Cuộc hội ngộ bất ngờ của 5 anh em ruột cùng tham gia kháng chiến sau 9 năm bặt tin tại cầu Thê Húc trong ngày Giải phóng Thủ đô
Cuộc hội ngộ bất ngờ sau gần chục năm kháng chiến bặt tin nhau đã biến ngày Giải phóng Thủ đô của 5 anh em trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Những người con đi theo đường Cách mạng
Ông Hoàng Thúc Cẩn sinh ra trong một gia đình đông con tại làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình có 7 anh em nhưng người anh cả không may mất sớm, còn người em út thì còn nhỏ. Năm anh em còn lại gồm ông Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn và Hoàng Quý Thân đều tham gia vào cuộc kháng chiến.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ba anh em Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ và Hoàng Thúc Cẩn đã cùng nhau lên đường vào Huế. Tại đây, họ được tiếp nhận lòng yêu nước và tinh thần dân tộc từ những người thầy đáng kính. Trước lời kêu gọi của Tổ quốc, cả ba lần lượt tham gia hoạt động cách mạng, mỗi người một con đường nhưng đều chung một mục tiêu là đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Hai cụ thân sinh của họ luôn động viên con cái lên đường cứu nước, không quản ngại hy sinh gian khổ. Để khích lệ tinh thần không chỉ của các con mà còn của cả thanh niên thời bấy giờ, bà cụ đã viết những vần thơ đầy ý nghĩa: "Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên trai bé sẽ xung phong".
Năm 20 tuổi, ông Hoàng Thúc Cẩn đã trở thành người phụ trách một đội quân đặc nhiệm, trực tiếp chỉ huy các cuộc tấn công đầu tiên vào quân Pháp. Sau đó, ông tiếp tục ghi dấu ấn trong chiến dịch Hà Nam Ninh nhận được lời khen ngợi từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Hòa Bình, ông lại được giao nhiệm vụ chỉ huy mũi chủ công đánh địch.
Tuy nhiên, không may cả tổ chiến đấu của ông bị quân Pháp bao vây suốt hơn 10 ngày đêm, không thể liên lạc với đơn vị. Khi nghe tin ông có thể đã hy sinh, đồng đội đã tổ chức lễ truy điệu. Người anh trai, ông Hoàng Thúc Tuệ khi biết tin đã đau đớn khôn nguôi giữa chiến trường đầy bom đạn.
Cuộc hội ngộ đầy nước mắt trong thời khắc lịch sử của Thủ đô
Chia sẻ với báo Lao Động, Đại tá Hoàng Thúc Cẩn nhớ về những năm tháng đầy kỷ niệm: “Từ thuở niên thiếu, tôi đã học ở Huế - mảnh đất "đẹp và thơ" nhưng vẫn luôn khao khát được ra Hà Nội. Thăng Long, Đông Đô ngàn năm văn hiến, kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam với những chiến công hiển hách. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, ước mơ ấy vẫn âm thầm cháy bỏng trong tôi, nhưng chưa thể thực hiện”.
Anh em nhà họ Huỳnh lần lượt tham gia chiến đấu, mỗi người ở một đơn vị khác nhau, không thể liên lạc với nhau, trong khi gia đình họ lại ở vùng địch tạm chiếm, khiến gia đình bị thất lạc. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài đầy gian khổ, không ai dám chắc ngày nào sẽ giải phóng được Thủ đô, dù bài hát "Tiến về Hà Nội" luôn vang lên, như tiếng kèn thúc giục quân dân ta tiến lên phía trước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 đã "chấn động địa cầu", buộc Pháp phải chấp nhận thất bại, ký Hiệp định Giơnevơ và rút quân khỏi miền Bắc. Sau chiến thắng, ông Hoàng Thúc Cảnh từ chiến khu Việt Bắc tiến vào Phủ Toàn quyền và đóng quân tại Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108). Cùng thời điểm đó, ông Hoàng Thúc Tuệ thuộc Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở tiếp quản một số cơ sở tại Bạch Mai, trong khi ông Hoàng Thúc Tấn từ Hòa Bình tiến vào Ô Chợ Dừa, qua Ô Quan Chưởng và đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Đầu tháng 10/1954, đơn vị của ông Hoàng Thúc Cẩn tiếp quản sân bay Gia Lâm.
“Em trai tôi, Hoàng Quý Thân, theo đoàn quân từ Nghệ An về tiếp quản thủ đô. Chú ấy lần đầu đến Hà Nội, còn lạ lẫm nên đi dò hỏi từng nơi, gặp anh bộ đội nào cũng hỏi. Cuối cùng, chú ấy một mình sang Gia Lâm và tìm được tôi”, ông Cẩn nhớ lại cuộc gặp xúc động với người em trai đầu tiên.
Vài ngày sau, hai anh em ông Cẩn vào nội thành. Khi đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhận ra dáng đi quen thuộc của một anh bộ đội phía trước. Ông liền gọi to: “Tấn, có phải em Tấn không?”. Người lính trẻ Hoàng Thúc Tấn quay lại và ba anh em ôm chầm lấy nhau giữa cầu trong niềm vui sướng khôn tả.
Trong những ngày tiếp theo, ba anh em đi khắp nơi dò hỏi tin tức những người anh em còn lại. Họ gặp các đơn vị đóng quân và nhắn gửi tên các anh cho mọi người. “Cả ba chúng tôi không biết hẹn gặp nhau ở đâu, nên đành chọn địa điểm nổi tiếng nhất Hà Nội, là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, làm điểm hẹn. Nếu đồng đội nào gặp được, thì nhắn giúp”, ông Cẩn bồi hồi nhớ lại.
Ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, đoàn quân chiến thắng tiến vào thủ đô. Đến đâu, quân đội cũng giữ trật tự nghiêm túc, nhân dân Hà Nội đón tiếp trong niềm vui và xúc động.
Ông Cẩn kể lại: "Có đồng chí không kiềm chế được, lao vào vòng tay thân ái của nhân dân, ngây ngất trước những nụ cười trìu mến sau 9 năm chờ đợi. Tiếng cười, tiếng khóc, tiếng vỗ tay, tiếng hát và những tiếng hô khẩu hiệu quyện lại thành một 'bản hợp xướng' khó quên. Có khi những em nhỏ bán lạc rang, kem que ùa vào hàng ngũ bộ đội, trút hết quà của mình mà chẳng tiếc chút vốn liếng nhỏ nhoi".
Vào sáng Chủ nhật đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, ông Hoàng Thúc Tuệ nhận được tin nhắn từ đồng đội, hân hoan đến điểm hẹn và vui mừng gặp lại ba người em. Vài ngày sau, ông Hoàng Thúc Cảnh cũng trở về và năm anh em được đoàn tụ sau 9 năm xa cách.
Họ chọn đền Ngọc Sơn làm nơi sum họp. Anh em ôm nhau, cười trong nước mắt, cảm xúc trào dâng trong giây phút hội ngộ. Sau những phút trò chuyện thân tình trước cửa đền, năm người cùng vào thắp hương tưởng nhớ tổ tiên.
Cảm xúc dâng trào trong ngày vui trọng đại của dân tộc và niềm hạnh phúc khi gia đình đoàn viên đã khiến ông Hoàng Gia Cương, người em út trong gia đình, sáng tác bài thơ "Giữa chiều thu Hà Nội", sau này được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc.
Hiện nay, đại gia đình họ Hoàng đã định cư tại Hà Nội, con cháu lên đến gần 100 người. Từ mùa thu lịch sử ấy, hàng năm, vào ngày giải phóng Thủ đô, cả gia đình lại tổ chức họp mặt, cùng nhau ra Bờ Hồ vào đền Ngọc Sơn để ôn lại những kỷ niệm của thời khắc thiêng liêng ấy.
>> 70 năm giải phóng Thủ đô: Cựu chiến binh kể chuyện tiếp quản Hà Nội
Miễn phí xe buýt 2 tầng nhân Ngày Giải phóng Thủ đô
Hà Nội khánh thành và gắn biển nhiều công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô