Garmex Sài Gòn: Cú trượt dài của một biểu tượng ngành dệt may, 4.100 lao động bị trả hồ sơ
Năm 2013, Garmex Sài Gòn (GMC) vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng 3 nhờ những thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động. Cùng năm, công ty được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết có hoạt động tốt nhất.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa gửi công văn cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc đối với CTCP Garmex Sài Gòn (Mã GMC). Lý do xuất phát từ lợi nhuận sau thuế âm trong hai năm liên tiếp (2022-2023) và hoạt động kinh doanh chính bị gián đoạn từ tháng 5/2023. Theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu của tổ chức niêm yết sẽ bị hủy niêm yết nếu ngừng hoạt động kinh doanh chính từ một năm trở lên.
Hiện tại, gần 33 triệu cổ phiếu GMC đang giao dịch ở mức 7.400 đồng/cp, giảm gần 75% so với đỉnh cuối tháng 2/2021, vốn hóa thị trường còn gần 244 tỷ đồng. Doanh nghiệp từng là một biểu tượng trong ngành dệt may Việt Nam nhưng giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Diễn biến cổ phiếu GMC |
Cú trượt dài của một ông lớn
Được thành lập từ năm 1976 với tư cách là doanh nghiệp quốc doanh, Garmex Sài Gòn từng nằm trong top các doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là một trong những công ty dệt may đầu tiên niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2006. Trước đây, công ty từng trả cổ tức hấp dẫn, lần gần nhất vào năm 2021 lên tới 50%.
Tuy nhiên, từ đỉnh cao doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2018, hoạt động kinh doanh của Garmex bắt đầu lao dốc. Lợi nhuận ròng từ mức 120 tỷ đồng năm 2018 giảm dần trước khi chuyển sang lỗ 84,7 tỷ đồng năm 2022 và 51,9 tỷ đồng năm 2023. Tình trạng khó khăn tiếp diễn trong 9 tháng đầu năm 2024 với doanh thu chỉ chưa đầy 500 triệu đồng và lỗ sau thuế 8 tỷ đồng.
Cùng với đó, quy mô lao động của công ty cũng giảm mạnh. Từ hơn 4.100 nhân viên năm 2018, con số này giảm xuống 3.800 vào năm 2021 và chỉ còn 31 người tính đến tháng 10/2024. Ban lãnh đạo cho biết, việc cắt giảm lao động và thu hẹp quy mô sản xuất là biện pháp cần thiết để hạn chế lỗ, trong bối cảnh không còn đơn hàng và giá đơn hàng thấp.
Đằng sau sự lao dốc
Khó khăn của Garmex một phần bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào đối tác lớn là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã GIL) trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện. Khi Gilimex vướng vào vụ kiện với Amazon Robotics LLC, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, kéo theo Garmex gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Từ năm 2023, công ty đã tạm dừng sản xuất may mặc và chuyển sang thanh lý tài sản, tìm kiếm đơn hàng từ thị trường châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa mang lại kết quả đáng kể.
Ngày 5/12/2024, Garmex gửi báo cáo lên HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trình bày kế hoạch khôi phục sản xuất. Công ty cho biết đang tập trung đẩy nhanh dự án nhà ở Phú Mỹ để thu hồi vốn và thanh lý một số tài sản không hiệu quả. Dù vậy, hoạt động may mềm và kinh doanh nhà thuốc chỉ mang lại nguồn thu rất nhỏ trong những quý gần đây.
Doanh nghiệp cũng kỳ vọng tái khởi động sản xuất tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025, với kế hoạch tuyển dụng lại khoảng 1.200 lao động. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Garmex cần tìm kiếm đối tác mới và đảm bảo đơn hàng ổn định từ các thị trường quốc tế.
Dù ngành dệt may Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp Top đầu làm không hết việc, Garmex vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ vị thế là một ông lớn trong ngành, công ty giờ đây chật vật tìm kiếm cơ hội mới, trong khi nguy cơ bị hủy niêm yết đang cận kề.
Với quá khứ đầy hào quang, Garmex Sài Gòn hy vọng có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại để tái định hình và tìm lại vị thế trong ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, con đường phía trước là không hề dễ.