Đây sẽ là quảng trường lịch sử, văn hóa ghi dấu ấn của người Đà Nẵng.
Mới đây, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng vừa tổ chức báo cáo các phương án tham dự cuộc thi tuyển quy hoạch kiến trúc quảng trường - bảo tàng dọc trục Trung tâm hành chính thành phố và một số trụ sở hành chính liên quan. 12 đơn vị dự thi đã báo cáo, trả lời câu hỏi của hội đồng thi tuyển nhằm làm rõ hơn nội dung, ý tưởng của bản quy hoạch thiết kế. Hội đồng tiến hành họp, thảo luận, bỏ phiếu, chấm điểm các phương án và trình cơ quan có thẩm quyền.
Quảng trường có vị trí rất đẹp, nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, thuộc phường Thạch Thang (quận Hải Châu) với "mặt tiền" là dòng sông Hàn. Phạm vi quy hoạch có tổng diện tích 16,2ha, khu đất "kim cương" tại số 40 Bạch Đằng có diện tích 2.227m2 cũng đã được thu hồi để phục vụ triển khai dự án.
Khu A có diện tích 10,69ha, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, bờ Tây sông Hàn; Khu B có diện tích 2,37ha, tại bến du thuyền (cảng sông Hàn); Khu C có diện tích 3,16ha, giới hạn bởi các đường Trần Phú, Quang Trung, bờ tây sông Hàn, cầu sông Hàn (trong đó bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng tại số 42, 44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú; Thư viện Khoa học tổng hợp).
Các đơn vị dự thi đã có thời gian tìm hiểu về quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cảnh quan khu vực quảng trường Đà Nẵng. Các thiết kế, phương án phải đáp ứng yêu cầu chung như phù hợp với định hướng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt, khu vực quy hoạch được xác định là quảng trường trung tâm của thành phố.
Tính chất của quảng trường là quảng trường lịch sử, văn hóa, nơi ghi nhận dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là điểm đến giáo dục tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, quảng trường cũng là không gian cộng đồng lớn, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, chính trị, phục vụ nhân dân, du khách… với các định hướng cụ thể gồm:
Tổ chức lại cảnh quan khu vực phía Đông Thành Điện Hải thành quảng trường công cộng hướng ra sông Hàn kết nối với bảo tàng, thư viện, khách sạn Hilton ở phía Nam và cảng sông Hàn ở phía Bắc, các công trình công cộng dọc hai bên ranh giới quảng trường là đường Quang Trung, Lý Tự Trọng.
Tuyến đường Bạch Đằng sẽ tổ chức thành phố đi bộ dọc sông Hàn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước...
Khu vực di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giữ lại bảo tồn nguyên trạng, tổ chức lại các lối giao thông, bổ sung cây xanh, cải tạo lại cảnh quan.
Khu vực phía Bắc sẽ giải phóng mặt bằng, bỏ các chướng ngại vật, không cho phép xây dựng bất cứ công trình ngầm hoặc nổi nào trong phạm vi hiện trạng. Khôi phục cổng thành phía Nam như nguyên gốc, cải tạo cảnh quan khu trung tâm phần mềm.
Khu vực sân tennis định hướng xây dựng bãi đậu xe ngầm.
Trên bề mặt quảng trường, nghiên cứu kết nối với không gian mặt nước cùng các hạng mục trang trí như nhạc nước, đèn nghệ thuật.
Đề xuất cải tạo cảnh quan khu vực bờ sông Hàn tiếp giáp với quảng trường để làm điểm kết thúc cho quảng trường nhưng xây dựng các cầu cảng làm tác động đến lòng sông, ảnh hưởng đến dòng chảy.
Hướng kết nối mở rộng quảng trường: Phía Bắc - khu vực cảng sông Hàn dự kiến trở thành khu vực công viên vườn dạo kết hợp bến du thuyền. Phía Nam kết nối với bảo tàng, thư viện...
Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1.000 tỷ đồng.
>>Quảng trường lớn nhất tại thành phố nhỏ nhất Việt Nam sẽ khánh thành vào dịp 30/4-1/5