Ngoài cuộc đua về thị phần, những sự cố về hệ thống giao dịch trên TTCK gần đây khiến cuộc đua công nghệ của các công ty chứng khoán (CTCK) nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sức ép phải tham gia cuộc đua này đã khiến nhiều CTCK bị “hụt hơi”.
Sự sôi động của TTCK từ nửa cuối năm 2020 đến nay đã giúp các CTCK ghi nhận được những kết quả rất khả quan. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận quý I-2021 của nhóm CTCK tăng lần lượt 21,4% và 26,7% so với quý IV-2020.
Nếu tăng trưởng doanh thu đến từ dòng vốn đổ mạnh vào TTCK, thì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chủ yếu được đóng góp bởi lãi từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và chốt lời danh mục đầu tư tự doanh. Theo thống kê, top 10 CTCK có doanh thu lớn nhất ngành là SSI, VPS, TCBS, HSC, VND, SHS, VCI, TVSI, MAS và MBS.
Dù tiếp tục dẫn đầu về quy mô doanh thu, nhưng SSI lại bất ngờ mất vị trí quán quân về thị phần môi giới sàn HoSE trong quý I. Với tỷ lệ 13,24%, VPS đã vượt qua SSI (11,89%) để chiếm ngôi đầu về thị phần trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Top 10 cũng có sự xáo trộn về mặt vị trí, cũng như sự xuất hiện “tân binh” TCBS thay thế cho KIS, CTCK đến từ Hàn Quốc là MAS tiếp tục lọt vào top 10 với thị phần 4,41%. Trong cuộc đua về thị phần, phí giao dịch là một trong những yếu tố thu hút khách hàng đang được nhiều CTCK áp dụng.
Hiện tại, hầu hết CTCK đang áp dụng mặt bằng phí giao dịch quanh mức 0,2%. Với các khách hàng lớn, nhiều CTCK còn có chính sách đặc biệt, như AIS hay VPS áp mức phí 0%.
Trong bối cảnh hệ thống giao dịch của HoSE và nhiều CTCK liên tục gặp sự cố, việc đầu tư công nghệ đang là chính sách số hóa và xây dựng nền tảng kinh doanh trực tuyến tạo cơ hội bứt phá doanh nghiệp.
Với sự phát triển của mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các CTCK. Bên cạnh đó, xu hướng FinTech và Wealthtech được đẩy mạnh tại nhiều CTCK.
Theo đại diện MBS, FinTech đề cập đến việc sử dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn, còn WealthTech tập trung hơn việc tạo ra các công cụ để quản lý tài sản và đầu tư.
Dù xác định được xu hướng công nghệ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng lựa chọn được công nghệ phù hợp. Thậm chí, việc đầu tư này còn mang lại tác dụng ngược khi hệ thống giao dịch thường xuyên bị lỗi.
Trong những phiên giao dịch gần đây, ngoài sự cố quá tải của sàn HoSE, hệ thống giao dịch của nhiều CTCK cũng thường xuyên rơi vào tình trạng không thể đăng nhập, nếu đăng nhập thành công NĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đặt lệnh, thậm chí không thể hủy hay sửa lệnh.
Điều đáng nói, sự cố xảy ra với các CTCK nằm trong top 10 về quy mô và cũng là những CTCK đầu tư mạnh về công nghệ như VPS, SSI, VND, TCBS.
Lấy dẫn chứng từ SSI với ứng dụng Mobile Trading. Ứng dụng này chỉ tập trung phục vụ khách hàng sử dụng hệ điều hành IOS, trong khi khách hàng sử dụng hệ điều hành Android gặp rất nhiều khó khăn khi giao dịch. HSC là CTCK đầu tư rất nhiều cho công nghệ với 3 ứng dụng, gồm iTrade dành cho NĐT chuyên nghiệp,
Vi Trade dành cho NĐT không chuyên và WinnerTrade dành cho giao dịch chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, việc tập trung mạnh vào công nghệ khiến HSC vô tình “bỏ rơi” nhóm khách hàng là các NĐT lớn tuổi.
Tương tự, VND cũng đầu tư vào nhiều tính năng phục vụ NĐT chuyên và không chuyên. Thế nhưng, do thiếu sự đầu tư mạnh về đường truyền nên hệ thống thường bị nghẽn khi dòng tiền đổ vào mạnh. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều CTCK đã đưa Robot đầu tư CK vào áp dụng như một công cụ hỗ trợ NĐT. Tuy nhiên, ứng dụng này bị “tố” là nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải hệ thống của HoSE.
Theo một chuyên gia FinTech, nhiều lãnh đạo CTCK đang có suy nghĩ cứ bỏ ra số tiền lớn sẽ có công nghệ hiện đại. Trên thực tế, đây là quan điểm đúng nhưng chưa đủ. Muốn đầu tư công nghệ hiệu quả, ngoài thế mạnh về vốn, CTCK cần lấy trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm để phát triển.