Là người duy nhất trong làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) làm “nghề” tạo hình con rối, trưởng thôn Nguyễn Văn Phi lúc nào cũng cố gắng tìm tòi, sáng tạo để làm nên những con rối mang hơi thở hiện đại nhất có thể.
Về phường rối Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) những ngày hè tháng Sáu, thoáng giật mình thấy thủy đình nằm im giữa tiết trời nắng chang chang không một gợn mây.
Thấy khách lạ tò mò, bà lão đang phơi thóc trước thủy đình trò chuyện: “Chiều nay lại có một buổi diễn đấy, cô nán lại thưởng thức. Xem rối đông nhất là thời gian cuối năm và đầu Xuân, xem các tích trò diễn ra cả tiếng đồng hồ thì phải đợi trời mát. Riêng mùa hè phải đợi chiều xuống mới diễn được. Mùa này gặp nghệ nhân khó lắm, đều đang lom khom phơi lúa hết ngoài đường”.
Ở Đào Thục, các nghệ nhân múa rối nước đều là những nông dân sinh ra và lớn lên tại làng, từ 2-3 tuổi đã được nghe tiếng nhạc và thưởng thức tích trò; đến 4-5 tuổi đã ngâm nga cùng ông bà những làn điệu dân ca quen thuộc. Những nghệ nhân thuần nông chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, hễ có đoàn khách du lịch đến là bỏ ruộng, vào thủy đình, sống hết mình với những vai diễn, tích trò.
Làng rối nước Đào Thục nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Làng nghề đã có tuổi đời hơn 300 năm. Các cụ trong làng kể lại, làng nghề rối nước truyền thống này đã bắt đầu xuất hiện từ thời Hậu Lê. Tổ nghề là ông Đào Đăng Khiêm, người từng làm quan trong triều đình. Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy người dân nghệ thuật múa rối nước.
“Đào Thục là phường rối chung của làng nên người dân đều được truyền nghề, diễn xướng. Các thế hệ cứ hết lớp này đến lớp khác truyền cho nhau, chung tay giữ nghề múa rối nước để góp phần giữ văn hóa truyền thống cho mai sau. Biểu diễn múa rối nước hiện nay hầu hết là người cao tuổi và trung niên trong làng bởi nghề chưa “nuôi” được thế hệ trẻ về nghiệp múa và kế sinh nhai”, ông Nguyễn Văn Phi chia sẻ.
Hà Nội hiện có 5 phường rối là phường rối nước Bình Phú, phường rối nước Thạch Xá (huyện Thạch Thất), phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), phường rối nước Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và phường rối nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Hiện chỉ có phường rối nước Đào Thục hoạt động đều, liên tục đón bước chân du khách ghé thăm mỗi ngày.
Lớp trẻ trong làng hầu hết đều đi làm ở trung tâm Hà Nội, đến giai đoạn trung niên mới có thể quay về sống cùng nghề cổ truyền. Cả hai vợ chồng ông Phi đều là nghệ nhân trong phường múa rối nước. Cả hai cũng phải chờ đến cái tuổi 50, khi kinh tế đủ vững mới có thể sống với nghiệp múa rối nước. Hai con ông Phi đứa nào cũng thuộc lòng các tích trò, từng theo chân mẹ đi diễn 6-7 tháng ròng rã. Nhưng đó chỉ là nghề không chuyên, vì chúng vẫn phải làm nghề khác nuôi tổ ấm nhỏ của mình.
Vợ ông Phi, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận là một trong những nghệ nhân gạo cội của làng, chuyên đứng dưới nước. Năm 2020, bà Thuận vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Bộ VH-TT&DL dành cho những nghệ nhân trong làng Đào Thục đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Bà Thuận còn có chị gái là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thỏa, chuyên mang các tích trò múa rối đi nước ngoài diễn cho đồng bào xem. Múa rối nước là niềm đam mê chung trong gia đình ông Phi, bà Thuận cũng như nhiều gia đình trong làng Đào Thục.
Bà Thuận kể, mùa đông rét căm căm, mặc bao nhiêu áo len, áo khoác rồi tới bộ bảo hộ dưới nước mà thấy rét vô cùng. “Ngày diễn, lúc nào cũng phải có sẵn lò sưởi đốt củi, đặt trên bờ. Cứ xong một tích trò là chạy đến sưởi ấm. Rét lắm, nhưng mà vui”- bà cười nói.
Những người múa rối nước như bà Thuận phải đứng sau tấm mành sân khấu, quấy đảo mặt nước bằng những con rối và bộc lộ hết tâm tư, thái độ, tình cảm của nhân vật mình đang vào vai thông qua một cái sào. Diễn làm sao để cái hồn của nhân vật được thể hiện trong từng động tác của con rối. “Khi tâm hồn người nghệ nhân đã hòa quyện vào tâm hồn của tác phẩm, đó chính là sự cộng hưởng cao nhất trong nghệ thuật”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận chia sẻ.
Ngoài kỹ năng, nghệ nhân múa rối nước còn phải rèn luyện sức khỏe, duy trì độ dẻo dai để làm sao không bị chuột rút khi đang diễn. Một tiết mục biểu diễn rối nước Đào Thục thực sự “tròn trịa” là khi có sự phối hợp ăn ý của nghệ nhân tạo hình con rối và nghệ nhân trực tiếp điều khiển rối dưới nước.
Với nhiều nghệ nhân làng Đào Thục, không có nghệ thuật múa rối thì cuộc sống không còn vui vẻ, trẻ trung. Mỗi lần thủy đình đón khách là một lần cả làng sôi nổi, nhộn nhịp hẳn lên. Chính vì lẽ đó, những nghệ nhân, nông dân làng rối nước Đào Thục luôn nỗ lực duy trì sức sống của môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. Không những thế, họ còn đưa nghệ thuật múa rối nước bay xa, chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm 2023.
Giá trị văn hóa phi vật thể của làng rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian, bên cạnh những tích trò cổ, các nghệ nhân đã sáng tác thêm nhiều tích trò mới ca ngợi quê hương, đất nước, và sáng tạo cả trong từng quân rối.
Ông Nguyễn Văn Phi kể lại, gần 50 tuổi ông mới chính thức sống trong nghề. Ngày ấy còn khó khăn, các quân rối của phường đều đã ngả màu, cũ kĩ và hư hỏng. Nhiều người trong làng không ngại bỏ tiền túi ra khôi phục các con rối đã bị hỏng hóc, hư hại. Ông Phi “xuống nước” đúng ba ngày thì quyết định mang quân rối hỏng về xưởng sửa lại. Tự ông kéo cả xe cải tiến con rối về xưởng mộc gõ gõ đục đục, sơn sửa lại màu sắc cho tươi mới. Con nào sửa ít tiền thì miễn phí, con nào sửa nhiều tiền thì ông lấy công làm lãi.
“Có những đợt diễn 2-3 năm mới được thanh toán tiền tạo hình con rối, nhưng tôi nghĩ, nếu mình làm được thì cứ thử sức. Đó cũng là làm việc thiện, không tiếc công, lúc nào tôi cũng nhiệt tình”, ông Phi kể lại. Để rồi, “nghề” tạo hình con rối theo ông đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Văn Phi vừa làm nghề vừa chạy đủ thứ việc trong vai trò là trưởng thôn Đào Thục. Những ngày Đông Anh chuẩn bị tăng tốc chuyển mình từ Huyện lên Quận, ông càng bận; tất bật suốt ngày với những công việc hành chính, khi thì phát phiếu cử tri, khi lại đi họp ở UBND xã. Công việc “vác tù và hàng tổng” khiến ông không có nhiều thời gian để đục đẽo, tạo hình con rối. “Ban ngày làm việc làng, đến tối mới có thời gian vào xưởng mộc, yên tĩnh để suy nghĩ về những nét mặt, dáng điệu của từng con rối trong kịch bản được đặt hàng”, ông Phi nói. Với nghệ nhân tạo hình con rối, cái khó là làm sao thổi vào khúc gỗ, nước sơn một “tâm hồn” của nhân vật dân gian để sống dậy những tích trò hấp dẫn. “Một quân rối cao từ 30 đến 40cm tôi phải mất khoảng 10 ngày để hoàn thiện. Khi tạo hình con rối hiện đại, tôi luôn sáng tạo linh hoạt để sơn, tạo hình trang phục sao cho phù hợp nhất. Các quân rối khi làm ra đều mang tính ước lệ tượng trưng, sáng tạo không theo một khuôn mẫu nhất định”, ông nói.
Vừa soạn đống phiếu cử tri, ông Phi vừa tâm sự: “Đang có một đơn đặt hàng mà tôi còn chưa kịp nghiên cứu kĩ kịch bản. Giờ các con rối không làm phổ thông để dùng hết vở này đến vở khác nữa, phải tạo hình theo đúng tiêu chuẩn đo ni đóng giày cho từng vai diễn, từng tích trò hiện đại. Đó là cái khó của người làm nghề trong thời hiện đại, buộc chúng tôi phải luôn luôn phải sáng tạo, học hỏi để theo kịp nhu cầu thị trường”.
Múa rối nước tại làng Đào Thục khi biểu diễn vừa có thể chuyển động tịnh - tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay giúp người nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn. Đó đã là cái đặc sắc hiếm có. Nhưng với ông Phi, phải làm ra được những con rối cử động nhiều hơn, nhất là có thể cử động khuôn miệng mới có thể làm “sống dậy” di sản văn hóa phi vật thể.
“Tôi luôn muốn chuyển đổi, biến hóa để con rối có nhiều động tác hơn, hấp dẫn hơn. Phường múa rối không thể cứ diễn mãi vở cổ, phải có tích trò mới, con rối cũng phải hấp dẫn hơn để thu hút giới trẻ. Múa rối Đào Thục phải chuyển mình, hấp dẫn hơn. Mình phải đặt mục tiêu, ngày mai phải sáng hơn ngày hôm nay”, ông Phi khẳng định.
Không ít người từng hỏi ông Nguyễn Văn Phi, sao không mua máy về để tự nó đúc ra con rối theo khuôn, đẹp đẽ mà mười con đều như một. Nhưng ông bảo, cái giá trị sâu sắc của người tạo nên con rối nằm ở chính từng vết khắc, vết đục. Mỗi một con rối đều có cái hồn, cái nét riêng. Nhờ sự tâm huyết và bàn tay khéo léo, điêu luyện của những nghệ nhân tạo hình như ông Phi mà những con rối vô tri đã trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn, truyền tải những câu chuyện đời thường xưa nay. Chúng thay con người kể các tích trò về rồng phun lửa, đốt pháo, câu ếch, nhà nông cày cấy, chọi trâu, tráng sĩ đánh hổ… và những câu chuyện dân gian như Thạch Sanh, Thánh Gióng, sự tích Cổ Loa, chiến thắng Điện Biên Phủ…
Những câu chuyện hiện đại sau này, chắc chắn sẽ do những con rối đẹp hơn, sắc sảo hơn, linh hoạt hơn kể lại tích trò.
Ngày 12/3 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chính thức ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục trên địa bàn huyện Đông Anh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cách đây 20 năm, làng rối nước Đào Thục đã tưởng chừng bị xóa sổ, nhưng bằng tình yêu nghề, các nghệ nhân đã tìm hướng đi mới để duy trì và bảo tồn phát triển nghề rối tại đây. Một hướng đi mới thành công chính là, chủ động động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, đồng thời sáng tạo ra những con rối hiện đại, đẹp mắt hơn.