Vĩ mô

Đại biểu Quốc hội: Luật Đấu thầu không thể vá mãi, cần sửa từ gốc

Hồng Gấm 28/05/2025 11:00

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân thẳng thắn đề xuất, đã đến lúc cần dừng Luật Đấu thầu hiện hành để tiến hành cải cách triệt để. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình tích hợp luật, hay trao quyền nhiều hơn cho địa phương để kiến tạo một cơ chế đấu thầu thực sự minh bạch và hiệu quả?

field(4).jpg

Trong dòng chảy cải cách thể chế, Luật Đấu thầu đang nổi lên như một “điểm nghẽn” khiến nhiều địa phương và bộ ngành lúng túng trong triển khai đầu tư công. Giữa loạt tranh luận gay gắt về sự bất cập và máy móc trong thực thi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân thẳng thắn đưa ra một đề xuất: Tạm dừng áp dụng Luật Đấu thầu hiện hành để mở đường cho một cuộc cải cách toàn diện, từ gốc rễ.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi dưới đây, ông Huân đã chia sẻ những lát cắt thẳng thắn đằng sau đề xuất gây chú ý này.

Thưa ông, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhận định những vướng mắc trong Luật Đấu thầu là điểm nghẽn thể chế, không đơn thuần là lỗi kỹ thuật. Theo ông, đâu là những tư duy lỗi thời trong luật hiện hành đang 'trói tay' chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được vẫn kéo dài?

Luật Đấu thầu hiện hành là một điển hình rõ ràng cho tư duy quản lý cũ kỹ. Nó tồn tại hai vấn đề lớn: Thứ nhất, khi không quản được thì cấm. Thứ hai, nếu đã quản thì lại quản rất chặt. Chính điều này đã bóp nghẹt không gian sáng tạo, không trao quyền thực chất cho cấp địa phương, cấp thực thi. Trong khi tinh thần cải cách hiện nay, đặc biệt theo định hướng của Nghị quyết 68, đòi hỏi pháp luật phải chuyển từ tư duy "quản lý" sang "kiến tạo".

Vậy pháp luật kiến tạo là gì? Là pháp luật được thiết kế để làm nền tảng, làm bệ đỡ, tạo điều kiện để các địa phương, các ngành, các chủ thể kinh tế dựa vào đó mà chủ động xây dựng chương trình hành động, chính sách phát triển phù hợp với đặc thù của mình. Luật không phải để "cầm tay chỉ việc" từng chi tiết, mà phải là hành lang pháp lý mở cho đổi mới và phát triển.

q1(1).jpg

Thế nhưng, Luật Đấu thầu hiện nay lại đang đi ngược tinh thần đó. Nó quy định chi tiết đến mức độ tỉ mỉ, cứng nhắc như thể là một quy chế nội bộ của một doanh nghiệp, hoặc cao hơn chút là của một sở, một ngành. Trong khi đó, đây là luật được Quốc hội ban hành, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đến mọi lĩnh vực từ đầu tư công, y tế, khoa học công nghệ đến bất động sản. Rõ ràng, cách thiết kế luật như vậy là trói chân trói tay, không phù hợp với vai trò của một đạo luật cấp quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ rõ điều này: Với ngành y tế, nếu chỉ chăm chăm chọn giá rẻ thì chỉ toàn mua phải thuốc rởm. Với khoa học công nghệ, nếu không cho phép chọn lựa đúng nhà cung cấp, chỉ áp giá thấp làm tiêu chí thì chỉ toàn rước về công nghệ lạc hậu - những ví dụ đó rất rõ ràng, dễ hiểu và dễ nhớ.

Nguyên nhân sâu xa là do tư duy khi xây dựng luật vẫn theo kiểu cũ – lấy mô hình xây lắp, xây dựng cơ bản làm chuẩn. Ví dụ như làm một con đường hay xây một cái nhà, thì bắt đầu mới đặt ra các quy trình, tiêu chuẩn... Nhưng những thứ áp dụng được cho ngành xây dựng lại không thể áp dụng máy móc cho những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, y tế, công nghệ cao, hay thậm chí là thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Mỗi ngành, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Đấu thầu trong ngành xây dựng không thể giống đấu thầu trong ngành nông nghiệp hay khoa học công nghệ. Có lĩnh vực chỉ có duy nhất một nhà cung cấp công nghệ độc quyền, việc mời được họ đã là thành công lớn, còn đấu gì nữa? Nhưng nếu cứ áp quy trình đấu thầu cứng nhắc, sẽ không thể thu hút được họ. Mà nếu mời chỉ một đơn vị thì lại bị coi là "chỉ định thầu", vi phạm luật, vậy là tự mình loại bỏ cơ hội tiếp cận công nghệ cao.

Như ông vừa nêu quan điểm "không thể áp dụng một tiêu chí cho mọi gói thầu". Vậy nguyên tắc quan trọng nhất để xác định hình thức đấu thầu phù hợp, đặc biệt là cho các lĩnh vực đặc thù như y tế, khoa học công nghệ, hay ODA là gì?

Tôi cho rằng trong Luật Đấu thầu, Nhà nước chỉ nên quy định các nguyên tắc chung và các hình thức đấu thầu như: thế nào là đấu thầu rộng rãi, thế nào là chào hàng cạnh tranh, thế nào là đấu thầu theo tiêu chí chất lượng, thế nào là đấu thầu theo tiêu chí giá thấp nhất, hoặc hình thức đánh giá kết hợp giữa kỹ thuật và tài chính.

Đồng thời, có thể quy định rằng đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vượt một mức giá trị nhất định, thì bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.

Còn việc áp dụng hình thức nào cho phù hợp nên để từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể quyết định. Chẳng hạn, trong ngành y tế, khi cần nhập khẩu trang thiết bị phục vụ người dân trong thời gian cấp bách, nếu phải tổ chức đấu thầu theo quy trình mời quan tâm, xét duyệt, thì có khi mất cả năm không chọn được nhà cung cấp. Trong khi đó, nhu cầu là tháng sau đã phải có thiết bị để phục vụ bệnh viện. Lúc đó, rõ ràng hình thức chỉ định thầu là hợp lý: chọn một nhà cung cấp đủ năng lực và yêu cầu họ cung ứng ngay.

Hoặc trong một số trường hợp khác, chủ đầu tư có thể mời 3 nhà cung cấp chào hàng – tất cả đều có chất lượng tương đương, nhưng ông nào giá rẻ nhất thì cho ông ấy làm. Đây là hình thức cạnh tranh lành mạnh, thực tiễn và phù hợp với điều kiện cụ thể.

Có ý kiến cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay đang đặt nặng tính bình quân, vô tình tạo ra cơ chế cào bằng thay vì hướng tới hiệu quả. Ông có đồng tình với nhận định này không? Theo ông, luật mới cần thay đổi theo hướng nào để lựa chọn được đúng người, đúng việc, đúng giá trị, thay vì chỉ ưu tiên tiêu chí giá thấp nhất?

Không thể áp dụng máy móc tiêu chí “giá thấp nhất” cho mọi trường hợp. Có những nhà cung cấp bán hàng cao cấp, chuẩn Mỹ, Nhật; có nhà lại cung cấp hàng kém chất lượng, giá rẻ. Nếu cứ mặc định chọn nhà có giá thấp nhất thì dễ rơi vào tình cảnh như Tổng Bí thư từng cảnh báo: mua toàn hàng chợ trời, hàng kém chất lượng – đặc biệt nguy hiểm trong các lĩnh vực như y tế, khoa học công nghệ.

Vì thế, cần tùy ngành, tùy bối cảnh và điều kiện thực tiễn để chủ đầu tư quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Trong luật, chỉ nên quy định các nguyên tắc nền tảng như: đảm bảo công bằng, cạnh tranh và minh bạch. Việc chỉ định thầu, nếu được thực hiện đúng quy trình, có cơ sở minh bạch và lý do hợp lý, thì vẫn đảm bảo các nguyên tắc đó, chứ không phải cứ chỉ định thầu là đồng nghĩa thiếu minh bạch.

Chẳng hạn, một nhà thầu từng thi công một cây cầu cho địa phương, đã chứng minh được năng lực và chất lượng. Khi có dự án tiếp theo, nếu lại tổ chức đấu thầu từ đầu, mất thời gian, nhưng cuối cùng vẫn chọn lại nhà thầu cũ thì rõ ràng không hiệu quả. Vậy tại sao không để chủ đầu tư đàm phán trực tiếp, thương lượng giá cả, nếu hợp lý thì ký hợp đồng? Đó là cách làm linh hoạt, tiết kiệm thời gian, phù hợp thực tiễn.

Tóm lại, luật chỉ nên đưa ra các hình thức, tiêu chí, còn việc lựa chọn hình thức nào cho từng gói thầu cụ thể nên trao quyền cho chủ đầu tư – trừ các dự án trọng điểm quốc gia nhóm A (trên 10.000 tỷ đồng), khi đó cần có cơ chế giám sát đặc biệt. Còn các dự án vài trăm tỷ, hay một vài ngàn tỷ đồng, nhất là các dự án phát triển kinh tế xã hội, thì nên trao quyền để chủ đầu tư tự quyết định phương án lựa chọn nhà thầu. Chỉ khi như vậy, chúng ta mới thực sự chuyển từ “quản lý để kiểm soát” sang “quản lý để kiến tạo phát triển”.

Một số quốc gia đã chuyển từ đấu thầu theo giá rẻ sang tiếp cận dựa trên giá trị bền vững. Theo ông, Việt Nam đã sẵn sàng cho bước chuyển này chưa? Rào cản lớn nhất hiện nay là gì, và chúng ta có thể học hỏi được gì từ các mô hình quốc tế để hướng tới hiệu quả lâu dài thay vì chỉ nhìn vào chi phí trước mắt?

Hiện nay, trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, việc đấu thầu và quản lý dự án thường tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn FIDIC – do Hiệp hội Tư vấn Quốc tế ban hành. Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã áp dụng bộ tiêu chuẩn này từ lâu. Từ FIDIC, mỗi quốc gia hoặc từng lĩnh vực, ngành nghề sẽ cụ thể hóa, điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các quốc gia tiên tiến thường không đưa toàn bộ những quy trình đấu thầu phức tạp vào Luật. Họ không quy định cứng nhắc tất cả các loại hình đấu thầu cho mọi trường hợp. Lý do rất rõ ràng: mỗi loại hình dự án, mỗi lĩnh vực đầu tư, mỗi gói thầu sẽ có tính chất và yêu cầu khác nhau, cần áp dụng phương pháp lựa chọn nhà thầu tương ứng.

Ví dụ, với các dự án lớn, quy mô toàn cầu, có khi năm nay chỉ mới phát hành thông báo mời bày tỏ quan tâm (EOI), sau đó từ 20 hồ sơ mới chọn ra 5–6 nhà thầu có năng lực tương đương để đưa vào danh sách ngắm, rồi mới tiến hành đấu thầu chính thức. Quá trình đó giống như một giải bóng đá chuyên nghiệp – phải qua vòng loại mới vào chung kết, nhằm đảm bảo chỉ các nhà thầu đủ năng lực thực sự mới được xét chọn.

q2(2).jpg

Ngược lại, với những gói thầu quy mô nhỏ vài ba trăm triệu đồng, thì không thể áp dụng các quy trình đấu thầu phức tạp như trên. Lúc này, hình thức chỉ định thầu là hợp lý và tiết kiệm thời gian. Chủ đầu tư có thể lựa chọn một nhà cung cấp đủ tin cậy, mời họ chào giá trực tiếp để triển khai.

Từ đó có thể thấy: Luật chỉ nên quy định ở mức khung. Ví dụ như trong Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công,… mỗi luật chỉ cần một chương về đấu thầu, khoảng 3–4 trang là đủ. Không cần một đạo luật riêng rườm rà và cứng nhắc. Nội dung cần quy định là các nguyên tắc nền tảng: đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả. Còn việc lựa chọn hình thức, phương pháp đấu thầu cụ thể phải giao cho chủ đầu tư, những người hiểu rõ thực tế, điều kiện, và mục tiêu của từng dự án.

Thực tế cho thấy, Luật Đấu thầu hiện hành của ta khá phức tạp, rườm rà, nhưng lại tồn tại nhiều kẽ hở khiến nguyên tắc "công khai, minh bạch, cạnh tranh" bị vô hiệu hóa. Chính sự cứng nhắc ấy khiến quá trình lựa chọn nhà thầu kéo dài hàng năm, gây trì trệ, lãng phí. Và vì vậy, nhiều đơn vị tìm cách "lách luật", biến tấu các quy định thành hình thức đối phó.

Trong khi đó, ở các quốc gia phương Tây, hệ thống đấu thầu được thiết kế rất khoa học. Phức tạp thì họ tổ chức đấu thầu phức tạp, đơn giản thì xử lý đơn giản, linh hoạt– nhưng tất cả đều rõ ràng, minh bạch. Không có chuyện xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, hay "chủ đầu tư gài thầu" bằng cách đưa ra tiêu chí chỉ để người nhà trúng thầu. Họ có cơ chế giám sát độc lập rất chặt chẽ, nên mới tạo được niềm tin và thu hút được các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực thực sự.

Còn nếu như đấu thầu mà biết trước ai sẽ trúng thì những nhà thầu tử tế, có năng lực sẽ không tham gia. Họ không muốn mất thời gian, công sức chuẩn bị hồ sơ chỉ để làm cảnh. Và như vậy, chỉ còn lại những nhà thầu chất lượng kém - đi thả câu, hoặc "quân xanh quân đỏ", khiến kết quả đấu thầu không đạt được chất lượng như kỳ vọng.

Theo ông, cần thiết kế những cơ chế giám sát và bảo đảm tính liêm chính ra sao để hạn chế tham nhũng và gian lận trong đấu thầu, đặc biệt ở cấp địa phương, nơi dễ phát sinh lợi ích cục bộ?

Trước hết, cần có sự thống nhất về nguyên tắc: quy trình đấu thầu ở cấp địa phương phải gắn liền với một bộ quy tắc ứng xử minh bạch và chuẩn mực – được ví như cốt lõi của hệ thống liêm chính trong đấu thầu. Đây chính là nền tảng để đảm bảo tính công khai, minh bạch, và ngăn ngừa hiệu quả các hành vi trục lợi, tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu.

Trong bộ quy tắc này, cần nêu rõ các chuẩn mực đạo đức và hành vi bị cấm tuyệt đối. Cụ thể, có 5 hành vi vi phạm nghiêm trọng cần được quy định rõ ràng, và xử lý nghiêm minh:

- Gian lận: làm giả hồ sơ, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm tạo lợi thế không công bằng.

- Tham nhũng: nhận hoặc đưa hối lộ để tác động tới kết quả lựa chọn nhà thầu.

- Lạm dụng quyền lực: sử dụng ảnh hưởng, chức vụ để ép buộc hoặc chi phối quá trình đấu thầu.

- Thông thầu: các nhà thầu móc nối dàn xếp trước kết quả đấu thầu, tạo ra sự cạnh tranh giả tạo.

- Xung đột lợi ích: như việc người nhà, người thân, người từng làm trong đơn vị mời thầu tham gia đấu thầu; hoặc thiết kế gói thầu "để dành" cho bản thân sau khi nghỉ hưu.

Các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về liêm chính trong đấu thầu, thường có định nghĩa rất cụ thể về xung đột lợi ích, và quan trọng nhất là họ có cơ chế ngăn chặn và chế tài rõ ràng. Những hành vi vi phạm như trên không chỉ bị xử phạt nặng, mà còn bị đưa vào danh sách đen, cấm tham gia đấu thầu vĩnh viễn. Có như vậy, nguyên tắc "nghiêm minh – răn đe – minh bạch" mới thực sự phát huy tác dụng.

Vấn đề còn lại là: Ai sẽ giám sát việc thực hiện?

Ở mỗi địa phương, mô hình giám sát có thể khác nhau. Có nơi sẽ do thanh tra tỉnh đảm nhiệm, nơi khác có thể giao cho các bộ phận chuyên trách độc lập theo dõi và kiểm tra chéo. Điều quan trọng là cơ quan nhà nước phải thiết kế được một cơ chế giám sát hiệu quả, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương, chứ không thể áp dụng cứng nhắc một mô hình duy nhất cho cả nước.

Trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu địa phương, họ phải chủ động thiết lập một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo rằng mọi hoạt động đấu thầu diễn ra một cách công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

q3(3).jpg

Ông cho rằng cần tách bạch giữa đấu thầu đất đai và đấu thầu công nghệ. Nhưng làm thế nào để luật mới có thể khuyến khích người có công nghệ, dù không nhiều vốn vẫn có thể trúng thầu, đặc biệt trong các dự án đòi hỏi đổi mới sáng tạo?

Trong mỗi bộ hồ sơ mời thầu, một phần không thể thiếu và đặc biệt quan trọng là tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Đây là căn cứ then chốt để xác định mục tiêu ưu tiên trong mỗi gói thầu, ví dụ như chú trọng công nghệ, tiến độ, hay giá thành, và từ đó chọn đúng đối tượng phù hợp để mời tham gia.

Chẳng hạn, nếu mục tiêu là lựa chọn giải pháp công nghệ ưu việt, thì nhà thầu phải có năng lực công nghệ tương xứng với yêu cầu của dự án. Trong trường hợp có nhiều nhà thầu cùng đạt ngưỡng về công nghệ, lúc này mới xét đến yếu tố cạnh tranh như giá cả. Tuyệt đối không thể dùng tiêu chí công nghệ để rồi lại mời một đơn vị chuyên về đất đai, không có chuyên môn liên quan, điều này phản ánh sự lệch chuẩn ngay từ bước đầu tiên.

Cần khẳng định: đấu thầu là một lĩnh vực chuyên sâu, mang tính kỹ thuật và nghiệp vụ rất cao, đòi hỏi phải có đào tạo bài bản. Nếu cán bộ quản lý không có chuyên môn phù hợp thì phải thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, những công ty có kinh nghiệm tổ chức đấu thầu, am hiểu quy trình, và có năng lực thực tiễn.

Ngược lại, nếu đơn vị tư vấn làm sai, thiếu trung thực hoặc yếu kém, thì chủ đầu tư phải có quyền áp dụng chế tài mạnh, từ chối thanh toán, hoặc đưa vào danh sách đen, không cho phép tham gia các dự án tương lai. Chỉ khi có cơ chế trách nhiệm và kỷ luật rõ ràng, hoạt động đấu thầu mới thực sự chuyên nghiệp và liêm chính.

Hiện nay, một trong những bất cập phổ biến ở Việt Nam là nhiều chủ đầu tư tự đứng ra mời thầu dù hoàn toàn không được đào tạo về nghiệp vụ đấu thầu. Nhiều người chỉ “nghe lõm bõm”, hiểu lơ mơ qua kể lại, rồi tự tổ chức mời thầu, chấm thầu mà không có bất kỳ công cụ nghiệp vụ nào để đảm bảo sự chuẩn xác. Điều này làm tăng nguy cơ sai lệch, thiên vị hoặc lựa chọn sai nhà thầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dự án.

Muốn chấm thầu đúng, chọn trúng người có năng lực, cần hội đủ các yếu tố: kiến thức chuyên môn, quy trình rõ ràng, tư vấn độc lập, và trên hết là tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Chẳng hạn, tại một số tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư – nay là Sở Tài chính, thường là đơn vị có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản nhất về nghiệp vụ đấu thầu. Tuy nhiên, bất cập phát sinh đó là nhiều dự án lại được giao cho các sở chuyên ngành như Tài nguyên – Môi trường, hoặc Khoa học – Công nghệ làm chủ đầu tư. Những đơn vị này, thay vì phối hợp với sở có chuyên môn, hoặc thuê tư vấn chuyên nghiệp, lại tự mình đảm nhiệm toàn bộ quy trình, dù thiếu kinh nghiệm và năng lực nghiệp vụ. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho tính chính xác và minh bạch của cả quá trình lựa chọn nhà thầu.

Do đó, năng lực tổ chức đấu thầu phải được coi là yếu tố then chốt. Nếu không có đội ngũ chuyên môn nội bộ, việc thuê tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp là giải pháp bắt buộc, không chỉ để đảm bảo tuân thủ đúng luật, mà còn giúp quá trình lựa chọn nhà thầu diễn ra công bằng, hiệu quả và đạt được mục tiêu cuối cùng của dự án.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 được triển khai thành công nhờ đấu thầu sớm đang được xem là một minh chứng rõ nét. Theo ông, Luật Đấu thầu sửa đổi có nên bổ sung quy định bắt buộc lập kế hoạch và tổ chức đấu thầu sớm đối với các dự án trọng điểm, ngay cả khi chưa có đủ nguồn vốn giải ngân? Nếu có, cần thiết kế cơ chế gì để chủ đầu tư có thể chủ động thực hiện mà vẫn bảo đảm tính pháp lý và trách nhiệm giải trình?

Thử hình dung thế này: một dự án hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc hay đường dây truyền tải điện, để đưa vào vận hành cần ít nhất 3-5 năm, thậm chí là lâu hơn. Nếu chúng ta cứ chần chừ, đợi đến khi có đủ từng đồng vốn trong tay mới bắt đầu quy trình đấu thầu, tức là chúng ta đã tự tay kéo dài thời gian hoàn thành dự án thêm hàng năm trời. Đường dây 500kV mạch 3 là một ví dụ điển hình cho thấy, việc "đi tắt đón đầu" trong đấu thầu, chuẩn bị các bước ngay từ sớm, song song với quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý và vốn, đã giúp chúng ta rút ngắn thời gian thi công một cách ngoạn mục, đưa dự án về đích đúng hẹn.

Tuy nhiên, việc bổ sung điều khoản này cần đi kèm với một cơ chế đảm bảo chặt chẽ và linh hoạt, chứ không thể hô hào suông. Tôi xin gợi ý một số điểm mấu chốt:

Phân loại rõ ràng các dự án: Cần có tiêu chí cụ thể để xác định đâu là dự án trọng điểm quốc gia được hưởng cơ chế đấu thầu sớm. Đó phải là những dự án có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hoặc những dự án cấp bách.

Đảm bảo nguồn vốn cam kết: Dù chưa giải ngân đủ, nhưng phải có cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ và các bộ ngành liên quan về nguồn vốn cho toàn bộ dự án. Điều này có thể thông qua Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các cam kết tài chính dài hạn rõ ràng. Nhà thầu cần nhìn thấy được lộ trình cấp vốn để yên tâm triển khai. Nếu không có cam kết này, việc đấu thầu sớm sẽ trở thành con dao hai lưỡi, gây rủi ro cho nhà thầu và lãng phí nguồn lực.

Tách bạch các giai đoạn đấu thầu: Cho phép chủ đầu tư chia quá trình đấu thầu thành nhiều giai đoạn.

Giai đoạn 1 (đấu thầu chuẩn bị): Đấu thầu để chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, lập dự toán chi tiết, khảo sát địa chất, hoặc thậm chí là đấu thầu sơ bộ các gói thầu xây lắp lớn để nhà thầu có thể chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, vật liệu. Đây là giai đoạn mà chi phí ban đầu chưa quá lớn, nhưng lại cực kỳ quan trọng để đẩy nhanh tiến độ tổng thể.

Giai đoạn 2 (đấu thầu thi công chính thức): Chỉ khi nguồn vốn đã được đảm bảo và giải ngân theo tiến độ, mới ký hợp đồng thi công chính thức.

Cần có quy định về bảo lãnh của Nhà nước cho chủ đầu tư trong trường hợp có rủi ro về vốn, để nhà thầu không phải lo lắng về việc bị "treo" dự án hoặc chậm thanh toán. Đồng thời, cũng cần có cơ chế bồi thường hợp lý cho nhà thầu nếu dự án bị tạm dừng hoặc hủy bỏ vì lý do khách quan từ phía Nhà nước.

Việc trao quyền và tạo cơ chế linh hoạt cho chủ đầu tư đấu thầu sớm không phải là sự tùy tiện, mà là sự tin tưởng vào năng lực, đồng thời là một giải pháp then chốt để các dự án trọng điểm quốc gia không còn bị trì hoãn bởi những vướng mắc thủ tục hành chính, giúp nguồn lực nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất, và quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy sự phát triển thần tốc của đất nước trong giai đoạn tới.

Với những bất cập hiện nay, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ cần ưu tiên trong lần sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới để thực sự tháo gỡ được những nút thắt lớn?

Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều cốt lõi là phải tạo ra một môi trường cạnh tranh thực chất, nơi các thành phần kinh tế được tiếp cận cơ hội bình đẳng. Kinh tế thị trường đòi hỏi sự công khai, minh bạch, từ quy trình lựa chọn nhà thầu đến tiêu chí đánh giá, thì mới có thể thu hút được người tài, người có năng lực thật sự tham gia, từ đó tạo ra chất lượng và hiệu quả trong triển khai dự án.

Hiệu quả ở đây không chỉ là tiết kiệm chi phí theo nghĩa đơn giản là rẻ nhất, mà còn là chi tiêu đúng giá trị, đúng chất lượng. Ví dụ, nếu một dịch vụ có giá trị thực là 100 đồng, thì tôi sẵn sàng chi 100 đồng để nhận lại đúng chất lượng tương xứng.

Ngược lại, nếu vì lý do nào đó tôi chỉ chi 90 đồng để rồi nhận về một dịch vụ chỉ đáng 30–40 đồng, thì đó không phải là tiết kiệm mà là lãng phí, vừa thiệt hại về ngân sách, vừa kéo theo hệ lụy về chất lượng công trình.

q4(1).jpg

Tôi cho rằng, nếu thực sự muốn phát triển theo tinh thần Nghị quyết 68, muốn khơi thông nguồn lực tư nhân, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% GDP năm nay, thì không thể cứ sửa chữa nhỏ giọt, chắp vá mãi. Năm ngoái sửa, năm nay lại tiếp tục sửa, thậm chí là sửa cùng lúc 7 luật, kiểu sửa nửa vời này chỉ khiến hệ thống trở nên rối rắm hơn, mà không thể xử lý tận gốc các vấn đề.

Một ví dụ cụ thể là Điều 16, quy định danh sách dài lê thê những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Đọc lên không ai nhớ hết được để mà thực thi đúng. Hoặc những quy định chi tiết như công bố hồ sơ ngày nào, nộp vào giờ nào, trong khi những việc này nên giao về cho các cơ quan chuyên môn, phòng ban thực hiện, đâu cần đưa vào luật quốc gia?

Tôi cho rằng, phải tạm dừng thực thi Luật Đấu thầu hiện hành trong một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý, để tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện xem có nên tiếp tục duy trì một đạo luật riêng về đấu thầu không, hay nên tích hợp các nguyên tắc, quy định về đấu thầu vào từng luật chuyên ngành tương ứng? Và các quy định chi tiết về thủ tục, điều kiện đấu thầu nên được giao cho các bộ, ngành và địa phương linh hoạt ban hành, áp dụng, trên cơ sở khung pháp lý chung do Nhà nước quy định.

Chỉ khi tiếp cận từ gốc rễ như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được một cơ chế đấu thầu thật sự minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

>> Tổng Bí thư: 'Ông đấu thầu' tội nặng lắm - chậm tiến độ, mất cán bộ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-luat-dau-thau-khong-the-va-mai-can-sua-tu-goc-291108.html
Bài liên quan
  • Đại biểu Quốc hội: Cần thí điểm 'giấy phép im lặng'
    ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần mạnh dạn thí điểm cơ chế 'giấy phép im lặng', nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai.
  • Sửa Luật Đấu thầu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
    Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục đầu tư công.
  • Luật Đấu thầu 2023: Nhiều kỳ vọng cho phát triển kinh tế
    Luật Đấu thầu 2023 tạo dựng khung pháp luật đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Đừng bỏ lỡ
    Đại biểu Quốc hội: Luật Đấu thầu không thể vá mãi, cần sửa từ gốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH