Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Điểm kết nối thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” Việt Nam-Trung Quốc
Thành phố Móng Cái nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” giữa hai nước Việt, Trung. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái có hai khu vực: Cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, khu vực cầu Bắc Luân II.
Cửa khẩu hiện đại, đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây, Trung Quốc
Cửa khẩu Móng Cái khu vực cầu Bắc Luân IIkết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Móng Cái-Vân Đồn-Hạ Long-Hải Phòng-Hà Nội đã hình thành nên hệ thống giao thông động lực không chỉ với tỉnh Quảng Ninh, mà còn của cả khu vực phía bắc, là hành lang đường bộ quan trọng kết nối các tỉnh phía bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng miền.
Khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II được bố trí trang thiết bị hiện đại, triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong việc thực hiện các thủ tục khai báo điện tử, mang lại hiệu quả tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng lực giám sát, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cầu Bắc Luân II cũng đang thực hiện thí điểm mô hình Cửa khẩu số.
Từ tháng 3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) trở thành cửa khẩu đường bộ được phép làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng lương thực từ Việt Nam và các nước ASEAN sang Quảng Tây, Trung Quốc.
Đặc biệt, kể từ ngày 06/12/2023, cửa khẩu đường bộ Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) được phép làm thủ tục nhập khẩu thêm 03 mặt hàng: Hàng thủy hải sản ướp đá nhập khẩu, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm nhập khẩu, giống cây trồng nhập khẩu.
Ngoài ra, thành phố Móng Cái đang tập trung thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2024; sau khi hoàn thành, cảng tổng hợp Vạn Ninh sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam Việt Nam ra phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu lối mở tại thành phố. Từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai thành phố Móng Cái, Đông Hưng nói riêng và hai nước Việt Nam, Trung Quốc nói chung.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy TP. Móng Cái Hoàng Bá Nam nhấn mạnh, thành phố luôn tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản nói chung, lương thực nói riêng; đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Luôn bố trí cán bộ giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; sắp xếp, bố trí kho bãi, tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu; điều tiết giao thông cho xe ra, vào không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự và không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Phát triển du lịch, nâng cao vị thế trong thương mại Việt Nam- Trung Quốc
Móng Cái là thành phố cực đông bắc Quảng Ninh, với lợi thế địa lý "giáp biển, giáp biên giới", thông ra biển thuận lợi. Móng Cái có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược của tỉnh và cả nước, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á.
Cùng với việc phát huy tiềm năng lợi thể ven biên, ven biển và hệ thống đường cao tốc kết nối Vân Đồn – Móng Cái, Thành phố tập trung khai thác hiệu quả 5 nhóm sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo cho du khách có trải nghiệm ấn tượng khi đến Móng Cái như sản phẩm giao thoa ẩm thực Việt – Trung; xe du lịch tự lái; du lịch thể thao golf; du lịch biên giới gắn với chương trình tham quan thành phố Móng Cái (Việt Nam) – thành phố Đông Hưng và Khu Phòng Thành (Trung Quốc)…
Ngoài ra, để du lịch phát triển xứng tầm, Móng Cái đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết và Kế hoạch về phát triển khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Theo đó, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới gắn với xây dựng thương hiệu du lịch: Móng Cái - thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, trọng tâm là hoàn thiện các quy hoạch phân khu du lịch để có cơ sở thu hút đầu tư; phát triển, làm mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc phục vụ du khách trong nước và quốc tế cả 4 mùa; phát huy các sản phẩm du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế đêm như: Phố đi bộ, Khu ẩm thực, Chợ đêm, các dịch vụ vui chơi giải trí...
Việc tập trung phát triển đồng bộ cả thương mại và du lịch đã giúp nâng cao vị thế, vai trò của Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng trong thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
10 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 5,588 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các tỉnh biên giới phía bắc, chỉ sau Lạng Sơn, riêng kim ngạch các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái đạt 5,49 tỷ USD, chiếm 98,2% tổng kim ngạch của Quảng Ninh.
Bí thư thành ủy TP. Móng Cái cho biết, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, Móng Cái sẽ trở thành một trong những khu du lịch biên giới trọng điểm của tỉnh và cả nước, trở thành "Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn"; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; đến năm 2030 trở thành khu du lịch chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế.
Lễ khởi động công năng xuất, nhập cảnh hành khách qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Giao lưu nhân dân - điểm sáng "hình mẫu" trong quan hệ hợp tác khu vực biên giới Việt - Trung
Trong những năm qua, được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, thành phố Móng Cái đã thiết lập, duy trì luân phiên các hoạt động giao lưu với địa phương phía Trung Quốc trên các lĩnh vực, trong đó ký kết thỏa thuận hợp tác hai địa phương; thường xuyên trao đổi, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; phối hợp giải quyết khó khăn phát sinh.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao đặc sắc riêng có, như giải giao hữu bóng đá (Tết Nguyên tiêu), các giải thể thao (quần vợt, golf, chạy...), Liên hoan hát đối trên sông biên giới giữa thanh niên hai nước Việt-Trung, Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt-Trung. Duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị của các ban xây dựng Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức ký kết giao lưu, kết nghĩa"cụm cư dân biên giới" giữa các xã – phường, thôn, bản, khu phố, nhân dân địa phương hai bên; thực hiện hiệu qủa thỏa thuận "chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên".
Theo ông Hoàng Bá Nam, thông qua hoạt động giao lưu nhân dân, gia tăng sự thấu hiểu, tạo tiền đề xây dựng và củng cố niềm tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, truyền thống trên tất cả các lĩnh vực với các địa phương phía bạn (Trung Quốc), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển, là điểm sáng "hình mẫu" trong quan hệ hợp tác khu vực biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc.
Xây dựng Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 16/3/2021 phê duyệt Quyết định số 368/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Theo đó, xác định Móng Cái là: (1) Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm Quốc gia; (2) Trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc); (3) Trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; (4) Khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; (5) Đô thị biển hiện đại và bền vững…
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực" của tỉnh Quảng Ninh, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nằm ở tuyến phía Tây của tỉnh, được xác định là một trong 2 mũi đột phá và là trung tâm của vùng động lực. Cùng với đó, hạ tầng về các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm trong khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã và đang được tiếp tục đầu tư đồng bộ…
Hiện nay, Thành phố tập trung ưu tiên các ngành và sản phẩm đột phá thuộc 04 trụ cột: Logictis, thương mại điện tử; Du lịch; Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó ưu tiên phát triển ngành dệt may, sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất linh kiện; Nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển thương hiệu 3 con, 2 cây, 1 điểm đến.
Bí thư Thành ủy Hoàng Bá Nam cho biết, thành phố Móng Cái đang cùng thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) thúc đẩy xây dựng cửa khẩu đường sắt và tuyến đường sắt Việt - Trung, cầu Bắc Luân III; triển khai thực hiện dự án tuyến vận tải hành khách bằng xe bus công cộng qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng; đồng thời sớm khôi phục tuyến du lịch bằng xe tự lái qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc)...
Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP. Móng Cái đã hợp tác với nhiều tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để lập các quy hoạch chiến lược nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái, trong đó thành phố Móng Cái trở thành một địa bàn động lực quan trọng, một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng đồng bằng Sông Hồng và Trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là Khu kinh tế tự do có dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững góp phần tích cực vào tiến trình mở cửa hội nhập Quốc tế.
Tăng cường hợp tác ngành công nghiệp nghe nhìn Việt Nam – Trung Quốc
Thuế quan dưới thời Trump 2.0 sẽ tác động đến Việt Nam, Trung Quốc và thế giới như thế nào?