Giá điện tăng 2 lần/năm: EVN có thêm tỷ USD, thép, xi măng đội giá vốn
Công ty chứng khoán ước tính EVN có thêm 26.000 tỷ đồng trong năm 2024 từ việc tăng giá điện 2 lần năm nay. Điều này giúp EVN cải thiện khả năng thanh toán và dòng tiền, còn các doanh nghiệp ngành điện được dự báo hưởng lợi.
EVN ước tính có thêm 26.000 tỷ đồng
Hôm 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm hơn 86 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,5% lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là lần thứ hai giá điện tăng trong năm nay (lần 1 vào ngày 4/5 với mức tăng 3%).
Theo đánh giá của Chứng khoán MBS, đợt tăng giá sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong năm 2023.
Có thể thấy, giá điện bán lẻ tăng sẽ ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua-bán điện chính.
MBS đánh giá, xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi giá nhiên liệu đầu vào trên thế giới tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao.
Đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.
Với POW, theo báo cáo tài chính, tính đến cuối quý III/2023, doanh nghiệp này có khoản phải thu ngắn hạn là gần 17,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số hơn 12,5 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm và rất lớn so với tổng tài sản 63,6 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này.
MBS cho rằng, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện trên.
Ngoài các doanh nghiệp nhiệt điện, một số doanh nghiệp xây lắp điện cũng được cho là sẽ được hưởng lợi. Theo đó, 2022-2023 là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN và dòng tiền cho các dự án cũng bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị đơn hàng tồn đọng (backlog) không cao khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện.
Với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5-1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình sớm để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư lưới điện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNE), Tập đoàn PC1 (PC1), Tư vấn Xây dựng 2 (TV2) sẽ được hưởng lợi.
Gần đây, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp ngành điện hút tiền và tăng khá mạnh như NT2, POW, HND, NTH, KHP, GEG...
Theo CTCK Mirae Asset, việc tăng giá điện chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn, bởi các thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN như trường hợp Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)...
Mirae Asset cho rằng, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực đối với những doanh nghiệp phân phối điện do hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng tăng.
Tuy nhiên, về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp sản xuất
Trong phiên giao dịch 14/11, trong khi thị trường chứng khoán tăng khá mạnh, cổ phiếu Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long không giữ được nhịp tăng gần đây, quay đầu giảm. HPG giảm ngay trong bối cảnh doanh nghiệp này dồn dập đón tin vui, từ việc sản lượng tiêu thụ tháng 10 cao nhất 16 tháng, cho tới việc khối ngoại đẩy mạnh mua vào. Đầu tư công cũng đang được đẩy mạnh; Chính phủ nỗ lực hồi phục thị trường bất động sản...
Hòa Phát là một trong các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi giá điện tăng.
Theo Chứng khoán MBS, doanh nghiệp một số nhóm ngành sản xuất như sắt thép, xi măng, hóa chất sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, giá điện chiếm 10-15% giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất thép giai đoạn 2020 tới nay. Giá điện sẽ làm giá vốn doanh nghiệp thép tăng thêm 0,6%.
Ngành xi măng còn thâm dụng điện cao với giá điện chiếm 14-15% giá thành sản xuất. Còn với hóa chất, chi phí điện chiếm 9% tổng chi phí sản xuất.
Mirae Asset cũng có đánh giá tương tự với ngành xi măng, còn ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Thực tế cho thấy, khi giá điện tăng, các doanh nghiệp có thể chuyển chi phí cho người tiêu dùng qua việc tăng giá sản phẩm bán ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng thấp như năm qua, việc tăng giá không phải dễ dàng. Trường hợp không tăng được giá bán, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể chứng kiến một phần không nhỏ lợi nhuận bị ăn mòn.
Theo MBS, quyết định tăng giá đến khá bất ngờ nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng tình hình tài chính của EVN, đặc biệt khi doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 29.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, ngay cả khi đã tăng giá bán điện 3% từ tháng 5.
Giá đầu vào các nguồn nhiệt điện (giá than, khí) đang neo ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn nền thấp trước 2021, càng trầm trọng hơn khi tỷ trọng sản lượng thủy điện - nguồn điện giá rẻ đạt mức rất thấp khi thời tiết không ủng hộ trong 6 tháng cao điểm đầu năm.
Trong các tháng cuối năm và 2024, các yếu tố như giá than có dấu hiệu hạ nhiệt và thời tiết trung tính hơn trong nửa cuối 2024 sẽ hỗ trợ EVN giảm chi phí. Cộng hưởng với việc tăng giá bán lẻ điện sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh của tập đoàn này.
MBS cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để EVN tiếp tục tăng giá điện bởi ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chính thức điều chỉnh tăng khung xác định giá bán lẻ điện lên 1.826-2.444 đồng/kWh (tương đương dư địa tăng giá còn lại là 21%). Ngoài ra, dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá điện mới nếu được thông qua sẽ là cơ sở để EVN có thể tính toán các mức giá điện phù hợp với biến động đầu vào. Cụ thể, dự thảo quy định EVN được đề xuất điều chỉnh tăng, giảm giá theo biên độ mỗi 3 tháng/lần (thay vì 6 tháng/lần như hiện nay), tương ứng với những thay đổi về chi phí sản xuất điện, sau khi đã được Bộ Công Thương rà soát và kiểm tra. Tuy nhiên việc đưa ra quyết định điều chỉnh giá điện (nếu có) cần đánh giá nhiều yếu tố và cân nhắc đến tính thời điểm. |
Lạm phát tại Ukraine tăng mạnh
Giá điện hiện nay: Nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước thành của doanh nghiệp