Đại gia Trương Sỹ Bá: Hành trình từ ‘cây lúa, hạt gạo’ tới ông lớn ngành chăn nuôi heo
BAF của đại gia Trương Sỹ Bá đặt mục tiêu tham vọng đạt công suất nuôi heo là 10 triệu con/năm từ năm 2030.
Doanh nhân Trương Sỹ Bá và hành trình từ “cây lúa, hạt gạo” tới chăn nuôi heo
Ông Trương Sỹ Bá - một doanh nhân nổi tiếng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, là người sáng lập và dẫn dắt CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam trở thành doanh nghiệp nuôi heo top đầu hiện nay.
Năm 2000, ông Bá mở một công ty kinh doanh hóa chất. Năm 2007, trong một lần đi giao hóa chất tẩy rửa cho một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông chợt nhận ra chiếc xe của mình lọt thỏm giữa những dãy dài xe tải chở ngô giao cho nhà máy.
“Tôi vốn nghĩ loại hóa chất mình đang kinh doanh lúc đó là một loại hàng hóa có nhu cầu cao, nhưng nhìn cảnh nhà máy thu mua nông sản hôm ấy, tôi nhận ra nông sản mới là mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn”, ông Bá chia sẻ.
Các vai trò của ông Trương Sỹ Bá trước khi làm Chủ tịch HĐQT BAF |
Ngay sau đó, ông Bá quyết định chuyển hướng kinh doanh, rồi dần trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với tính cách quyết đoán và tầm nhìn xa, ông Bá tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh của công ty sang các mặt hàng nông nghiệp khác như gạo, điều, thịt heo... Sau nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì gạo và điều đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Tân Long.
Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Để đi vào thị trường này, gạo Japonica phải đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu. Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Ông Bá nhớ lại: “Đợt hàng thứ hai mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng 3 triệu USD”.
Chủ tịch HĐQT BAF Trương Sỹ Bá |
Tới tháng 8/2017, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam đã được thành lập với khát vọng trở thành Tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam, tiên phong vận hành khép kín chuỗi 3F (Feed – Farm – Food). Tuy nhiên ở thời điểm ấy, ông Bá không trực tiếp làm Chủ tịch HĐQT BAF mà quản lý gián tiếp qua CTCP Siba Holdings, công ty con thuộc Tập đoàn Tân Long.
BAF - “hắc mã” trong ngành chăn nuôi heo
Trong giai đoạn 2018-2019, BAF đưa vào hoạt động 10 trang trại heo thịt và heo giống tại nhiều tỉnh thành. Đồng thời, doanh nghiệp và Công ty Skiold (Đan Mạch) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác về cung cấp hệ thống giải pháp kỹ thuật cho các trang trại trong và ngoài nước của BAF. Doanh nghiệp cũng nhập thành công 1.200 heo giống cụ kỵ (GGP) chất lượng cao.
Tới năm 2020, BAF ký kết hợp đồng đối tác về nguồn giống heo chất lượng cao tại thị trường Việt Nam; nâng công suất Nhà máy thức ăn chăn nuôi Phú Mỹ lên 4.500 tấn/tháng; ký kết hợp đồng với Masan, cung cấp 150.000 heo thịt trong năm 2021, bảo đảm nguồn heo đầu ra.
Năm 2021 là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn của BAF khi đã huy động thành công 560 tỷ đồng thông qua đợt IPO và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Doanh nghiệp cũng đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh với diện tích 30.000m2, công suất 200.000 tấn/năm. Ngoài ra, BAF đã góp vốn và khánh thành chuỗi siêu thị bán lẻ SIBA FOOD.
Giai đoạn 2022-2023, BAF tiếp tục đầu tư quyết liệt và bài bản khi khánh thành trang trại nuôi heo công nghệ cao đầu tiên ở Phú Yên và tăng vốn điều lệ lên 1.435 tỷ đồng. Năm 2023, BAF khánh thành 4 trang trại mới, quy mô 10.000 heo nái và 60.000 heo thịt. Công ty cũng khởi công Trang trại Phú Yên 2 trị giá 240 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chủ tịch Trương Sỹ Bá đã trở thành lãnh đạo cao nhất của BAF từ tháng 3/2022.
Sau 7 năm vun đắp, tính tới năm 2023, tổng tài sản dài hạn của BAF đã đạt 3.386 tỷ đồng với mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 80%. Tỷ trọng chăn nuôi tăng liên tục, đạt 1.200 tỷ đồng vào năm 2023 và biên lợi nhuận gộp vượt trội.
Tỷ trọng doanh thu chăn nuôi của BAF liên tục tăng trưởng qua các năm |
Năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục có bước tiến mới khi BAF đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan (tập đoàn chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc). Theo thông tin công bố, một trong những công nghệ quan trọng nhất mà Muyuan sẽ chuyển giao cho BAF trong tương lai là công nghệ chuồng trại nhiều tầng.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng đàn heo của BAF đạt hơn 520.000 con, tăng 73% so với đầu năm, tương đương sản lượng heo thương phẩm đạt khoảng 1.000.000 con. Điều này đã giúp doanh thu và lãi sau thuế lần lượt tăng 8,2% (3.927 tỷ đồng) và 306% so với cùng kỳ (215 tỷ đồng), trong đó mảng chăn nuôi có doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tăng lần lượt là 146% và 99% so với cùng kỳ.
Với quy mô hoạt động lớn và vị thế trên thị trường, sau gần 8 năm hoạt động, BAF đã trở thành ông lớn ngành chăn nuôi và chế biến heo tại Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi lớn như CP Việt Nam, Masan MEATLife và Dabaco.
Luật Chăn nuôi - “bệ phóng hoàn hảo” cho BAF và kế hoạch tương lai
Theo Khoản 1 Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018, từ năm 2025, việc chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi vi phạm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất lớn như BAF.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh phức tạp cùng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến thị phần chăn nuôi lợn của nông hộ giảm từ 70% về còn 49%, cho đến cuối năm 2024 có thêm nhiều hộ dân bán xả đàn để treo chuồng do bộ luật sắp có hiệu lực sẽ khiến thị phần chuyển dịch đáng kể sang phía doanh nghiệp.
Giá heo hơi được dự báo điều chỉnh giảm trong năm 2025 |
Chỉ số giá các loại ngũ cốc tại thời điểm tháng 10/2024 giảm từ 3-20% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong vụ 2023/2024 sẽ tăng 3,4% (YoY) nhờ điều kiện thời tiết ở Mỹ khá thuận lợi, điều này sẽ giúp giá ngũ cốc tiếp tục duy trì ở mức thấp cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, đà giảm sẽ bị hạn chế hoặc đảo chiều tăng nhẹ trong năm 2025 do lo ngại tình hình thời tiết khô hạn ở Tây Âu ảnh hưởng đến mùa vụ.
Về câu chuyện riêng của BAF, trong 3 quý đầu năm 2024, doanh nghiệp đã bắt đầu vận hành nhiều trang trại lớn, trong đó có các trại ở Tây Ninh (như Hải Đăng, Tân Châu và Tam Hưng) có tổng công suất thiết kế là 10.000 heo nái và 90.000 heo thịt, trại Hải Hà ở Quảng Ninh với công suất 5.000 nái và 60.000 thịt).
BAF cũng tiến hành hợp tác với đối tác chiến lược Muyuan Foods để xây dựng hệ thống nuôi heo trong trại 6 tầng, dự án nếu thành công sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí đất đai cho doanh nghiệp. Tháng 10 và 11 vừa qua, BAF cũng tiến hành M&A thêm 7 công ty chăn nuôi để đáp ứng đủ trại cho đàn heo tăng trưởng.
Dự phóng tổng đàn và doanh thu chăn nuôi của BAF |
Giai đoạn quý IV/2024 và nửa đầu năm 2025, BAF lên kế hoạch đưa vào hoạt động một số trang trại ở Thanh Hóa và Đắk Nông với tổng công suất là gần 20.000 heo nái và 162.000 heo thịt. Tổng số vốn đầu tư cho mỗi năm dự kiến từ 2.300-2.900 tỷ. Với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Muyuan, BAF đặt mục tiêu tham vọng đạt công suất chăn nuôi heo hàng năm là 10 triệu con vào năm 2030.
>> Giá lợn hơi tăng cận Tết 2025: Nông dân lãi 1 triệu đồng mỗi con xuất chuồng
Doanh nghiệp Thái thu 220 tỷ đồng mỗi ngày từ chăn nuôi tại Việt Nam
Nông nghiệp BAF thâu tóm 6 công ty chăn nuôi trong một tháng