Đòi hỏi bức thiết trước kỷ nguyên chuyển mình của quốc gia
Trong bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh một cách sâu sắc về tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong thời kỳ hiện nay.
LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI
Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta chính thức trở thành Đảng cầm quyền từ thời điểm ấy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và tính chất của từng giai đoạn lịch sử buộc Đảng và dân tộc ta phải giải quyết các vấn đề của hiện thực đất nước một cách toàn lực, tổng lực, cùng “hóa thân” để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là giành lại tự do và độc lập cho nước nhà.
Sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), xảy ra nhiều vấn đề như sự chống phá của các thế lực thù địch, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Những ảnh hưởng của lối tư duy mệnh lệnh, hành chính, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, sự cô lập, cấm vận của các nước lớn gây nhiều trở ngại cho Đảng ta. Vì những lý do như vậy, Đảng chưa có nhiều thể nghiệm về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của mình.
Đến Đại hội 7 (năm 1991), cụm từ “đổi mới phương thức lãnh đạo” được Đảng ta chính thức ghi nhận, khẳng định.
Trải qua các kỳ Đại hội 8, 9, 10, 11, 12, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sáng tỏ hơn về vấn đề này. Đặc biệt, trong hơn một thập kỷ trở lại đây, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được khẳng định một cách sâu sắc, chắc chắn.
Tất cả những bài học kinh nghiệm về phương diện này rất có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Chính bởi vậy, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đang được đặt ra hết sức cấp bách trong kỷ nguyên mới của dân tộc, như sự khẳng định trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" hôm 16/9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Cách thức lãnh đạo, cầm quyền của tư duy đổi mới
Trên nền tảng đã đạt được cả về thượng tầng kiến trúc là thể chế chính trị đương đại và hạ tầng cơ sở là những thành tựu to lớn của đất nước, sự đòi hỏi bức thiết trước kỷ nguyên chuyển mình của quốc gia, của tiến trình phát triển mới, Đảng ta xứng đáng là lực lượng duy nhất ở Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ và uy tín lãnh đạo dân tộc.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh một cách sâu sắc về tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong thời kỳ hiện nay.
Như đã biết, lãnh đạo và cầm quyền có mối quan hệ biện chứng với nhau, lãnh đạo hiệu quả sẽ giúp vị thế cầm quyền của Đảng ngày càng được củng cố và nâng lên. Năng lực cầm quyền của Đảng được nâng lên cũng bởi quá trình lãnh đạo nhà nước và xã hội trong việc hiện thực hóa thành công những chủ trương, đường lối, cương lĩnh và nghị quyết của một Đảng chính trị cầm quyền. Thêm vào đó, lãnh đạo là chức năng xuyên suốt quá trình tồn tại của Đảng nhưng vị thế, chức năng cầm quyền được phát huy khi Đảng giành được chính quyền. Trong điều kiện đã trở thành Đảng cầm quyền một cách bền vững như hiện nay, Đảng lãnh đạo tốt mới cầm quyền tốt, đồng thời Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ nội dung, phương thức cầm quyền nên đã xác định được những nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp.
Cách đây 2 năm tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 13, Ban chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 –NQ/TW khóa 10 về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đồng thời ban hành Nghị quyết số 28 –NQ/TW về vấn đề này. Có thể thấy, cụm từ “đổi mới phương thức lãnh đạo” đã được Đảng ta bổ sung thêm hai chữ “cầm quyền”.
Từ Đại hội 7 đến Đại hội 12, nhận thức ấy ngày càng rõ rệt, sâu sắc và hoàn chỉnh hơn. Có thời kỳ, tình trạng bao biện làm thay giữa các cơ quan đảng và chính quyền, một số các quy định chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ trong hệ thống chính trị, trong bộ máy nhà nước cũng như vấn đề chồng chéo về phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu…vẫn còn phổ biến.
Tuy nhiên gần đây, đặc biệt là Nghị quyết số 28- NQ/TW ra đời, từng thành tố trong hệ thống chính trị, cụ thể: Các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc đã phân định rõ ràng vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình khi thực thi công vụ.
Quá trình hoàn thiện thể chế, sửa đổi và soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật trong thời gian qua cũng đã góp phần khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, khu trú quyền lực “cua cậy càng, cá cậy vây” và được thay thế bởi tư duy hành động “đúng vai, tròn vế”, kiểm soát quyền lực, phân công và phối hợp “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”.
Ngoài ra, công tác hoạch định đường lối, vấn đề ra văn bản, nghị quyết cũng đã thể hiện tính dẫn dắt, tính tiên phong của cấp ủy Đảng... Công tác thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị đều được cụ thể hóa bởi các quy định. Đó là phương pháp, là chỉ dẫn cách thức lãnh đạo, cầm quyền của tư duy đổi mới, xây dựng những nguyên tắc vận hành phù hợp với yêu cầu mới của hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh vấn đề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chính là sự khẳng định tính tất yếu, khoa học và theo quy luật vận hành của nền chính trị Việt Nam hiện đại. Phương thức mà Đảng áp dụng trong lãnh đạo, cầm quyền dựa trên sự sáng tạo, dân chủ và theo pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của hệ thống chính trị
Trong bài viết gần đây về vấn đề này, người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định rất rõ luận điểm ấy. Tính khoa học sáng tạo thể hiện ở chỗ, quy luật về quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền và quyền lực nhà nước do Đảng thiết lập ra ngày càng vận hành theo nguyên tắc phổ quát của chính trị học hiện đại. Đảng ta là Đảng cầm quyền, quyền lực của Đảng là tuyệt tối, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng không phải là Đảng trị, đứng trên nhà nước, xã hội. Đảng lãnh đạo, cầm quyền theo luật pháp, thượng tôn pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng vừa là chủ thể chế định, quy định về mặt thể chế, Hiến pháp nhưng cũng là một thành tố tuân thủ rất nguyên tắc của một nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đưa cán bộ có uy tín, năng lực nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước đồng thời lãnh đạo nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế- văn hóa -xã hội, đảm bảo quốc phòng–an ninh. Công tác kiểm tra, giám sát được Đảng tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua các cơ quan nội chính “lá chắn thép” và công cụ chuyên chính “thanh bảo kiếm” bảo vệ cũng như tạo nên quyền uy của Đảng; đồng thời xử lý những bất thường, điểm nóng nảy sinh trong thực tiễn.
Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với phương thức lãnh đạo, cầm quyền cũng liên tục đổi mới, sáng tạo trên cơ sở những nguyên tắc đã được quy định. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền trong kỷ nguyên mới tiếp tục mang dấu ấn của sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thời gian qua.
Thực tiễn đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có uy tín, năng lực và trí tuệ lãnh đạo đất nước, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân” làm chủ thể hiện phương châm nhất quán này.
Đặc biệt, như đã đề cập, với những thành tựu đã đạt được của đất nước thời gian qua phản ánh rõ nét hơn quá trình xây dựng, chỉnh đốn, hoàn thiện thể chế, luật pháp của Việt Nam ngày càng đúng đắn, đi vào chiều sâu. Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không ngừng nâng cao, xứng đáng là lực lượng tiên phong, hội tụ được tinh hoa, bản lĩnh và trí tuệ của một Đảng cầm quyền trong giai đoạn mới. Trên đà thắng lợi, thành công của quá trình lãnh đạo, cầm quyền thời gian qua, vấn đề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức cầm quyền của Đảng sẽ được quán triệt và nhận thức sâu sắc, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực không chỉ trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước mà góp phần đưa tới những thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tương lai.