăng sở hữu TCM và chính thức trở thành cổ đông lớn. Một điểm đáng chú ý, kể từ thời điểm ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành cổ đông lớn vào cuối tháng 9/2020, cổ phiếu TCM đã bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 20.000 đồng/cp lên hơn 110.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 5 lần, qua đó xác lập đỉnh mới của TCM kể từ khi niêm yết.
Cùng với đó, tại CĐ năm nay, ông Nghĩa cũng chính thức tham gia Thành viên HĐQT TCM. Chia sẻ về động thái này, ông Nghĩa cho biết việc đầu tư vào TCM với ông mang tính dài hạn và quyết định trên được ông đưa ra sau khi được nghe chia sẻ về chiến lược cũng như tham quan các nhà máy của TCM thời gian qua.
Không chỉ TCM, ông Nghĩa cũng chi hàng trăm tỷ đồng để sở hữu lượng lớn cổ phiếu cũng như tham gia HĐQT tại các công ty khác bao gồm Licogi 16 (LCG) và mới nhất là Thăng Long Invest (TIG).