Trong những năm gần đây, bức tranh về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao lại thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu.
Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ rất tốt nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tuyển đủ lao động có tay nghề như mong muốn. Trong khi đó, một hạn chế lớn của nguồn nhân lực Nghệ An không thể không kể đến, đó là người lao động thiếu kỹ năng mềm đặc biệt như kỹ thuật, kỹ năng hành vi, kỹ năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, khả năng linh hoạt ứng phó tình huống, tính kỷ luật.....
Nỗ lực “bắt nhịp” trước cơ hội và thách thức
Cũng như nhiều tỉnh thành khác của cả nước, hiện nay Nghệ An đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn gọi Cách mạng 4.0) với nhiều cơ hội và thách thức nhất định. Chính vì vậy, xác định rõ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực để đề ra những giải pháp hiệu quả góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, cố gắng “bắt nhịp” với xu thế.
Theo thống kê, dân số Nghệ An (điều tra dân số năm 2019) có 3.327.791 người, xếp thứ 4 cả nước về số dân số. Trong khi đó, ở mốc thời gian vào năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 1.926.960 người, chiếm 57,26 % tổng dân số. Điều này cho thấy, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng về lực lượng lao động dồi dào, cơ hội để địa phương tận dụng thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong những năm gần đây, Nghệ An cũng đã chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng đã có những chuyển biến rõ nét. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An đạt 65%, trên 90% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định; xuất khẩu lao động đạt 10.718 người/năm, đứng tốp đầu cả nước.
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND thực hiện Đề án 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của BTV Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nhằm tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao.
Mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030 (riêng vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 70%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%). Phấn đấu có 1 - 2 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH Nghệ An cũng cho rằng, thực tế hiện nay thị trường lao động đang có sự “lệch pha” về cung - cầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, trong đó nguồn lao động chất lượng cao. Trong khi đó, với tốc độ phát triển của các KCN, nhu cầu sử dụng nguồn lao động của doanh nghiệp dự báo rất lớn, nhất là các ngành nghề dệt may, điện tử…
Tuy nhiên, có một thực tế qua khảo sát, dù nhu cầu nguồn lao động là số liệu thật nhưng hầu hết doanh nghiệp đều than rằng rất khó tuyển dụng vì phần lớn lao động qua đào tạo, có tay nghề vẫn còn hạn chế.
Cần đồng bộ các giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn nhân lực ở Nghệ An, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao lại thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An đạt 65%, nhưng về thực chất, số lao động có văn bằng, chứng chỉ, chỉ mới đạt 25,3,% trong đó tham gia làm việc trong nền kinh tế chỉ 20,97 %.
Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ khá tốt nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tuyển đủ lao động có tay nghề như mong muốn. Một hạn chế lớn của nguồn nhân lực Nghệ An không thể không kể đến, đó là người lao động thiếu kỹ năng mềm đặc biệt như kỹ thuật, kỹ năng hành vi, kỹ năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, khả năng linh hoạt ứng phó tình huống, tính kỷ luật..... Ở khía cạnh khác, nhiều lao động Nghệ An trình độ ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo... rất hạn chế không những so với lao động trong nước mà còn cả trong khu vực ASEAN. Điều này gây ra những khó khăn, trở ngại lớn trong quá trình người lao động tham gia vào thời kỳ khoa học công nghệ mới.
Ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó TGĐ Công ty Cổ phần VILACONIC cho rằng, từ thực trạng nguồn nhân lực của Nghệ An, trên cơ sở những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc CMCN 4.0, việc đề ra những giải pháp cần tập trung thực hiện có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, đầu tiên vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực cần phải được quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả. Bởi một khi nhận thức rõ vai trò quan trọng của phát triển nguồn nhân lực thì sự hưởng ứng, tham gia đầy đủ, trách nhiệm càng thể hiện rõ nét ở các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Cùng với đó, việc xây dựng, triển khai liên tục, thường xuyên các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được quan tâm sâu sát hơn nữa.
Thực tế, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ yêu cầu người lao động có thể lực tốt, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng lao động chuyên nghiệp mà còn yêu cầu về văn hóa nghề nghiệp của người lao động như đạo đức, phẩm chất, ý thức tổ chức kỷ luật…. nên người lao động phải không ngừng được bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện để hoàn thiện những giá trị này nhằm hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Văn hóa nghề nghiệp phải được kết tinh từ bên trong tạo thành giá trị bản chất của mỗi mỗi người lao động. Các chương trình nâng cao nguồn nhân lực của Nghệ An, khi được triển khai không thể không chú trọng đến những vấn đề này.
Còn nữa, trong việc phát triển nguồn nhân lực số, một điều kiện hàng đầu là giáo dục đào tạo trình độ cao. Khi cách mạng công nghiệp phát triển, nhu cầu nhân lực tất yếu đòi hỏi, để vận hành được máy móc thiết bị, các nhà máy phải có công nhân và kỹ sư. Vì thế, giáo dục nghề và đại học, cao đẳng phải đáp ứng các nhu cầu đó của nền công nghiệp. Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, bằng cách đưa các kỹ năng nghề nghiệp vào trong chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Đáng quan tâm, vấn đề phối kết hợp thường xuyên giữa nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thời gian qua vẫn chưa có chuyển biến, hiệu quả rõ nét. Trong khi đó, trên thực tế việc phối hợp giữa nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp đang còn khá khiêm tốn, nếu có thì chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Tinh gọn bộ máy không để xảy ra hiện tượng chạy chọt
Cảnh cáo đối tượng thông tin sai sự thật về 'Cháo lươn' Nghệ An là di sản