Đường đến "Phố Wall" của VinFast?

06-12-2021 07:39|Hải Yến

Khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà chúng tôi đã đặt ra.

Tập đoàn Vingroup mới đây đã công bố thông tin tái cấu trúc sở hữu VinFast để chuẩn bị IPO tại Mỹ. 

Mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã chia sẻ chi tiết về câu chuyện này với báo chí liên quan đến việc Vingroup đã công bố chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore để chuẩn bị cho quá trình IPO tại Mỹ. 

Nhiều ý kiến thắc mắc: "Tại sao Vingroup phải đi đường vòng như vậy mà không trực tiếp IPO VinFast Việt Nam?"

Trả lời câu hỏi này, bà Thủy cho biết: “Sở dĩ chúng tôi phải làm vậy vì dù luật Việt Nam cho phép nhưng thực tế, việc niêm yết các Công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan. Do đó để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này”.

Về lộ trình tái cấu trúc để niêm yết, hồi tháng 4/2021, Tập Đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup là cổ đông chính nắm giữ 97,11% cổ phần) đã mua 100% cổ phần Công ty Fiscus Consultancy Pte.Ltd – một công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp Singapore. Việc này tuân thủ theo quy định đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và đã được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 202100916 ngày 02/03/2021.

Fiscus Consultancy Pte.Ltd sau đó đã được đổi tên thành VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. ("VinFast Singapore").

Về phía VinFast Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng ("VinFast Việt Nam") có hai cổ đông chính là Tập đoàn Vingroup sở hữu 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, sở hữu 48,38%.

Với việc Vingroup chuyển nhượng 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng 48,38% vốn cổ phần trong VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sẽ gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Vingroup sẽ duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.

Như vậy, việc tái cấu trúc này hoàn toàn không thay đổi chủ sở hữu của công ty. Đơn giản, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật để phục vụ việc IPO VinFast trên sàn chứng khoán tại Mỹ.

Về lo ngại, khi "quốc tế hóa", VinFast dễ bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối và không còn là hãng xe của Việt Nam nữa, bà Thủy nhận định: "Trước hết, cần khẳng định Vingroup và VinFast mãi là thương hiệu của Việt Nam. Tập đoàn Vingroup xác định sứ mệnh của mình là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc, đẳng cấp cao quốc tế chứ không phải đơn thuần là kinh doanh. Nếu chỉ tính từ góc độ kinh doanh thì chúng tôi đã không làm một dự án quá khó như vậy. Vì vậy sẽ không có chuyện bán hết VinFast!

Khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà chúng tôi đã đặt ra.

Bắt tay VinFast, doanh nghiệp nội địa đón 'bước ngoặt' lớn, có trường hợp tăng trưởng gấp 12 lần

VinFast 'bắt tay' 7 hãng bảo hiểm lớn, rút ngắn thời gian xử lý sự cố xuống 4 - 48 giờ

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-den-pho-wall-cua-vinfast-128929.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường đến "Phố Wall" của VinFast?
    POWERED BY ONECMS & INTECH