Ngày 28/11/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023. Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp sẽ diễn ra vào tháng 1/2024 tại TP.HCM.
Các công ty trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan thực hiện trong tháng 10 - 11/2023.
“Sức đề kháng” của ngành dược và triển vọng thời gian tới
Sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm, sức cầu thấp trên diện rộng đã khiến đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý III. Tuy nhiên, xét chung 10 tháng đầu năm nay, gam màu tích cực vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đa số doanh nghiệp ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu (73,7%) và lợi nhuận (78,9%). Với vị thế là một ngành thiết yếu, ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch” với bối cảnh khó khăn chung song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.
Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023. Mặc dù vẫn cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới, song nhìn chung, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng kinh doanh vào năm tới.
Ngoài ra, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để phát triển với nhiều lợi thế như: quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện; cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã ký kết; chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành…
Chiến lược ưu tiên và bệ phóng chính sách
Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh gia tăng cũng như tác động mạnh mẽ từ tiến bộ công nghệ, việc chủ động xoay trục chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp, định vị thương hiệu, tận dụng thế mạnh vốn có và đổi mới linh hoạt trên nhiều phương diện để đón đầu các xu thế được cho là nhiệm vụ thiết yếu để các doanh nghiệp ngành dược nâng cao năng lực, khẳng định vị thế trên thị trường.
Theo Vietnam Report, trong ngắn hạn, 3 ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp ngành dược bao gồm: Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing; và Đa dạng kênh phân phối. Đặc biệt, 47,4% doanh nghiệp cho rằng việc tập trung vào nhóm hàng chiến lược trong ngắn hạn sẽ giúp tối ưu hóa chi phí, tập trung nguồn lực trong nghiên cứu, phát triển và quảng cáo, tiếp thị, từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, 4 ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong dài hạn là: Nghiên cứu các dược phẩm mới; Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; và Đầu tư nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, để phát triển ngành kinh tế dược liệu lớn mạnh, xuất khẩu và cạnh tranh được trên trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm dược phẩm của khu vực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong ngành cũng như những chính sách hỗ trợ, chiến lược ưu tiên từ phía Chính phủ.
Trong những năm qua, Chính phủ quan tâm và đã có nhiều quy hoạch phát triển dược liệu, các thông tư nghị định về việc phát triển dược liệu, phát triển cây thuốc quốc gia, quy hoạch các vùng trồng dược liệu trên cả nước. Mới đây, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt, trở thành kim chỉ nam cho hướng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Thông qua đó, Chính phủ đã từng bước tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập tồn tại về cơ chế chính sách y.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hoạt động đầu tư phát triển vùng dược liệu, phát triển sản phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn nên cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu ra để khuyến khích những doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt phát triển ngành.
Mặt khác, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính… từ đó góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Việt Nam đối với ngành y dược. Dù thị trường còn nhiều ẩn số nhưng với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế của Việt Nam.
(Nguồn Vietnam Report)
Vimedimex (VMD) chốt trả cổ tức 20% bằng tiền
Việt Nam hút hơn 27,26 tỷ USD vốn FDI, lộ diện 2 ngành được đầu tư nhiều nhất trong 10 tháng