Dự án nâng cấp quốc lộ dài nhất Việt Nam khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô có nguy cơ vỡ tiến độ
Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi, công trình trọng điểm giảm ùn tắc cửa ngõ phía Nam Hà Nội, đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ do thiếu vốn và vướng mắc mặt bằng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, một công trình trọng điểm nhằm giải tỏa áp lực giao thông tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng. Dù đã giải ngân hết vốn được giao trong năm 2025, dự án vẫn thiếu khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại, đẩy các nhà thầu vào tình thế "thi công cầm chừng".
Báo Xây dựng đưa tin, theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, kế hoạch vốn năm 2025 cho dự án chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng và đã được giải ngân hết. Điều này buộc các nhà thầu phải giảm tốc độ thi công, dù giá trị thực tế tại các gói thầu xây lắp số 08, 09 và 10 đã đạt khoảng 67,5 tỷ đồng nhưng chưa được nghiệm thu. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành toàn bộ dự án trong năm nay lên tới khoảng 150 tỷ đồng.

Ban QLDA đã khẩn trương gửi Văn bản số 1463 tới Sở Tài chính Hà Nội báo cáo chi tiết khối lượng thực hiện và kế hoạch tiến độ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Trước tình hình cấp bách này, Ban đã kiến nghị UBND Thành phố sớm bổ sung kế hoạch vốn để đảm bảo tiến độ thi công trong năm 2025, hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu đề ra.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư hơn 887 tỷ đồng, được triển khai theo quy mô đường phố chính đô thị với tổng chiều dài hơn 3,8km (từ Km185 đến Km189 QL1A cũ, thuộc huyện Thanh Trì). Theo Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 8/4/2024 của UBND TP Hà Nội, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2025.
Quốc lộ 1A (còn gọi là Quốc lộ 1) là con đường huyết mạch quan trọng và là tuyến quốc lộ dài nhất Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, tới tỉnh Cà Mau. Tổng chiều dài của Quốc lộ 1A khoảng 2.300 km, chiếm khoảng 9% tổng chiều dài đường quốc lộ Việt Nam. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, quốc lộ 1 sẽ được nâng cấp, sửa chữa để có chiều dài 2.482km, đạt tiêu chuẩn bốn làn xe, thay cho ba làn xe hiện tại. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi khu vực cửa ngõ Hà Nội là một dự án quan trọng.
Trước đây, dự án từng bị "nghẽn" do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc kế hoạch vốn năm 2025 bị cắt giảm. Mặc dù vậy, đến cuối tháng 11/2024, UBND huyện Thanh Trì đã quyết liệt cưỡng chế khoảng 200 hộ dân, bàn giao mặt bằng tại các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thi công đồng loạt.
Tuy nhiên, thách thức vẫn chưa dừng lại. Một số trường hợp tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao vẫn còn tồn tại, điển hình là khu vực trước cổng Bệnh viện Nông nghiệp I (xã Ngọc Hồi) và hộ ông Dương Đức Hinh (xã Ngũ Hiệp). Ban QLDA và chính quyền địa phương đang nỗ lực xử lý nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.
> > Hôm nay, chính thức tái khởi động tuyến đường 1.300 tỷ 'đắp chiếu' nhiều năm giữa lòng Hà Nội

Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Ban QLDA đã đưa ra một số đề xuất quan trọng. Đơn vị này đã kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận điều chỉnh giá trị hợp đồng đối với gói thầu số 18 (di chuyển các công trình điện trung - hạ thế từ Km185 đến Km189) do phát sinh tăng khối lượng, căn cứ theo Điều 21, Quyết định 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022.
Đồng thời, Ban QLDA cũng kiến nghị UBND và Công an các xã Thanh Trì, Ngọc Hồi bố trí lực lượng phối hợp bảo vệ mặt bằng thi công, đặc biệt là sau ngày 1/7/2025 – thời điểm áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Nghị quyết 1656.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi bao gồm các gói thầu chính:
- Gói 08: Km185 - Km 186+200 (1.200m), do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đông Đô - BQP và Công ty CP Xây dựng DV TM 68 thực hiện.
- Gói 09: Km 186+400 - Km 187+752,7 do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công.
- Gói 10: Km 187+752,7 - Km189 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đông Đô và Công ty CP ĐTXD Z16 thực hiện.
- Gói 11: Thi công toàn bộ hệ thống chiếu sáng trên đoạn tuyến do Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng và thương mại đảm nhiệm.
Nếu không sớm được tháo gỡ về vốn và mặt bằng, công trình huyết mạch này khó có thể hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2025 như kỳ vọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam
Nhiều bất cập tại dự án 'nút giao' gần 2.400 tỷ đồng ở Hà Nội