Giá dầu thô có thể cán mốc 380 USD/thùng nếu Nga hành động mạnh tay

08-07-2022 16:41|Linh San

Citigroup nhận định, giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay và tiếp tục giảm xuống còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu Nga cắt giảm 5 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể lên đến 380 USD/thùng.

Giá dầu giảm khoảng 9% trong phiên giao dịch 5/7, mức giảm mạnh nhất từ tháng 3, trong bối cảnh quan ngại suy thoái toàn cầu ngày một tăng cao, bên cạnh đó là tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc.

Robert Yawger, Giám đốc khối hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định rằng lý do giải thích cho sự sụt giảm của giá dầu là nỗi sợ suy thoái toàn cầu.

Tại Trung Quốc, một loạt các địa phương kích hoạt chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng, làm gia tăng quan ngại các lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng trở lại, qua đó kéo giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ.

Quan ngại mùa cao điểm lái xe tại Mỹ sẽ hạ nhiệt sau ngày Quốc khánh cũng có những tác động nhất định lên thị trường, Dennis Kissler, Phó Chủ tịch của BOK Financial, nhận định.

Trước đó, giá dầu liên tục tăng. Báo cáo của VNDirect đề cập diễn biến giá dầu trong 6 tháng đầu năm trong môi trường không thể đoán định. Trong bối cảnh nguồn cung thị trường dầu thô toàn cầu vốn đã thắt chặt, khủng hoảng Nga – Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình hình này, đẩy giá dầu brent lên mức cao nhất kể từ 2008 là 139,1 USD/thùng vào ngày 7/3.

Các chuyên gia của VNDirect cho rằng nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn đã giảm mạnh trong nhiều năm, do môi trường giá dầu thấp sau đợt khủng hoảng giá dầu năm 2014 và xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh kéo theo việc giảm nguồn vốn đầu tư vào ngành dầu khí trên toàn cầu. Do đó, khi khủng hoảng Nga – Ukraine xảy ra, không có cách nào để có thể thay thế ngay được nguồn cung dầu thô của Nga.

Loạt dự báo trái chiều

Mới đây, trang Bussiness Standard đưa tin, Citigroup nhận định giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay và tiếp tục giảm xuống còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, khiến nhu cầu năng lượng đi xuống.

Viễn cảnh trên sẽ diễn ra với điều kiện các nhà sản xuất OPEC+ không can thiệp và các khoản đầu tư vào dầu khí suy giảm, các chuyên viên phân tích của Citigroup cho biết trong báo cáo.

Giá dầu đã tăng từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2. Hiện các bộ phận phân tích đang cố dự báo về xu hướng giá dầu trong năm 2023 khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và rủi ro suy thoái tăng. Các chuyên gia kinh tế của Citigroup không cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong thời gian tới.

Ngược lại với đánh giá của Citigroup, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng trong kịch bản tồi tệ nhất nếu Nga cắt giảm 5 triệu thùng/ngày, giá dầu có tăng lên mức 380 USD/thùng.

Economic Times dẫn ý kiến của các chuyên gia từ JPMorgan cho rằng, giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng trên nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Moscow cắt giảm sản lượng để trả đũa.

Nhóm G7 đang nỗ lực để siết chặt nguồn thu từ dầu của Nga để trừng phạt hành động quân sự của Moscow tại Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia từ JPMorgan cho rằng Nga có thể cắt giảm sản lượng khoảng 5 triệu thùng/ngày mà nền kinh tế không bị tổn hại quá mức.

Nếu Nga cắt giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày, giá dầu thô có thể lên đến 190 USD/thùng. Trường hợp khác, Nga cắt giảm 5 triệu thùng/ngày, giá dầu thô có thể lên đến 380 USD/thùng, các nhà phân tích của JPMorgan cho hay.

Chuyên gia đến từ JPMorgan cho rằng Nga có thể trả đũa phương Tây bằng cách cắt giảm sản lượng. Sự thắt chặt nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đang phụ thuộc vào phía Nga.

Theo nhận định của VNDirect, trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức trước dịch Covid trong năm nay, sản lượng dầu thô của các nhà sản xuất lớn có thể sẽ không bắt kịp nhu cầu, ít nhất cho đến năm 2023.

Nhu cầu dầu thô thế giới sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ xăng dầu phục hồi mạnh và hoạt động du lịch quốc tế sôi động trở lại khi nhiều quốc gia mở lại biên giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 99,7 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, gần tương đương với mức trước dịch Covid-19.

Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dường như tiếp tục bị thắt chặt do các lệnh trừng phạt đối với Nga dẫn đến sản lượng khai thác của nước này sụt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và OPEC đã không đạt được mục tiêu tăng sản lượng trong suốt nhiều tháng qua.

Các chuyên gia từ VNDirect cho rằng, giá dầu brent sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong những tháng tới, sau đó hạ nhiệt dần vào cuối năm 2022 khi nguồn cung bổ sung tiềm năng từ Mỹ, OPEC và Iran có thể đáp ứng một phần nhu cầu đang ngày càng tăng. Theo đó, VNDirect kỳ vọng giá dầu brent trung bình 2022 đạt 100 USD/thùng.

Saudi Arabia nâng giá dầu thô bán cho châu Á

Hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng giá

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 5 quyết tâm và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-dau-tho-co-the-can-moc-380-usdthung-neu-nga-hanh-dong-manh-tay-139395.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giá dầu thô có thể cán mốc 380 USD/thùng nếu Nga hành động mạnh tay
POWERED BY ONECMS & INTECH