Năm 2022, nhu cầu dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng giúp giá dầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, sẽ có những tác động khác nhau đến các lĩnh vực trong ngành cũng như lĩnh vực có liên quan.
Đói cung, giá dầu năm 2022 có thể đạt 125 USD/thùng
Theo khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đạt 27,74 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2021 - tăng 220.000 thùng/ngày so với tháng 10 nhưng dưới mức tăng 254.000 thùng/ngày cho phép theo thỏa thuận nguồn cung.
Trong khi đó, theo EIA, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 24/12/2021 giảm 3,6 triệu thùng, mức giảm nhiều hơn so với dự kiến của các nhà phân tích mà Reuters thăm dò.
Tại Nga, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ (condensate) trong tháng 11/2021 đạt 10,89 triệu thùng/ngày - tăng từ mức 10,84 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2021 và tăng 8,6% so với bình quân năm 2020. Sự gia tăng sản lượng dầu của Nga xuất phát từ việc nới lỏng các hạn ngạch của OPEC+ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu gia tăng mạnh mẽ.
Trong tháng 11/2021, trung bình giá dầu thô là 81,44 USD/thùng, giảm 3% so với tháng 10/2021, đặc biệt sau khi biến thể Omicron xuất hiện (giá có thời điểm giảm xuống dưới 70 USD/thùng, sau khi đạt đỉnh 3 năm là gần 87 USD/thùng). Gần đây, giá dầu giao tháng 1/2022 dao động quanh mức 76 USD/thùng, giao tháng 2/2022 là 79 USD/thùng.
OPEC đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 và để ngỏ khả năng điều chỉnh ngay lập tức nếu cần. Ngày 4/1/2022, OPEC+ sẽ nhóm họp để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 2 hay không.
Goldman Sachs cho rằng, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ thận trọng hơn trong kế hoạch sản xuất trong năm 2022 do giá dầu gần đây giảm.
Bên cạnh đó, một loạt nước đã đưa ra chính sách giải phóng kho dầu dự trữ quốc gia để tăng nguồn cung trên thị trường, cụ thể là Mỹ (50 triệu thùng), Ấn Độ (5 triệu thùng), Anh (1,5 triệu thùng), Nhật Bản (4,2 triệu thùng), Trung Quốc, Hàn Quốc...
Mặc dù dịch COVID-19 được dự báo sẽ bùng phát ở một số khu vực, nhưng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 được dự báo vẫn sẽ tăng mạnh - vượt nhu cầu của năm 2019 - được dẫn dắt bởi khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ. Nhu cầu toàn cầu có thể tăng thêm 4,8 triệu thùng/ngày, lên 103,6 triệu thùng/ngày trong đó khu vực châu Á đóng góp mức tăng 1,7 triệu thùng. Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ nhiên liệu máy bay được dự đoán không quay trở lại mức của năm 2019 cho đến năm 2023.
Với những diễn biến và cán cân cung cầu nêu trên, Goldman Sachs cho rằng, giá dầu có khả năng tăng thêm bất chấp việc OPEC+ quyết định tiến hành tăng sản lượng như kế hoạch.
JP Morgan dự báo, giá dầu có thể đạt 125 USD/thùng trong năm 2022 và 150 USD/thùng vào năm 2023 vì sự thiếu hụt sản lượng của OPEC+ do khả năng khai thác không đáp ứng nhu cầu. Tổ chức này ước tính, nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 đạt 99,8 triệu thùng/ngày và năm 2023 đạt 101,5 triệu thùng/ngày.
Dự báo giá dầu trung bình cho năm 2022, Tập đoàn tài chính Barclays đã nâng thêm 3 USD/thùng lên 77 USD/thùng trong khi S&P Global Platts Analytics đưa ra mức giá là 73 USD/ thùng.
Riêng quý I/2022, Morgan Stanley điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent từ mức 95 USD/thùng xuống 82,5 USD/thùng do biến thể Omicron có thể trở thành một thử thách lớn cho nhu cầu dầu.
Nhóm khí
Khi hoạt động kinh tế phục hồi và kéo theo đó là nhu cầu năng lượng tăng lên, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu, kể cả từ Mỹ. Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ bằng việc ký kết nhiều hợp đồng dài hạn, có thể sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Tỷ trọng khí đốt của Mỹ trong hỗn hợp năng lượng của Trung Quốc đã tăng từ 3% năm 2020 lên 11% năm 2021.
Bên cạnh đó, giá LNG phụ thuộc không nhỏ vào dự báo thời tiết trong mùa Đông. Theo S&P Global Platts, kể từ ngày 14/12/2021, giá LNG tại châu Âu đã vượt quá mức giá ở khu vực châu Á. Đây là một hiện tượng hiếm có liên quan đến việc nguồn cung ở châu Âu ngày càng thu hẹp.
Giá LNG giao ngay tại châu Âu đạt mức kỷ lục gần 42 USD/MMBtu (tương đương 12,3 USD/MWh) trong khi mức giá LNG trung bình ở Đông Bắc Á là 39 USD/ MMBtu (tương đương 11,4 USD/MWh) dù châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu LNG nhiều hơn so với châu Âu.
Đối với nhu cầu huy động khí để sản xuất điện, nhu cầu này được nhận định tiếp tục ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19; sự phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên thủy điện; khách hàng công nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh buộc phải dừng/giảm sản xuất/hoạt động cầm chừng và chưa thể khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại bình thường như trước khi có dịch, nên nhu cầu chưa tăng.
Giá hợp đồng nhập khẩu LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) bình quân tháng 12/2021 là 772,5 USD/tấn - giảm 77,5 USD/tấn so với tháng 11/2021.
Tuy nhiên, trước đó, giá LPG đã có 7 tháng tăng liên tiếp theo đà tăng của giá dầu mỏ, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khí đốt và năng lượng tại châu Âu lan rộng do nguồn cung thấp trong khi nhu cầu sử dụng tăng vọt giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 và động thái dự trữ cho mùa Đông.
Nhóm lọc dầu
Năm 2022, nhu cầu dầu toàn cầu dự báo tăng 4,8 triệu thùng/ngày, nhưng mức độ tiêu thụ nhiên liệu máy bay được dự đoán không quay trở lại mức của năm 2019 cho đến năm 2023. Mặc dù vậy, việc tăng tốc tiêm chủng trên toàn cầu và các ca nhiễm COVID-19 mới giảm dần sẽ giúp thị trường hàng không phục hồi, nhu cầu về nhiên liệu bay có thể tăng mạnh kể từ quý IV/2021.
Đối với khu vực châu Á, nhu cầu dầu dự kiến tăng 1,7 triệu thùng/ngày. Giá crack (một hoạt động tinh luyện dầu) sản phẩm chưng cất trung gian sẽ tăng. Các nhà máy lọc dầu đang hướng đến sự phục hồi của nhu cầu sản phẩm chưng cất trung gian trong khu vực.
Châu Á và Trung Đông có khả năng sẽ bổ sung 1,5 triệu thùng/ngày công suất ròng phân xưởng chưng cất dầu thô trong năm 2022, tăng mạnh so với con số ước tính 585.000 thùng/ngày trong năm 2021.
Các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã và đang gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ. Bà Sri Paravaikkarasu, Giám đốc phụ trách thị trường dầu mỏ châu Á của Công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết, biên lợi nhuận lọc dầu cuối cùng cũng đã tìm lại được những gì đã mất.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận lọc dầu dự kiến sẽ giảm khi các nhà máy lọc dầu bắt đầu tăng công suất chế biến dầu thô.
Nhóm phân bón
Khí đốt tự nhiên và than là nhiên liệu chủ yếu để sản xuất amoniac (NH3) mà NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa nitơ như urê, DAP, NPK. Vì thế, giá than, khí đốt và chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá urê tăng theo, nhất là khi nguồn cung khan hiếm do nhu cầu tăng trong khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón. Giá FOB trung bình tại thời điểm cuối tháng 11/2021 đạt 940 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây của thị trường urê.
Dự báo, giá các loại phân bón/hoá chất thế giới sẽ duy trì ở mức cao cho đến hết quý I/2022, hoặc đến khi vấn để khủng hoảng năng lượng tại châu Âu được giải quyết và các nhà máy sản xuất phân bón, NH3 trên thế giới trở lại hoạt động bình thường.
Tại Việt Nam, giá urê đang có dấu hiệu chững lại do mức giá bán đã chạm ngưỡng tối đa có thể chấp nhận của nông dân. Thời gian qua, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong bối cảnh giá nông sản thấp dẫn đến bà con nông dân bỏ canh tác ở một số khu vực.
Thị trường điện
Hiện nay, hầu hết các nước không làm nhiệt điện than, mà làm nhiệt điện khí, nguồn điện này ổn định và ưu điểm hơn nhiệt điện than, dù việc nhập khí cho các nhà máy điện gặp không ít thách thức và phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế.
Theo Đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% năm 2025 và 40% năm 2045.
Tỷ trọng công suất điện khí mục tiêu tăng từ 9,5% năm 2021 lên 13% vào năm 2025, đạt 21% vào năm 2030 và 24% vào năm 2045. Tỷ lệ nhiệt điện than sẽ giảm mạnh từ 29% năm 2020 xuống 15 - 19% vào năm 2045.
Tỷ trọng điện khí trong tổng công suất nguồn điện gia tăng được coi là hướng đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần tăng nguồn điện thân thiện với môi trường trong hệ thống điện.
Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ ở mức cao khi chiến lược phòng dịch chuyển sang thích ứng an toàn, sống chung với COVID-19 và kinh tế mở cửa trở lại.
Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện khoảng 8,2%, tương đương sản lượng điện toàn quốc là 275,5 tỷ kWh. Ở kịch bản cao, tăng trưởng điện lên tới 12,4%, tương đương sản lượng điện toàn hệ thống là 286,1 tỷ kWh.
Hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện, nhưng miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 đến tháng 7 khi thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài.