Doanh nghiệp

Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?

Hải Đường 04/09/2024 23:12

Hai thương hiệu nội địa, Xanh SM và Be, đang dần khẳng định tầm ảnh hưởng, thậm chí lấn át các ứng dụng quốc tế từng một thời chiếm ưu thế.

Thời gian gần đây, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi đáng chú ý, khi sự cạnh tranh không còn chỉ xoay quanh các "ông lớn" ngoại quốc như Grab hay Gojek. Hai thương hiệu nội địa, Xanh SM và Be, đang dần khẳng định tầm ảnh hưởng, thậm chí lấn át các ứng dụng quốc tế từng một thời chiếm ưu thế, đặc biệt là khi Gojek vừa thông báo rời thị trường.

Xanh SM và Be trỗi dậy

Theo báo cáo gần đây về “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” do Q&Me thực hiện, thị phần của Grab tại Việt Nam vẫn lớn nhất nhưng đang bị thu hẹp bởi sự phát triển mạnh mẽ của các hãng xe công nghệ Việt Nam. Grab hiện vẫn chiếm 42% thị phần, nhưng Be và Xanh SM đang ngày càng tiến gần với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%. Trong khi đó, Gojek, từng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất, đã tụt xuống vị trí thứ tư với chỉ 7% người dùng thường xuyên.

So sánh với dữ liệu từ Statista năm 2021, sự thay đổi này càng rõ rệt hơn. Ba năm trước, 60% người dùng Việt thường xuyên sử dụng Grab, trong khi Gojek chiếm 19% và Be chỉ có 18%. Đến năm 2024, Be đã vượt lên với mức tăng trưởng ấn tượng 13% số lượng người dùng thường xuyên, đồng thời Xanh SM xuất hiện như một đối thủ mới đầy tiềm năng, còn Gojek bị đẩy xuống vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng.

Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
Mức độ phổ biến các thương hiệu gọi xe tại Việt Nam
Ảnh: Khảo sát của Q&M

>> Nóng: Gojek thông báo rút lui khỏi thị trường Việt Nam

Mới đây, Gojek nền tảng gọi xe và giao đồ ăn hàng đầu của Indonesia, vừa tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ ngày 16/9. Sau thông báo này của Gojek, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam sẽ chỉ 3 tên tuổi chính là Grab, XanhSM và Be.

Đáng nói, cả Xanh SM và Be đều là thương hiệu của Việt Nam. Trong đó, Xanh SM là thương hiệu dịch vụ đặt xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam có mặt trên thị trường từ năm 2023. Thương hiệu này định hướng mang đến những trải nghiệm di chuyển khác biệt cho khách hàng với: dịch vụ taxi tiêu chuẩn Xanh SM Taxi, dịch vụ taxi cao cấp Xanh SM Luxury và dịch vụ di chuyển linh hoạt bằng xe máy điện Xanh SM Bike và giao hàng Siêu tốc Xanh Express.

Còn đối với Be, ra đời từ năm 2017, ban đầu đây chỉ là một ứng dụng đặt xe máy và taxi công nghệ tương tự như Grab, Gojek và có vị thế không mấy khả quan. Tuy nhiên, công ty đã trụ vững sau 2 năm Covid, cộng với việc được rót vốn từ ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trên tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Be Group nhanh chóng trở thành cái tên đáng gờm của Grab và Gojek mà cho đến hiện tại thì Gojek đã chính thức phải rời cuộc chơi.

Khách hàng trên 30 tuổi chọn Grab, Gen Z ưa thích Be

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Q&Me là sự khác biệt trong thói quen sử dụng ứng dụng giữa các nhóm tuổi. Grab vẫn là lựa chọn phổ biến nhất đối với nhóm khách hàng trên 30 tuổi, trong khi Be thu hút mạnh mẽ khách hàng trẻ, đặc biệt là Gen Z.

Trong độ tuổi từ 24-30, 46% người dùng vẫn lựa chọn Grab, 43% sử dụng Be, và 14% chọn Xanh SM. Tuy nhiên, đối với nhóm khách hàng từ 31-40 tuổi, sự ưa chuộng đối với Grab rõ ràng hơn với 54% sử dụng thường xuyên, trong khi tỷ lệ này của Be và Xanh SM lần lượt là 22% và 16%. Tương tự, nhóm tuổi từ 41-45 cũng cho thấy xu hướng tương tự khi 43% lựa chọn Grab, và cả Be lẫn Xanh SM đều đạt tỷ lệ 25%.

Về chi tiêu, khách hàng của Grab chi trung bình khoảng 366.000 đồng mỗi tháng cho việc gọi xe, trong khi người dùng Be chi đến 474.000 đồng. Mặc dù chi tiêu trên Grab thấp hơn, nhưng với lượng khách đông đảo, Grab vẫn duy trì vị thế thống trị về doanh thu trong lĩnh vực này.

Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
Grab vẫn duy trì vị thế thống trị về doanh thu trong lĩnh vực gọi xe công nghệ

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, trong đó Grab chiếm đến 58,68% thị phần, gấp 6,4 lần thị phần của Be. Tuy nhiên, Be lại có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ, cho thấy sự bền bỉ trong cạnh tranh của hãng xe Việt.

Trung bình 80% chi phí người dùng bỏ ra cho các ứng dụng gọi xe công nghệ là dành cho dịch vụ gọi xe máy. Đặc biệt, tỷ lệ này cao nhất đối với hai ứng dụng nội địa là Xanh SM và Be, chiếm lần lượt 83% và 82% tổng chi phí gọi xe hàng tháng của người dùng trên hai nền tảng này.

Nhìn chung, người dùng Việt Nam tỏ ra hài lòng với dịch vụ của các hãng xe công nghệ hiện tại và không có ý định thay đổi tần suất sử dụng trong thời gian tới. Những yếu tố quyết định hàng đầu khi lựa chọn ứng dụng gọi xe máy bao gồm tính sẵn có dễ dàng, giá cả hợp lý, và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Thái độ của tài xế và thời gian chờ đợi ngắn cũng là những yếu tố quan trọng giúp ứng dụng trở nên ưu tiên trong mắt khách hàng.

>> Gojek rời Việt Nam với khoản lỗ 6.000 tỷ

Thị trường gọi xe công nghệ: 'Miếng bánh' to sẽ thuộc về ai?

Hãng xe công nghệ Be có 'bước đi' mới: Cho phép khách hàng dùng trước trả sau, miễn lãi 45 ngày

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gojek-roi-cuoc-choi-thi-phan-goi-xe-cong-nghe-cua-viet-nam-dang-ra-sao-247657.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH