Các gói thầu do phía Vinacomin tổ chức mời thầu với sự tham gia của Công ty Quang Minh thường có kết cục kém cạnh tranh, tỷ lệ giảm giá quá thấp, thậm chí còn không giảm 1 đồng nào cho nguồn vốn.
Nhiều gói thầu tiết kiệm "0 đồng" của Vinacomin
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh (viết tắt là Công ty Quang Minh) là cái tên không xa lạ với giới làm ăn đất Quảng Ninh. Thành lập từ năm 2004 tại thành phố Cảm Phả, Công ty Quang Minh tới nay đã xây dựng lên một mạng lưới kinh doanh rất chặt chẽ với các tập đoàn than đá, khoáng sản ở địa phương, trong đó tiêu biểu là các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ năm 2015 cho thấy, Công ty Quang Minh đã tham dự 38 cuộc tổ chức đấu thầu và giành chiến thắng toàn bộ, tỷ lệ trúng thầu lên đến tuyệt đối 100%, cho dù đó có là gói thầu được đấu thầu trực tiếp hay rộng rãi qua mạng, trong vai trò liên danh hay độc lập.
Chẳng hạn tính riêng năm 2022, Công ty Quang Minh đã nhanh chóng "thu hoạch" cho mình gói thầu "khủng" ngay từ giữa tháng 1, đó là gói thầu "thuê ngoài sản xuất than Cám (6+7) từ đất đá lẫn than năm 2022" do Công ty Cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin mời thầu (gọi tắt là Than Đèo Nai). Tuy được tổ chức đấu thầu qua mạng, thế nhưng gói thầu trên không tồn tại bất kỳ sức ép cạnh tranh nào khi Công ty Quang Minh là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu.
Nhìn vào cách Công ty Quang Minh bỏ giá, nhiều nhà thầu khác ắt hẳn giật mình, bởi con số trúng thầu lên đến 58,6 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 215 triệu đồng so với giá gói thầu, tương ứng tỷ lệ giảm giá 0,3% cho nguồn vốn được tính vào chi phí sản xuất của chính Công ty Cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin.
Đây không phải lần đầu tiên Công ty Quang Minh và Công ty Than Đèo Nai "bắt tay" với nhau để thực hiện gói thầu hàng chục tỷ đồng. Điểm lại khoảng thời gian khá lâu về trước, từ đầu năm 2016 - thời điểm Công ty Quang Minh mới "tập tẹ" bước vào hành trình tìm kiếm nguồn thu từ ngân sách nhà nước - nhà thầu đất Quảng Ninh đã trúng gói thầu "thuê ngoài sản xuất than sạch từ sản phẩm ngoài than năm 2016 thuộc khai trường mỏ Than Đèo Nai" cho dù mức giá lên đến 79,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với tỷ lệ tiết kiệm cực thấp 0,5%.
Sau đó, mối quan hệ giữa hai bên ngày một khăng khít hơn, phản ánh qua các lần ký kết hợp đồng kế tiếp như gói thầu số 1 "thuê ngoài chế biến, sản xuất than sạch từ sản phẩm ngoài than" (giá trúng thầu 72,9 tỷ đồng; giá gói thầu 73,9 tỷ đồng)...
Chưa dừng lại ở tỷ lệ tiết kiệm "siêu nhỏ", Công ty Than Đèo Nai còn "giúp" Công ty Quang Minh gia tăng tối đa doanh thu từ các gói thầu giảm giá "0 đồng", ví dụ là gói thầu 1 "thuê ngoài sản xuất than sạch từ đất đá lẫn than năm 2020, thuộc khai trường mỏ than Đèo Nai" (giá trúng thầu bằng giá gói thầu 61,1 tỷ đồng) và gói thầu số 1 "thuê ngoài chế biến, sản xuất than sạch từ sản phẩm ngoài than năm 2019 thuộc khai trường mỏ than Đèo Nai" (trị giá 83,5 tỷ đồng).
Điều này khiến dư luận tỏ ra bất bình và cho rằng có dấu hiệu "móc ngoặc", gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, Công ty Than Đèo Nai - doanh nghiệp có 65% vốn điều lệ thuộc sở hữu của nhà nước - với tư cách là đơn vị tổ chức mời thầu, phải lựa chọn nhà thầu không chỉ có chuyên môn cao, mà còn phải tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí đầu tư.
Việc liên tiếp lựa chọn một nhà thầu quen mặt dựa trên mức giá dự thầu cao ngất ngưởng, thậm chí không tiết kiệm nổi 1 đồng cho nguồn vốn khiến nhiều người lo ngại về sự thiếu minh bạch, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế quá thấp tại các gói thầu của Công ty Than Đèo Nai.
Dư luận cũng rất băn khoăn về cách điều hành "quá thoáng" này của ban lãnh đạo Công ty Than Đèo Nai. Phải chăng, sự vung phí ngân sách là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả kinh doanh không hề sáng sủa của doanh nghiệp suốt nhiều năm ròng?
Thực vậy, xét riêng 3 năm gần nhất (2019-2021), Công ty Than Đèo Nai luôn chứng kiến chi phí giá vốn (nơi ghi nhận chi phí của các gói thầu vừa đề cập) chiếm hơn 90% doanh thu thuần, cá biệt năm 2019 còn lên đến 98,5%. Khấu trừ các chi phí còn lại, biên lãi ròng chỉ xấp xỉ 1% suốt nhiều năm, duy trì trên ngưỡng tránh lỗ và mang đậm tính tượng trưng. Nên nhớ, kết quả này ảnh hưởng không nhỏ đến báo cáo tài chính hợp nhất của Vinacomin - công ty mẹ của Công ty Than Đèo Nai.
Trong một diễn biến có nhiều liên quan, Công ty Quang Minh cũng thể hiện mối quan hệ "thân hữu" với thành viên khác của Vinacomin, đó là Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin. Ước tính, tổng giá trị các gói thầu Công ty Quang Minh nhận từ tay Công ty Than Cọc Sáu là khoảng 400 tỷ đồng trong vai trò độc lập và 1.940 tỷ đồng trong vai trò liên danh.
Giống như cách Công ty Quang Minh giành thắng lợi tại Công ty Than Đèo Nai, các gói thầu được Công ty Than Cọc Sáu mời thầu phần lớn thiếu sự cạnh tranh, kịch bản "múa gậy vườn hoang", "trúng thầu sát giá"... tiếp tục được lặp lại giữa hai đối tác này.
Chân dung Công ty Quang Minh
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh, như đã biết, thành lập vào ngày 10/6/2004, trụ sở đặt tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông Hoàng Thanh Quân, sinh năm 1982. Nhóm cổ đông của Công ty Quang Minh bao gồm ông Phạm Thế Quang (1973), bà Đỗ Thị Thu Huyền (1976), ông Phạm Thế Vinh (1977).
Bộ ba đến từ thành phố Cẩm Phả còn tham gia sáng lập Công ty TNHH Thương mại Quang Minh Vân Đồn vào năm 2017 cùng số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, nơi ông Hoàng Thanh Quân cũng đang đảm nhiệm vị trí giám đốc. Sau tháng 9/2019, bà Huyền và ông Quang đã rút khỏi danh sách cổ đông, thay thế là ông Đỗ Trung Hiếu (1980) và ông Bùi Quang Hải (1968), tuy nhiên ông Vinh vẫn là người nắm giữ quyền chi phối doanh nghiệp với 50% cổ phần.
Bên cạnh đó, hiện ông Vinh đang đứng tên ở Công ty Cổ phần Thương binh Đoàn kết, pháp nhân ra đời đầu năm 2004, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Trở lại với Công ty Quang Minh, theo dữ liệu người viết thu thập được, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ lần lượt đạt 294,5 tỷ đồng (2016), 288,9 tỷ đồng (2017), 404,1 tỷ đồng (2018), 494,5 tỷ đồng (2019) và 386,2 tỷ đồng (2020). Các giá trị này ngang ngửa với tổng giá trị các gói thầu Công ty Quang Minh trúng hằng năm.
Cho dù được bổ trợ từ nguồn thu ngân sách hàng trăm tỷ, song nhà thầu đất Quảng Ninh ghi nhận các chi phí giá vốn, vận hành quá cao, gây bào mòn lợi nhuận sau thuế về còn 542 triệu đồng (2017), 1,9 tỷ đồng (2018), 3,5 tỷ đồng (2019), 1,9 tỷ đồng (2020). Đặc biệt, doanh nghiệp còn chịu lỗ 6,7 tỷ đồng vào năm 2016.
Một doanh nghiệp dự kiến đầu tư xây khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 33.000m2 phục vụ CBCNV
Doanh nghiệp bé hạt tiêu vừa bị phạt thuế 3,1 tỷ đồng: Doanh thu hơn 32.000 tỷ sau 9 tháng