Xây dựng Coteccons vừa ghi nhận năm kinh doanh lao dốc thứ 5 liên tiếp kể từ mức lãi 1.653 tỷ đồng năm 2017. Dù vậy, con số 21 tỷ đồng lãi ròng năm 2022 là đủ để giúp CTD hoàn thành kế hoạch kinh doanh "khiêm tốn" đã đề ra.
CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CTD - HOSE) công bố báo báo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với ghi nhận 6.230 tỷ đồng doanh thu thuần - gấp 2,1 lần cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao khiến lợi nhuận gộp của CTD chỉ còn 172 tỷ (cải thiện so với mức lỗ gộp 3 tỷ đồng trong quý 4/2021); biên lãi gộp giảm so với quý trước đó - đạt 2,76%.
Trong kỳ, dù ghi nhận khoản lợi nhuận khác 34 tỷ đồng và doanh thu tài chính 70 tỷ song chi phí tài chính tăng gấp 6,3 lần YoY lên hơn 59 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang với 183 tỷ và lỗ từ công ty liên kết hơn 7 tỷ khiến Coteccons lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 7 tỷ.
Sau trừ các khoản thuế phí, CTD có lãi trở lại gần 19 tỷ đồng quý 4/2022 sau 2 quý lỗ trước đó đồng thời tích cực hơn mức lỗ hơn 63 tỷ trong cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, trong một báo cáo công bố cuối năm 2022, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam từng dự phóng việc Coteccons có thể lỗ thêm 112 tỷ trong quý 4/2022. Tuy nhiên, hiện tại điều này đã không diễn ra.
Luỹ kế năm 2022, Coteccons đạt 14.537 tỷ doanh thu thuần - tăng 60% so với 2021 (tương đương 97% kế hoạch đề ra) nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ - giảm gần 14% so với năm trước đó.
Lợi nhuận sau thuế của CTD qua các năm (Đvt: Tỷ đồng) |
Đáng nói, đây đã là năm kinh doanh lao dốc thứ 5 liên tiếp của ông lớn ngành thầu xây dựng này kể từ mức lãi 1.653 tỷ đồng năm 2017. Dù vậy, con số 21 tỷ này cũng đủ để giúp CTD hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho cả năm.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Coteccons đạt 18.965 tỷ - tăng 26% so với đầu năm trong đó giá trị hàng tồn kho tăng gần 68% so với đầu năm lên mức 2.838 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 70,7 tỷ); khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận mức 11.231 tỷ (chiến 59,2%) và đã bao gồm khoản phải trích lập dự phòng nợ xấu 1.049 tỷ (chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt).
Tiền - tương đương và tiền gửi/đầu tư trái phiếu ngắn hạn đạt 2.650 tỷ đồng.
Ngoài ra, Coteccons còn dành gần 249 tỷ tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Trong đó 200 tỷ được phân bổ vào cổ phiếu gồm FPT (hơn 28 tỷ), MWG (gần 26 tỷ), còn lại không được thuyết minh chi tiết. Coteccons phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ tại ngày 31/12/2022 cho khoản đầu tư trên.
Nợ phải trả của CTD đến cuối quý 4/2022 tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm - đạt 10.751 tỷ trong đó vay nợ tài chính dù chỉ ở mức 1.077 tỷ đồng song đã tăng gần như toàn bộ so với cuối năm 2021; vốn chủ sở đến cuối kỳ đạt 8.214 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons đã ghi nhận dương trở lại trong quý 4/2022 với 364 tỷ song tính chung cả năm vẫn âm tới 1.626 tỷ đồng trong khi năm 2021 dương 421 tỷ.
Coteccons có đang nhận thầu các dự án của Tân Hoàng Minh, FLC?
Mới đây, tại buổi gặp mặt cổ đông trực tuyến ngày 16/1 để thông tin về kết quả năm 2022, kế hoạch năm 2023, trả lời về vấn đề nợ xấu của công ty, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng Coteccons cho biết, hầu hết dự án CTD tham gia đều có giá trị rất lớn (vài nghìn tỷ đồng/dự án) do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Điều đó giải thích vì sao khoản trích lập dự phòng rất lớn. “Tuy nhiên, tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không chính xác”.
Về các dự án của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát mà tập đoàn từng tham gia thi công, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, Tân Hoàng Minh vốn là một khách hàng lớn của CTD nhưng vì biến cố bất ngờ nên CTD đang phải trích lập dự phòng lớn cho các dự án của công ty này.
Với Vạn Thịnh Phát, trước kia, CTD từng được giao dự án IFC Sai Gon One Tower. CTD đã khởi công nhưng sau đó xảy ra bất đồng với chủ đầu tư trong cách làm việc nên đã rút khỏi dự án. Chi phí bỏ ra trong dự án này được nói là “rất tối thiểu”.
Cùng với đó, Chủ tịch Coteccons cũng khẳng định hiện tại công ty không tham gia bất kỳ dự án nào của Tập đoàn FLC.
Biên lãi ròng 3 năm "đổi tướng" gần nhất chưa nổi 1%
Nhìn lại thời điểm Kusto - một cổ đông lớn "ngoại quốc" đã từ từ nhen nhóm xung đột ghế quyền lực tại Coteccons và có được chiếc ghế điều hành tối cao thời điểm cuối năm 2022 qua đó khép lại 4 năm xung đột đằng đẵng để thấy "sức khỏe" tài chính của CTD yếu đi nhiều dù đây là là cây đại thụ trong làng thầu xây dựng.
Coteccons chính là đơn vị cất nóc tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam |
Thời điểm nhóm Kusto lên nắm quyền, bộ máy quản trị cũ của Coteccons thời điểm đó (từ HĐQT, tiểu ban chiến lược, tiểu ban lương thưởng, bộ phận nhân sự, kế toán kiểm toán đến ban điều hành), tất cả các nhân sự cốt cán gồm cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, cựu CEO Nguyễn Sỹ Công, và các "chiến tướng" Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh, Từ Đại Phúc,… đã lần lượt dứt áo ra đi.
Dễ thấy 2 năm sau khi CTD đạt mức kỷ lục doanh thu 28.561 tỷ đồng (năm 2018) cũng là 2 năm trước khi xung đột tại đây ngã ngũ, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu trượt dốc. Coteccons thậm chí chứng kiến mức doanh thu xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trong năm 2021.
Với mức lợi nhuận ròng năm 2021 chỉ 24 tỷ đồng và giảm về 21 tỷ trong năm 2022, thật khó để cổ đông có thể hình dung về một Coteccons từng lãi cả nghìn tỷ chỉ 4 năm trước đó.
Thực tế, cả quý 4 và năm 2022, Coteccons đều lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Phải nhờ khoản lợi nhuận khác (tiền hoàn nhập chi phí) công ty này thoát khỏi tình trạng lợi nhuận âm.
Và dù CTD vẫn chưa phải chịu cảnh lỗ ròng song trong 3 năm được điều hành bởi một chủ tịch ngoài quốc, tổng lợi nhuận sau thuế của Coteccons chỉ vỏn vẹn 380 tỷ đồng - chỉ tương đương ghi nhận năm 2014; nó cũng là quá bé nhỏ so với tổng doanh thu trong cùng thời điểm (dù đã giảm mạnh so với giai đoạn huy hoàng) với 38.200 tỷ đồng - tương ứng biên lãi ròng chưa đầy 1%.
Từ một cổ phiếu đắt đỏ trên HOSE, CTD hiện chỉ còn giá 39.300 đồng (kết phiên 31/1/2023) |
Sự suy yếu của những ông lớn như Coteccons và hay Xây dựng Hòa Bình trong vài năm trở lại đây vô tình đang mở ra cơ hội cho một doanh nghiệp thầu khác lớn mạnh và khẳng định vị thế - Newtecons. Nói thêm, CTCP Newtecons vừa tổng kết tình hình kinh doanh năm 2022 với ghi nhận cán mốc kế hoạch 10.000 tỷ đồng doanh thu. Và ông Nguyễn Bá Dương - cựu thuyền trưởng CTD không ai khác chính là người đang chèo lái đế chế nghìn tỷ đồng này. |
Tại Coteccons (CTD), thu nhập bình quân của công nhân tối thiểu 12 triệu đồng/tháng
Chương trình Xây Tết 2025: 'Xây nền ước mơ' cho hơn 18.500 công nhân trên cả nước