Đơn vị đóng vai trò quan trọng trong thanh tra, tái cơ cấu ngân hàng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, công ty bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc thanh tra, tái cơ cấu ngân hàng.
Sáng 11/4, tại TPHCM, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" nhằm giúp nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra mô hình tối ưu để tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch.
Tái cơ cấu 4 ngân hàng 0 đồng
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng (NH) trong quá khứ qua trường hợp của SBC và các NH 0 đồng.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Duy Anh. |
Năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Sau tái cơ cấu, 10 năm sau tổng tài sản SCB đạt 673.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng tính đến 30/9/2021, với 239 điểm giao dịch, SCB lúc đó có mạng lưới phủ rộng khắp 28 tỉnh/thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.
Sự tăng trưởng rất mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất ngờ khi các cơ quan điều tra phát hiện SCB đã trở thành một công cụ tài chính phục vụ bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đưa đến một vụ án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam. Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng SCB, Ficombank và Tín Nghĩa Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành NH cận đại.
Với 4 ngân hàng 0 đồng, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm: OceanBank, Xây Dựng, GPBank. Sau đó Ngân hàng Đông Á cũng được NHNN mua lại và nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng", trở thành ngân hàng con của NHNN.
"Trước khi 3 ngân hàng này được NHNN mua lại với giá 0 đồng, chính tôi đã được mời về tham gia Hội đồng quản trị của Ocean Bank và sau đó tham gia ban điều hành của Ngân hàng Xây dựng" - ông Hiếu chia sẻ và cho biết thời điểm về các ngân hàng này thì tình thế không còn có thể cứu vãn, quá tệ. Cả Ocean Bank và NH Xây dựng đã lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng vì cho các công ty sân sau vay và vốn chủ sở hữu đã âm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2024, cả 4 ngân hàng vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được. Việc tái cơ cấu 4 ngân hàng thông qua NHNN mua lại với giá 0 đồng và giao lại cho một số ngân hàng lớn để tái cấp vốn, tái tổ chức được xem là thất bại.
![]() |
Ông Hiếu cho rằng việc tái cơ cấu NH SCB, Ficombank và Tin Nghia Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành NH cận đại. Ảnh: Duy Anh. |
Ông Hiếu cho rằng, sau khi Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2024 thì chuyển giao bắt buộc NH thương mại được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, NH Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; NH Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam; GPBank được giao cho VPBank thực hiện tái cơ cấu nhưng hình như chưa đổi tên; Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài 4 ngân hàng 0 đồng, còn SCB cũng đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
"Tôi chưa có tin tức gì về hoạt động của các ngân hàng này, chỉ biết họ đã đổi tên, thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ" - ông Hiếu nói.
Vai trò của công ty bảo hiểm
Về kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng thông qua sáp nhập tại Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc sáp nhập và tái cơ cấu các NH hoạt động tại Mỹ được thực hiện dưới sự quan sát và kiểm soát của các cơ quan quản lý liên bang và tiểu bang. Trong đó, bao gồm: FED, FDIC (Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang), OCC (Cơ quan tổng kiểm soát tiền tệ), các cơ quan quản lý các định chế tài chính tiểu bang.
![]() |
Tiến sĩ Hiếu đánh giá cao vai trò thanh tra của công ty bảo hiểm trong việc tái cơ cấu ngân hàng. Ảnh: Duy Anh. |
Theo ông Hiếu, việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém tại Mỹ thường được thực hiện qua một quá trình thanh tra của cơ quan chức năng, đặc biệt là FDIC.
Ở Việt Nam, công ty bảo hiểm không đóng vai trò nào trong việc thanh tra, tái cơ cấu ngân hàng. Ở Mỹ, FDIC là người chịu rủi ro lớn nhất và nếu có chuyện gì xảy ra thì họ lấy tiền của họ để bồi thường cho khách hàng. Chính vì rủi ro đó, họ là người cầm trịch, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thanh tra các ngân hàng.
Theo ông Hiếu, FDIC sẽ thanh tra về vốn, cách quản lý, quản trị ngân hàng, lợi nhuận, thành quả, lãi suất. Trong khi đó, thanh tra ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào vấn đề tuân thủ pháp luật, sai phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng…
Dẫn chứng thêm, ông Hiếu cho biết thời điểm ông về Ngân hàng Xây dựng thì nhà băng này đang trong tình trạng “bê bết” nhất. Khi được NHNN mua lại, Ngân hàng Xây dựng bị âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi theo Luật Tổ chức tín dụng yêu cầu ngân hàng phải có vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.
Trong khi ở Mỹ, ngân hàng phải có Hệ số vốn an toàn (CAR) 8%, nếu chỉ số này tụt xuống 5% thì các cơ quan thanh tra cảnh báo, yêu cầu bổ sung vốn cho đủ 8%. Nếu chỉ số CAR của ngân hàng giảm xuống 3% thì các cơ quan thanh tra sẽ phát hành lệnh C&D (Cease and desist order), lệnh thu hồi, chấm dứt hoạt động và hàng có nguy cơ bị đóng cửa. Trong khi chúng ta để một ngân hàng thương mại lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng mà không có cảnh báo đến mọi người.
![]() |
Đông đảo khách mời tham dự hội thảo. Ảnh: Duy Anh. |
Ông Hiếu nói về phương án tái cơ cấu ngân hàng trên cơ sở phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại của Luật sửa đổi Luật tổ chức tín dụng 2024 đối với 4 ngân hàng đã được chuyển giao là CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank theo Điều 185 của Luật tổ chức tín dụng 2024. Các điểm trong Quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao như: Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Những điều khoản trên không phù hợp với các nguyên tắc kế toán và thông lệ quốc tế và làm méo mó báo cáo tài chính của NH nhận chuyển giao, đặc biệt là không hợp nhất các khoản lỗ lũy kế của NH con (nếu có) vào bảng cân đối kế toán của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao.
Các chỉ số an toàn vốn sẽ không được thể hiện chính xác tính hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao và điều này có thể tác động đến lòng tin của cổ đông, khách hàng gửi tiền, trừ trường hợp tất cả tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con được ngân hàng mẹ bảo lãnh 100%.
Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, Tiến sĩ Hiếu cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3 nghìn tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con...
Ngân hàng Nhà nước vừa có buổi làm việc với Quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Ngân hàng Nhà nước công bố kết luận thanh tra đối với Vietcombank chi nhánh Thủ Thiêm