Do diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 trong 2021 nên nhu cầu phụ tải hệ thống điện thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến công tác lập phương thức vận hành hệ thống điện.
Điển hình phụ tải miền Nam trong các tháng 8 - 9/2021 đã giảm thấp dẫn đến khó khăn trong việc lập cơ cấu nguồn tối thiểu và duy trì chế độ vận hành an toàn hệ thống điện miền Nam, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tăng cao.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, do ảnh hưởng của diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở nhiều tỉnh, TP, tình hình tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam của quý III đều giảm mạnh so với quý II cũng như cùng kỳ quý III/2020. Nếu so sánh sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trên quy mô toàn quốc, mức tiêu thụ điện của quý III giảm 10,53% so với quý II/2021 và giảm 4,14% so với cùng kỳ quý III/2020.
Đồng thời, nếu so sánh sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của riêng khu vực miền Nam thì mức tiêu thụ điện của quý III giảm 23,41% so với quý II/2021 và giảm 13,59% so với cùng kỳ quý III/2020.
Việc vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các công trình nguồn và lưới điện cũng gặp nhiều khó khăn về huy động nhân lực, di chuyển lực lượng vận hành, sửa chữa trong vùng dịch (đặc biệt là đối với nhân sự là chuyên gia nước ngoài và chuyên gia đang trong vùng giãn cách)... Tiến độ cấp vật tư cho sửa chữa lớn một số hạng mục kéo dài hơn dự kiến ban đầu, tiềm ẩn khả năng không đáp ứng tiến độ triển khai thi công thực tế; công tác mua sắm vật tư thiết bị bị chậm hơn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Cùng với đó, việc cách ly, giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến việc xử lý các sự cố. Việc mua sắm dự phòng vật tư, thiết bị phục vụ thay thế gặp nhiều khó khăn do các hãng sản xuất cũng bị tác động bởi dịch bệnh.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, cho đến nay, các quy định của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế đều quy định không được bố trí làm việc với người lao động là F0, F1, F2 và người nghi nhiễm khác (đối tượng cách ly y tế). Giả sử trong trường hợp nếu dịch bùng phát rất mạnh, tỷ lệ CBCNV bị nhiễm bệnh hoặc phải cách ly y tế ở mức cao sẽ dẫn đến vấn đề không đủ lực lượng CBCNV để quản lý, vận hành, sửa chữa ở một số nhà máy điện, trạm biến áp...
Trong khi đến thời điểm hiện tại phần lớn CBCNV đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi, nếu có người đã tiêm vaccine mà bị nhiễm bệnh vẫn cơ bản đảm bảo sức khỏe để có thể duy trì vận hành nhà máy, trạm biến áp....
Mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nêu trên, với tinh thần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của các địa phương, EVN đã chủ động phát huy tinh thần ”4 tại chỗ” để luôn đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống.
Trong đó, EVN và các đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ các thành viên và đã xây dựng Phương án phòng, chống dịch với các tình huống cụ thể. Tổ chức và thực hiện làm việc từ xa đối với CBCNV và cách ly tập trung, tại chỗ đối với các lực lượng vận hành, sửa chữa các nhà máy điện, lưới điện, điều độ hệ thống điện, vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng, hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian giãn cách xã hội.
Định kỳ, thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho nhân sự trực ca, đi công tác… nhằm vừa đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, ổn định, vừa đảm bảo cung cấp điện cho xã hội đặc biệt là các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly… Nhờ đó, EVN và các đơn vị đã luôn duy trì hoàn thành tốt việc thực hiện ”nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số
19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước báo lợi nhuận vượt 111.000 tỷ đồng