Dù mở cửa đón khách trở lại nhưng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn chưa khởi sắc.
Ông Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, từ ngày 17/11 đến nay, tỉnh đã đón 3 lượt khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 400 người. Hàng ngàn lượt khách trong nước cũng đến các điểm du lịch, như phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn...
Tuy nhiên, theo ông Hồng, khách vẫn vắng bởi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn chưa ổn định, lại xuất hiện biến chủng mới nên tâm lý du khách bị ảnh hưởng. Các chuyến bay thương mại quốc tế chưa nối lại giữa Việt Nam và các nước.
Về kế hoạch tới đây, ông Hồng cho hay tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để du khách biết đến Quảng Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, hấp dẫn. Phối hợp chặt chẽ giữa các công ty lữ hành quốc tế và trong nước với các cơ sở lưu trú, để làm sao mỗi chuyến bay quốc tế có số lượng khách đăng ký tương đối.
Triển khai giai đoạn 2 và 3 đón khách nội địa và quốc tế; đặc biệt là dịp năm mới 2022. Năm tới, Quảng Nam sẽ xây dựng một dự án quảng bá du lịch chuyên sâu hơn và dựa vào các nền tảng công nghệ thông tin và các kênh truyền thông, ông Hồng thông tin.
Du lịch Đà Nẵng cũng rơi vào cảnh ảm đạm, dù địa phương đã mở cửa đón khách nội địa từ cuối tháng 10. Tuy nhiên, lượng khách rất ít ỏi, hầu hết là khách lẻ. Các địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng,... không khí vắng lặng, đìu hiu.
Trước đó, theo kế hoạch từ tháng 12, TP sẽ thí điểm đón khách quốc tế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đoàn khách nào. TP mới dừng ở việc lựa chọn được các đơn vị để phục vụ đón khách.
Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng chưa đón đoàn khách quốc tế nào, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho hay, TP có những khó khăn, khác biệt so với các địa phương khác.
Nếu Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Quốc có các khu vực biệt lập để hình thành tổ hợp lưu trú, giải trí riêng biệt cho khách quốc tế theo chương trình trọn gói khép kín, thì tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phân bố rộng khắp địa bàn TP. Vì thế, công đoạn tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng cần thời gian để đảm bảo yếu tố an toàn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại tình hình dịch bệnh, lượng khách ít, chi phí phát sinh cao nên cũng cân nhắc việc mở cửa hoạt động trở lại trong giai đoạn này. Việc mở cửa chủ yếu là các khu, điểm du lịch.
“Cùng với đó là sự siết chặt về vấn đề xuất nhập cảnh của một số nước nên gây tác động lớn đến ý định đi du lịch nước ngoài của du khách và làm gián đoạn kế hoạch tổ chức các chương trình du lịch theo mô hình thí điểm trọn gói khép kín của các doanh nghiệp lữ hành”, ông Bình nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để thu hút khách, thời gian tới TP sẽ chuẩn bị chu đáo cơ sở, vật chất phục vụ du lịch, nguồn nhân lực, các sản phẩm mới, đẩy mạnh công tác truyền thông...
“Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh xúc tiến khai thác thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng. Phối hợp cùng Quảng Nam hình thành các chương trình du lịch liên tỉnh. Xúc tiến kết nối các đường bay, đường biển tại các thị trường trọng điểm có thế mạnh", ông nhấn mạnh.
Đồng thời, TP cũng chú trọng thị trường khách nội địa. Chủ trì kết nối các đơn vị cung ứng dịch vụ để xây dựng, công bố các gói dịch vụ, chương trình du lịch mới, hấp dẫn để thu hút khách; liên kết trao đổi nguồn khách với các điểm đến Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM,... phù hợp tình hình thực tế.
Khách Tây ngồi vỉa hè Hà Nội ăn món 'quốc dân', liên tục nói 1 từ
Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Vé 'Anh trai vượt ngàn chông gai' 8 triệu mua không được